Sơ cấp cứu là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần biết. Việc hiểu và thực hành được quy trình sơ cấp cứu không chỉ giúp bạn bảo vệ an toàn bản thân mà còn giúp bạn giúp đỡ người thân, gia đình, bạn bè và những người xung quanh mình nếu chẳng may gặp tai nạn.
Sơ cấp cứu – một kỹ năng sinh tồn đặc biệt quan trọng
Sự hỗ trợ và can thiệp đầu tiên với người bị nạn, bị thương tích, bị bệnh cấp tính sẽ quyết định phần nào khả năng sống sót cũng như tỷ lệ thương tật của họ. Cụ thể, sơ cấp cứu ban đầu sẽ có thể giúp bệnh nhân sống sót nếu được thực hiện các thao tác sơ cứu đúng cách. Hơn nữa, điều này còn làm giảm thiểu các di chứng, hạn chế các tế bào bị tổn thương không phục hồi, giúp bệnh nhân duy trì được các chức năng sinh hoạt sau khi điều trị.
Nếu không thực hiện sơ cấp cứu kịp thời hoặc không làm đúng cách, nạn nhân sẽ dễ bị ngừng thở, gnuwnfg tim, não tổn thương, cơ hội sống sót thấp. Các trường hợp này nếu sống sót cũng thường trở thành “người thực vật”, làm mất đi cuộc sống của nạn nhân và tạo nên gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Do đó, cần nắm rõ và có thể luyện tập các kỹ năng sơ cấp cứu thường xuyên để có thể can thiệp kịp thời khi phát hiện người gặp tai nạn, đột quỵ,… trước khi có sự trợ giúp từ cơ sở y tế.
Kỹ năng sơ cấp cứu cho các tai nạn thường gặp
1. Gãy xương
Với những nhà có con nhỏ, việc bé leo trèo, nghịch ngợm hay chạy nhảy dẫn đến té ngã gãy xương là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hoặc người già thường yếu ớt, đi không vững cũng dễ dẫn đến ngã, gãy xương, chấn thương tay chân. Nếu không xử lý kịp thời, tình trạng này có thể để lại thương tật vĩnh viễn hay thậm chí tử vong.
Các bước sơ cấp cứu khi gặp người bị gãy xương như sau:
- Nếu có chảy máu: Dùng băng vô trùng, vải sạch hoặc mảnh quần áo sạch ép chặt vết thương
- Luôn nhớ: Giữ nguyên vị trí của người bị gãy xương, không xê dịch tránh làm vết thương thêm nghiêm trọng
- Nếu bị gãy xương tay hoặc chân: Cố định khu vực bị thương bằng nẹp hoặc băng vải đeo trước ngực
- Bỏ đá lạnh vào vải sạch, chườm vào khu vực bị thương khoảng 10 phút/lần
- Cố gắng trấn an tinh thần nạn nhân, đặt họ ở tư thế thoải mái nhất, giữ cho nạn nhân không di chuyển tay, chân hoặc vị trí gãy xương
- Trong trường hợp người bị gãy xương không thở, bất tỉnh, cần thực hiện hô hấp nhân tạo và gọi ngay cấp cứu
2. Vết thương chảy máu nhiều
Nếu không được sơ cấp cứu kịp thời, người bị nhảy nhiều máu sẽ bị mất máu, nhịp tim suy yếu, buồn nôn, mất ý thức dẫn đến tử vong.
