Theo một số ước tính, khoảng 4 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram. Việc sử dụng các trang mạng xã hội này được cho là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng trầm cảm.
Một số nghiên cứu thậm chí đã chỉ ra rằng, những người hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội có xu hướng hạnh phúc hơn và mạng xã hội có thể kích hoạt một loạt cảm xúc tiêu cực ở người dùng, góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm.
Những điều cần biết về bệnh trầm cảm
Bện trầm cảm hoặc chứng rối loạn trầm cảm nặng là một rối loạn tâm trạng đặc trưng bởi cảm giác buồn bã kéo dài và mất hứng thú với các hoạt động mà một cá nhân từng yêu thích. Trầm cảm có thể nhẹ hoặc nặng và khiến người bệnh khó tập trung, ngủ hoặc ăn ngon, khó đưa ra quyết định hoặc hoàn thành thói quen thường ngày.
Những người bị trầm cảm có thể nghĩ đến cái chết hoặc tự tử, cảm thấy vô giá trị, lo lắng hoặc có các triệu chứng về thể chất như mệt mỏi hoặc đau đầu. Liệu pháp tâm lý và thuốc là một số phương pháp điều trị trầm cảm. Hạn chế thời gian trên mạng xã hội và ưu tiên các kết nối trong thế giới thực có thể có lợi cho sức khỏe tâm thần.
Sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến bệnh trầm cảm?
Mạng xã hội chưa bao giờ phổ biến đến thế khi hơn một nửa dân số thế giới hoạt động trên các trang mạng xã hội này, nơi liên tục cập nhật tin tức, phần lớn là tin tức tiêu cực.
Một nghiên cứu của Lancet được công bố năm 2018 cho thấy những người kiểm tra Facebook vào đêm khuya có nhiều khả năng cảm thấy chán nản và không vui.
Một nghiên cứu khác năm 2018 phát hiện ra rằng mọi người càng dành ít thời gian trên mạng xã hội thì họ càng ít cảm thấy các triệu chứng trầm cảm và cô đơn.
Một nghiên cứu năm 2015 phát hiện ra rằng những người dùng Facebook cảm thấy ghen tị khi ở trên trang mạng xã hội này có nhiều khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm hơn.
Một số nghiên cứu về việc sử dụng mạng xã hội và sức khỏe tâm thần cho thấy có mối tương quan giữa các trang mạng xã hội và chứng trầm cảm. Một nghiên cứu khác tiến xa hơn nữa, phát hiện ra rằng các phương tiện truyền thông xã hội rất có thể gây ra chứng trầm cảm. Điều này có thể được lý giải do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:
Mạng xã hội – nơi bạn chỉ nhìn thấy thành công của người khác
Những người ít sử dụng mạng xã hội không phải xem những nội dung như kỳ nghỉ ở bãi biển của bạn bè, thư chấp nhận vào trường sau đại học hoặc gia đình hạnh phúc,… – những thành công của người xung quanh.
Việc xem ảnh hoặc bài đăng của những người có cuộc sống dường như “hoàn hảo” có thể khiến người đang sử dụng mạng xã hội cảm thấy bản thân tồi tệ, vô dụng hay có cuộc sống không được trọn vẹn… Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Missouri phát hiện ra rằng những người dùng Facebook thường xuyên có nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm nếu họ cảm thấy ghen tị trên trang mạng xã hội.
Ít sử dụng mạng xã hội, ít FOMO hơn
Sử dụng mạng xã hội cũng có thể khiến người dùng gặp phải nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Ví dụ, nếu bạn được bạn bè mời đi nghỉ ở bãi biển nhưng không thể đi vì lý do nào đó. Hoặc nếu người bạn đó không mời bạn đi cùng, bạn có thể cảm thấy bị tổn thương và bị bỏ rơi khi thấy những người khác trong vòng tròn xã hội của người bạn kia được mời. Điều này có thể khiến bạn nghi ngờ tình bạn hoặc lòng tự trọng của chính mình.
