Những ‘lời kể tội’ đau lòng
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các hội nhóm có tên “Hội những người ghét cha mẹ”. Trong đó, một số nhóm kín có sự tham gia của ngàn thành viên tuổi teen. Mỗi ngày, các nhóm này có từ 4 – 8 bài viết mới, đa số cùng nội dung “kể tội” ba mẹ. Có không ít những tâm sự thấm đẫm nước mắt.
Một thành viên có tên T.T.H.M đã viết: “Các bạn có biết rằng cảm xúc của mình bị chèn ép đến nỗi khóc đỏ mắt, tối ngủ phải có thuốc an thần, mỗi ngày đều cơm chan nước mắt, bị cầm bát ném thẳng vào mặt, lấy vung nồi cơm ném vào đầu. Mình bị đánh đến nỗi bầm dập, chệch khớp tay khớp chân chưa hết còn lôi dao ra định chém. Nhớ những buổi sáng bị đánh đến nỗi không dám đi học… Bố mẹ mình tức giận cái gì là trút giận lên mình chửi rủa nói là tao nuôi mày cho có trách nhiệm. Nhưng bố mẹ đâu biết là mình tổn thương đến nỗi có nhiều lần mình nghĩ đến tự tử”.
Thành viên này tiếp tục: “Nếu được một lời cảm ơn mình cảm ơn đến ông bà nội của mình đã bênh vực mình, đỡ đần cho mình sống đến ngày hôm nay”.
Một thành viên lấy tên Chấm Chấm Chấm đang học lớp 8 cũng nghẹn ngào kể trong nhóm: “Em phải học từ 7 giờ sáng đến 11 giờ hoặc có hôm tới 3 giờ chiều cùng với những cái tát. Em cũng cố nhịn rồi học tiếp nhưng… Dạo này phải học trực tuyến nhiều, thời gian em chơi được rất ít. Hôm qua vì em không nhớ bài mà ba em kêu là “mày nghỉ học đi, thà mày đi ăn trộm, ăn cướp còn hơn” rồi cầm chổi quýnh em, lúc sau thì kêu là sẽ dùng dao giết em. Từ lúc đó trong đầu em luôn nghĩ là tại sao mình lại được sinh ra. Từ hồi tiểu học đến giờ em phải học ngày học đêm cùng với những đòn roi, những cái tát…”.
Học sinh này tâm sự mình không cần sinh ra trong một gia đình giàu có mà chỉ cần ba mẹ yêu thương mình hơn.
Thành viên Khoa Nguyen thì ghét cha mẹ vì lý do “Mỗi lần ăn cơm, tôi toàn trốn trong phòng. Mỗi lần giải thích toàn để lại thẹo. Có lần tôi giả vờ bỏ nhà ba mẹ tôi nói “nó muốn đi đâu thì đi dù sao tao cũng không ưa nó”. Nghe xong tôi đã nói “thế sao khi sinh con ra lại không bóp cổ con chết đi”.
Còn rất nhiều tâm sự đau lòng khác và những chia sẻ này được người cùng cảnh vào an ủi. Tuy nhiên, cũng không ít người vào nguyền rủa “đồ bất hiếu”, “cha mẹ sinh mình ra sao lại ghét”, “toàn những kẻ hư đốn”…
Một thành viên lấy tên Đơn Cô đã vào đáp lại: “Ai mà không mong muốn có một gia đình hạnh phúc chứ. Không ai có thể chọn nơi mình sinh ra. Mình cũng bất hạnh như các bạn trong nhóm này. Các bạn chửi tụi mình được lớn lên trong gia đình có thể không giàu có nhưng đầy ắp tình yêu thương của cha mẹ. Còn bọn mình, người thì mồ côi, người thì có bố mẹ ly hôn, có người thì có bố mẹ nghiện ngập. Các bạn cứ phải ở trong hoàn cảnh thiếu tình thương, cha mẹ áp đặt bạn, cha mẹ không lắng nghe, cha mẹ không bao giờ nhận sai, cha mẹ chấp nhặt lỗi vặt, cha mẹ ưa dùng bạo lực… Lúc đó, các bạn sẽ thấy gừng cay muối mặn là có thật”.
Thành viên Con Cú Phèn cũng cho biết mình vào nhóm này tâm sự chỉ để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. “Hôm nay tôi pha đường vào ly nước cam quên khuấy, cũng đủ để mẹ tôi rủa tôi “mày tính giết tao hay gì con chó” “sao mày không chết đi, sống mà vô dụng”. Tôi biết mấy việc này không đáng là gì hết, vẫn có hoàn cảnh khổ sở, tội nghiệp hơn tôi. Nhưng hôm nay tôi uất quá mà không biết nói với ai, nói với anh thì anh mách mẹ. Còn bố thì tôi không thân đến mức mở lòng do bố mẹ tôi gần như ly dị rồi. Tôi vào đây nói ra để giải tỏa chứ thực ra tôi vẫn thương mẹ tôi”, Con Cú Phèn viết.