Khi gặp người bị chảy máu nhiều, cần lập tức sơ cứu bằng cách:
- Xác định vị trí chảy máu
- Dùng ngón tay ép chặt hai mép vết thương ít nhất 5-10 phút để cầm máu. Lưu ý: phải rửa tay với xà phòng hoặc cồn sát khuẩn TRƯỚC VÀ SAU sơ cấp cứu
- Lấy gạc sạch để phủ lên vết thương rồi băng lại. Không băng quá chặt khiến máu tắc nghẽn khó lưu thông. Trong trường hợp không có băng gạc, bạn có thể linh động dùng vải sạch hoặc mảnh quần áo sạch
- Nếu còn hiện tượng chảy máu, cần đặt thêm gạc và quấn thêm băng nhưng không tháo lớp băng ban đầu ra
- Liên tục kiểm tra các ngón tay, ngón chân, màu da. Nếu da chuyển sang màu tím, tái nhạt thay vì ửng hồng, lập tức nới lỏng băng gạc để máu lưu thông
- Nhanh chóng liên hệ cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, đặc biệt là khi bệnh nhân bắt đầu chảy mồ hôi, mệt, lạnh, xanh xao,…
3. Bị nghẹn ở cổ họng
Kỹ năng sơ cấp cứu khi bị nghẹn ở cổ họng đặc biệt quan trọng với những gia đình có con nhỏ vì bé có nhiều khả năng đưa đồ chơi vào miệng hay trẻ bị hóc xương cá, nhai chưa kỹ thức ăn dẫn đến nghẹn.
Khi nạn nhân bị hóc dị vật đường thở hay còn gọi là nghẹn ở cổ họng, cần lập tức đưa đi cấp cứu vì lúc này, dị vật có thể làm tắc đường thở, dễ gây tử vong. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, bạn có thể sơ cấp cứu theo nguyên tắc 5-5: dùng lòng bàn tay vỗ vào lưng người bị nghẹn 5 lần (vùng giữa hai xương vai) và ấn mạnh vào bụng 5 lần (phương pháp Heimlich).
Trong khi thực hiện phương pháp Heimlich để sơ cấp cứu cho người bị hóc dị vật đường thở, bạn thực hiện các bước:
- Đứng sau lưng nạn nhân, lấy tay ôm eo, để nạn nhân hơi cúi người về phía trước
- Nắm một tay lại và đặt nắm tay lên phần trên rốn của nạn nhân sao cho chiều nắm tay hướng lên trên
- Tay còn lại ôm bàn tay đang nắm, ấn thật nhanh và mạnh vào bụng nạn nhân 5 lần
- Nếu dị vật chưa rơi ra, tiếp tục lặi lại thao tác sơ cấp cứu theo nguyên tắc 5-5
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, cần đặt nạn nhân nằm ngửa, cẩn thận dùng ngón tay đưa vào trong miệng và lôi dị vật ra
Nếu nạn nhân bất tỉnh sau khi đã lấy dị vật ra hoặc trong trường hợp đã sơ cấp cứu nhưng dị vật vẫn mắc lại và đang chờ cơ quan y tế, bạn nên thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân.
4. Bị bỏng
Bỏng có thể được chia thành nhiều nhóm: bỏng nước sôi, bỏng do hỏa hoạn, bỏng hóa chất, bỏng bô xe máy và bỏng dầu ăn. Các nhóm này được chia thành 3 cấp độ:
- Bỏng cấp độ 1: Bỏng ngoài về mặt
- Bỏng cấp độ 2: Bỏng tương đối nghiêm trọng, tổn thương lớp biểu bì và chân bì
- Bỏng cấp độ 3: Bỏng nặng, tổn thương toàn bộ lớp da dưới biểu bì
Dù bỏng ở cấp độ nào thì vết bỏng cũng gây đau rát, khó chịu cho người bị bỏng. Trong trường hợp bỏng cấp độ 2 và cấp độ 3, nạn nhân có thể tử vong nếu không được sơ cấp cứu kịp thời.
Khi bị bỏng hoặc gặp người bị bỏng, bạn cần:
- Với vết bỏng do hỏa hoạn, nước sôi hay bỏng bô xe máy: Cho vết bỏng vào nước sạch mát và ngâm khoảng 15-20 phút để đỡ rát. Dùng khăn sạch thấm nhẹ vết bỏng cho khô. Sau đó lấy gạc sạch băng lại vị trí bỏng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Với vết bỏng do hóa chất: Để vết bỏng của nạn nhân dưới vòi nước mát, chảy nhẹ trong vòng 15-20 phút rồi đưa đến bệnh viện để được xử lý, điều trị.