Hay việc sử dụng mạng xã hội, vào trang cá nhân của người yêu cũ và thấy ảnh người yêu cũ đang ăn uống với người yêu mới cũng có thể khiến bạn trải qua FOMO. Bạn có thể bắt đầu tự hỏi tại sao người yêu cũ của mình không bao giờ đưa mình đến những nhà hàng sang trọng như vậy hoặc tặng mình nhiều quà như vậy.
Việc hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội có thể giúp bạn có ít thời gian hơn để so sánh bản thân với người khác. Điều này có thể hạn chế phần nào việc nghĩ xấu về bản thân và phát triển các triệu chứng dẫn đến trầm cảm.
Bạo lực mạng bủa vây
Trước khi có mạng xã hội và internet, trẻ em thường chỉ lo lắng về việc bạo lực học đường, bị bắt nạt ở trường. Nhưng mạng xã hội đã mang đến cho những kẻ bắt nạt một cách mới để hành hạ “nạn nhân”.
Chỉ cần một cú nhấp chuột, những kẻ bắt nạt có thể tung những thông tin làm ảnh hưởng đến đối tượng mà chúng muốn “tra tấn”. Chẳng hạn như truyền thông tin sai sự thật, cắt ghép ảnh để làm nhục đối tượng, để lại bình luận tiêu cực trên trang cá nhân,… Trong một số trường hợp, nạn nhân của bắt nạt trên mạg đã tự tử.
Mặc dù nhiều trường có chính sách chống bắt nạt và quy định về hành vi sử dụng mạng xã hội nhưng vẫn không thể hoàn toàn ngăn chặn được việc này. Và đây cũng chính là yếu tố đã dẫn đến trầm cảm đối với những người sử dụng mạng xã hội thường xuyên.
Tin xấu và chứng trầm cảm
Tác hại của mạng xã hội có thể góp phần dẫn đến trầm cảm một phần xuất phát từ việc bạn nhận được quá nhiều tin xấu trên mạng xã hội. Những thông tin tiêu cực liên quan đến thiên tai, tấn công khủng bố, xung đột chính trị và cái chết của người nổi tiếng,… thường là những tin tức viral, được nhiều người biết đến, quan tâm, thảo luận và chia sẻ.
Việc thảo luận và chia sẻ quá nhiều tin tức xấu trên các trang mạng xã hội có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của một người, dẫn đến phát triển hoặc làm gia tăng các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm.
Sử dụng mạng xã hội một cách an toàn
Sử dụng mạng xã hội bên cạnh mang đến những lợi ích thiết thực như kết nối mọi người với nhau thì cũng đi kèm với rủi ro về sức khỏe tâm thần, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tránh hoàn toàn. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các trang web mạng xã hội ở mức độ vừa phải.
Đặt bộ đếm thời gian khi bạn sử dụng mạng xã hội hoặc cài đặt ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính để theo dõi thời gian bạn dành cho trang mạng xã hội đó.Nếu không có những bộ đếm thời gian hoặc ứng dụng, bạn có thể dễ dàng dành hàng giờ trên mạng xã hội trước khi bạn nhận ra.
Để hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội, bạn cũng có thể lên kế hoạch cho các hoạt động thực tế giúp bạn tập trung vào môi trường xung quanh và hoàn cảnh trực tiếp của mình. Đọc sách, xem phim, đi dạo, chơi trò chơi, nướng bánh mì hoặc trò chuyện qua điện thoại với bạn bè. Hãy dành thời gian để tận hưởng cuộc sống ngoại tuyến.
Mạng xã hội luôn là con dao 2 lưỡi, vì thế, điều quan trọng nhất không phải là tránh xa khỏi mạng xã hội, mà hãy học cách để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tránh đẩy bản thân vào nguy cơ trầm cảm khi “lướt mạng” bạn nhé!