Ngủ quá nhiều không chỉ không khiến bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn mà ngược lại còn khiến sức khỏe giảm sút, tinh thần không ổn định. Nếu bạn thắc mắc ngủ nhiều có tốt không hay tại sao không nên ngủ nhiều, ngủ nhiều gây hại gì, đừng bỏ qua bài viết sau đây của Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Cơ thể con người cần ngủ bao nhiêu là đủ?
Thời gian ngủ trung bình của người trưởng thành thường rơi vào tầm 8 tiếng/đêm. Tuy nhiên, tùy theo di truyền, tuổi tác, cường độ hoạt động mà nhu cầu về giấc ngủ của chúng ta cũng có nhiều sự khác nhau. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh: ngủ 14 – 17 tiếng
- Trẻ ở độ tuổi tập đi: 12 – 15 tiếng
- Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo: 10 – 13 tiếng
- Trẻ bắt đầu đi học: 9 – 11 tiếng
- Người lớn: 7 – 9 tiếng
- Người lớn tuổi: 6 – 7 tiếng
Nếu bạn có cường độ hoạt động cao hoặc đang điều trị bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, viêm khớp,… bạn có thể cần ngủ nhiều hơn từ 1 – 2 tiếng so với thời gian ngủ trung bình hằng ngày.
11 ảnh hưởng khi bạn ngủ quá nhiều
Tăng cân
Giấc ngủ và cân nặng có một mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau. Khi bạn ngủ nhiều hơn mức bình thường, chất béo bên trong cơ thể sẽ tích tụ lại thay vì đào thải ra bên ngoài. Điều này khiến bạn tăng cân không kiểm soát. Bên cạnh đó, việc ngủ nhiều còn làm đảo lộn đồng hồ sinh học của bạn, khiến bạn ăn uống không điều độ, dễ ăn đêm, từ đó cân nặng tăng lên nhanh chóng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc ngủ hơn 10 giờ mỗi đêm trong 6 năm sẽ khiến bạn có nguy cơ béo phì cao hơn đến 21% so với người chỉ ngủ từ 7-8 giờ.
Hay bị nhức đầu
Nếu bạn hay bị nhức đầu hoặc đau nửa đầu, đó có thể là do bạn đã gặp phải hiện tượng “đau đầu cuối tuần” do bạn ngủ quá nhiều. Hiện tượng này được lý giải do sự gián đoạn mức độ dẫn truyền thần kinh như serotonin và gây tác động đến não bộ của bạn.
Do đó, nếu thường xuyên đau đầu hoặc đau nửa đầu, đặc biệt là sau khi ngủ dậy, bạn nên thử điều chỉnh lại thời gian ngủ của mình và ngủ ít hơn một chút bạn nhé.
Đau lưng
Đau lưng cũng là một tác hại đáng kể khi bạn ngủ quá nhiều vào buổi tối. Cụ thể, việc nằm ngủ và duy trì một tư thế trong suốt thời gian dài sẽ khiến bạn dễ bị căng cơ, từ đó làm nghiêm trọng thêm các vị trí hay đau nhức trên cơ thể. Đặc biệt, phần lưng và cột sống là những điểm chịu lực chính khi bạn nằm ngủ sẽ chịu áp lực trong suốt một thời gian dài khiến bạn cảm thấy đau mỏi lưng sau khi ngủ dậy. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên còn dẫn đến nhiều vấn đề khác như cong vẹo cột sống, thái hóa cột sống,…
Ảnh hưởng đến não bộ
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc ngủ quá nhiều sẽ vô tình ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ của bạn. Người ngủ quá nhiều thường khó tỉnh táo, khả năng tập trung kém, suy giảm nhận thức, trí nhớ suy giảm. Với trẻ em, ngủ quá nhiều khiến trẻ khó tập trung khi học bài, không thể tiếp thu kiến thức mới.
Đặc biệt, vì gây nên tác động đến vùng não bộ nên việc ngủ quá nhiều còn có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng,…
Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Ngủ nhiều là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Theo trang American Sleep Association, ngủ 9-11 giờ mỗi đêm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 28% so với thông thường. Ngoài ra, ngủ quá nhiều còn làm tăng nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch lên đến 34%.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Người ngủ quá nhiều có khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp II cao hơn bởi không có thời gian vận động kèm với việc lượng đường trong máu cao hơn. Vì thế, các chuyên gia khuyến khích người bị bệnh tiểu đường không nên ngủ quá nhiều mà nên dành thời gian để vận động, tập thể dục nhiều hơn.
Rối loạn nhịp sinh học
Khi đồng hồ sinh học của cơ thể không còn đồng bộ với lịch trình thời gian tự nhiên, cơ thể bạn sẽ không thể thích nghi và dẫn đến các vấn đề rối loạn như khó ngủ vào ban đêm, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật vào ban ngày,… Điều này vô tình gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến bạn không thể thích nghi với nhịp sinh hoạt thường nhật và cần mất nhiều thời gian để khôi phục lại nhịp sinh hoạt thường thấy.
Trầm cảm
Ngủ quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân chính gây trầm cảm, rối loạn lo âu và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Rối loạn giấc ngủ hay ngủ nhiều đều gây nên những tác hại tiêu cực đến quá trình cải thiện tâm trạng của bạn, khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, buồn bã không vui.
Mệt mỏi, uể oải
Mệt mỏi, uể oải có thể do tình trạng ngủ quá nhiều gây nên. Khi bạn ngủ nhiều, bạn sẽ phải thức giấc giữa chừng thường xuyên hơn, từ đó có ít cơ hội nghỉ ngơi hơn trong thời gian ngủ. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn, khiến bạn khó tập trung, ảnh hưởng đến công việc và học tập, dễ gặp tai nạn khi lái xe,…
Giảm khả năng sinh sản
Nếu bạn và chồng đang cố gắng thụ thai, bạn nên điều chỉnh nhịp sinh học của mình, cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi điều độ, không ngủ quá ít nhưng cũng không được ngủ quá nhiều. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nếu ngủ hơn 8 tiếng/đêm sẽ có khả năng thụ thai thấp hơn 43% so với những người ngủ vừa đủ. Bên cạnh đó, phụ nữ ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm lại có hiệu quả thụ tinh cao hơn 46%.
Tăng nguy cơ tử vong
Tuy hiện nay chưa có công bố chính xác về nguyên nhân tại sao người ngủ quá nhiều lại có nguy cơ tử vong cao hơn nhưng các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, có một mối quan hệ mật thiết giữa người ngủ nhiều và những người tử vong sớm. Một số giả thuyết được đặt ra cho thấy, ngủ nhiều khiến bạn dễ mắc bệnMẹ h tim, tiểu đường, từ đó khiến bạn có tuổi thọ kém hơn.
Ngủ quá nhiều có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Do đó, hãy điều chỉnh thời gian để ngủ đúng và đủ, đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch này, bạn nhé!