- Với vết bỏng dầu ăn: Cho vết bỏng vào chậu nước mát hoặc đặt dưới vòi nước đang xả nhẹ. Dùng nước muối sinh lý vệ sinh vết thương rồi băng lại bằng gạc vô khuẩn.
Cần lưu ý: Sau khi sơ cấp cứu, có thể tự điều trị tại nàh và tham khảo hướng dẫn từ bác sĩ nếu vết bỏng nhẹ (thay băng mỗi ngày, rửa vết bỏng với nước muối sinh lý, dùng kem trị bỏng). Với vết bỏng nghiêm trọng, nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay sau khi thực hiện sơ cấp cứu.
Ngoài ra, tuyệt đối không xối nước quá mạnh hay dùng nước đá để tránh vết thương bong da và trở nặng.
5. Đuối nước
Nếu không có kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách, việc cứu người bị đuối nước có thể gây nguy hiểm cho cả người bị nạn và bản thân bạn. Khi thấy một người có những biểu hiện đuối nước như miệng luôn ở trên mặt nước, vùng vẫy liên tục, không thể gọi người khác, trong trường hợp không biết bơi cần thực hiện các thao tác sơ cấp cứu:
- Hô hào sự trợ giúp từ những người xung quanh
- Liên hệ cấp cứu y tế 115 và số điện thoải khẩn cấp 112
- Không nên tự nhảy xuống cứu người bị nạn. Lập tức tìm phao cứu hộ và giữ khoảng cách an toàn với nạn nhân
- Tìm vật đủ cứng và dài để kéo người bị nạn lên (trong trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo). Lưu ý đứng thật vững, cách xa nạn nhân để tránh tình trạng bị kéo ngược xuống. Đặc biệt, nên giữ thật chặt vật cứng để người bị nạn nắm lấy
- Không được dùng tay để cứu nạn nhân. Nếu nạn nhân kéo người bạn, nên buông tay để bảo vệ an toàn chính mình
- Nếu không tìm được vật dụng để kéo người bị nạn lên, quăng một sợi dây hoặc phao nổi hoặc tấm gỗ có thể nổi để người bị nạn nắm lấy
Nếu có kỹ năng bơi lội, bạn có thể thực hiện sơ cấp cứu theo các bước:
- Mặc áo phao cứu sinh, buộc một sợi dây quanh eo trước khi bơi ra ngoài chỗ nạn nhân
- Đảm bảo có một người đứng ở trên bờ hoặc trên thuyền gần đó để giữ sợi dây
- Giữ khoảng cách với nạn nhân đang bị đuối nước
- Ném phao, dây thừng hoặc cây sào, mái chèo,… để tiếp cận nạn nhân
- Không chạm vào người nạn nhân tránh nạn nhân hoảng loạn và kéo bạn xuống, nhấn chìm bạn
- Sau khi nạn nhân tiếp cận được phao nổi hoặc các vật dụng khác, bạn bơi thẳng về phía bờ và kéo nạn nhân phía sau
Khi đưa người đuối nước vào bờ thành công, cần tiếp tục sơ cấp cứu bằng cách cởi quần áo ướt của nạn nhân, dùng chăn che người, theo dõi các triệu chứng hạ thân nhiệt và thực hiện hồi sức tim phổi. Nếu nạn nhân không thở được, cần thực hiện sơ cấp cứu hồi sức tim phổi cho nạn nhân.