Cha mẹ cũng nên nhìn lại mình
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, cho biết ông thấy giật mình với các hội nhóm có tên “Hội những người ghét cha mẹ”.
Tiến sĩ Tùng Lâm nhận định: “Đọc qua những tâm sự đó, tôi cảm thấy hết sức đau lòng. Các em ở độ tuổi mới lớn đã không thể chia sẻ với ai khi mình chịu những uất ức, áp lực do cha mẹ gây ra, nên chỉ còn cách dùng mạng xã hội để giải tỏa. Điều này rất nguy hiểm vì dễ tạo ra những suy nghĩ, cảm nhận lệch lạc cho chính các em và cho nhiều bạn trẻ khác”.
Theo tiến sĩ Lâm, hầu hết những thành viên vào nhóm chia sẻ, đều đang là nạn nhân của bạo hành thân thể lẫn tinh thần. Có em bị cha mẹ đánh, lại có em bị cha mẹ chửi bới nguyền rủa dẫn đến có những lời nói, phát ngôn “ghét cha ghét mẹ” trên mạng.
“Các em đáng thương hơn là đáng trách. Có những chuyện như vậy vì không ít cha mẹ chưa nhận thức được con cái là tài sản quý giá nhất, khi sinh con ra phải có nghĩa vụ, trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc, yêu thương. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ, hành động của con, không theo sát, đồng hành với con, chưa kể là có cách ứng xử không phù hợp với đạo đức của bậc làm cha mẹ. Họ cũng không hề biết rằng bạo hành con là vi phạm quyền trẻ em, vi phạm pháp luật”, tiến sĩ Lâm nói.
Bà Nguyễn Thanh Tình, chuyên gia tư vấn tâm lý (Giám đốc Công ty Cổ phần giáo dục Ước mơ Xanh), cũng cho rằng nhiều trẻ có những ức chế chất chứa trong lòng do ba mẹ ứng xử chưa phù hợp, do không có nơi chia sẻ nên tạo ra hội nhóm để cùng đồng cảm với nhau.
“Do cùng tâm trạng nên dễ có sự bùng nổ. Tuổi còn nhỏ, các em chưa thể có suy nghĩ và nhìn nhận thấu đáo, nên còn thiếu sự kiềm chế, nghĩ trong lòng thế nào thì viết ra như vậy. Việc lập nhóm này rất nguy hiểm vì khi các em không có điểm tựa, đăng tải xong hoặc là nhận được sự kích động, hoặc là nhận được sự chửi bới, các em sẽ càng rơi vào trạng thái ức chế, có thể sẽ dẫn đến trầm cảm, nảy sinh hành vi tiêu cực”, bà Tình nhìn nhận.
Cũng theo bà Tình, có những phụ huynh không phải là không quan tâm yêu thương con cái, chỉ là sự quan tâm yêu thương chưa đúng cách. “Nuông chiều con từ bé, đến khi con lớn không theo ý muốn của mình thì lại chửi bới con. Những áp lực trong cuộc sống ngày nay cũng khiến cha mẹ, con cái khó gần gũi chia sẻ với nhau. Dù bận rộn cỡ nào, cha mẹ cũng nên dành thời gian lắng nghe, chia sẻ với con, đồng cảm với con trước. Tuy nhiên, con cái cũng nên chia sẻ suy nghĩ của mình với cha mẹ, nếu không nói được thì viết thư bày tỏ cảm xúc, mạnh dạn nói ra mong muốn của mình. Hãy chia sẻ để cha mẹ hiểu lòng mình hơn chứ không phải để phán xét hay kết tội”, bà Tình đưa ra lời khuyên.
Tiến sĩ Tùng Lâm cũng cho rằng người lớn nên giáo dục trẻ trân trọng ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. “Trong số những thành viên tuổi teen giận cha mẹ vì bị đánh chửi, cũng có một số em vì lý do rất đơn giản như cha mẹ không làm theo ý mình cũng nảy sinh tư tưởng “ghét cha ghét mẹ”. Đây là tư tưởng lệch lạc, sai trái. Dù có giận cha mẹ thế nào cũng không nên căm hận hay là dùng lời lẽ xúc phạm cha mẹ trên mạng như một số thành viên trong nhóm. Với các em bị cha mẹ bạo hành thì hãy tìm người thân giúp đỡ, không nên giấu kín chịu đựng một mình”, tiến sĩ Lâm cho hay.
Theo Thanh Niên