6. Hồi sức tim phổi khi bị ngạt thở
Với người bị ngưng tim, bất tỉnh hoặc ngạt thở do điện giật, đuối nước,… cần nhanh chóng gọi 115 rồi thực hiện sơ cấp cứu để hồi sức tim phổi:
- Để nạn nhân ở nơi mát mẻ, thoáng khí
- Lau sạch máu, đờm ở miệng
- Cởi bỏ quần áo, thắt lưng, vòng cổ
- Quỳ gối đối diện người bị nạn, đặt tay lên vùng ngực nạn nhân và thực hiện nhấn lồng ngực. Khi áp dụng thao tác, cần lưu ý giữ thẳng tay, ấn lồng ngực liên tục xuống khoảng 3-4cm rồi nới lỏng tay ra.
- Với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn, cần ép tim 100 lần/phút
- Với trẻ em dưới 1 tuổi, dùng 2 ngón tay nhẹ nhàng ép tim hơn 100 lần/phút
- Tiếp theo, hô hấp nhân tạo cho nạn nhân: Nâng cằm nạn nhân ngửa ra sau, lấy 1 tay bịt nhẹ mũi nạn nhân, tay còn lại kéo hàm dưới xuống cho miệng nạn nhân mở ra
- Trẻ 8 tuổi trở lên và người lớn: Hít thật sâu rồi thổi hai hơi liên tục vào miệng nạn nhân, mỗi phút cần thổi hơi 20 lần
- Trẻ dưới 8 tuổi: Thổi một hơi, mỗi phút thực hiện thổi ngạt từ 20-30 lần.
Khi sơ cấp cứu, cần nhớ: Chỉ nên thổi vừa phải, khoảng 1 hơi/giây. Sau đó ngừng thổi, không kẹp mũi nạn nhân để hơi thoát ra. Thực hiện ép tim 5 lần thổi hơi 1 lần đến khi hấy nạn nhân tỉnh lại thì đưa đến bệnh viện.
Đặc biệt, nên lưu ý đặt một miếng gạc mỏng che miệng nạn nhân để tránh nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm khi hô hấp nhân tạo.
Không thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân bị thương ở ngực và gãy xương sườn.
7. Bị điện giật
Với người bị điện giật, bạn nên nhanh chóng thực hiện sơ cấp cứu qua các bước:
- Lập tức ngắt nguồn điện (tắt hộp cầu chì hoặc công tắc điện)
- Trong trường hợp không thể tắt nguồn điện, cần đứng trên đồ vật khô, không dẫn điện (bảng gỗ, báo, sách)
- Không dùng tay tách nạn nhân ra khỏi đồ vật dẫn điện mà nên sử dụng gậy gỗ, tay cầm chổi bằng gỗ, thanh thước nhựa,… hoặc bất cứ đồ vật nào không dẫn điện
- Kiểm tra nạn nhân tỉnh hay ngất xỉu. Nếu nạn nhân đã ngất xỉu, đưa tay lên kiểm tra mũi và tim xem nạn nhân còn sống hay không
- Nếu nạn nhân còn thở, liên hệ ngay với cấp cứu 115, thường xuyên kiểm tra nhịp tim, các vết thương, đặc biệt là vết thương ở đốt sống cổ.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, để nạn nhân nằm nghiêng nhằm loại bỏ đờm, thông đường thở
- Nếu nạn nhân ngừng thở, thực hiện sơ cấp cứu hồi sức tim phổi
- Ngoài ra, ở vị trí bỏng điện nếu quần áo dính vào da người bị nạn, tuyệt đối không tự ý gỡ quần áo ra
- Không dùng dầu mỡ, kem đánh răng hay đá để chườm vết bỏng. Không đắp vải, khăn mặt, khăn tắm có nhiều sợi nhỏ lên vết thương để tránh vết bỏng nghiêm trọng hơn
Sơ cấp cứu là một kỹ năng đặc biệt quan trọng, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội khi việc liên hệ với đội ngũ cấp cứu sẽ mất nhiều thời gian hơn. Vì thế, hãy chia sẻ bài viết này đến bạn bè để mọi người cùng nắm vững những thao tác sơ cấp cứu cơ bản nhất bạn nhé!