Con trai tôi mới sinh được mấy ngày. Tôi rất lo là sao bé cứ bị lạnh liên tục dù thời tiết khá oi bức. Vợ chồng tôi đã thử quấn bé trong chăn, giữ ấm rất kỹ nhưng con vẫn bị lạnh. Không biết việc này có nguy hiểm gì không? Tôi có cần đưa vợ con lên khám ở bệnh viện phụ sản lớn không? (Trung tâm y tế thì vẫn bảo là bé bình thường). Mong bác sĩ tư vấn giúp vì hai vợ chồng từ quê vào Sài Gòn làm ăn, không có bà nội, bà ngoại nào ở đây để phụ chăm sóc cả. Chúng tôi lại mới có con lần đầu nên không có kinh nghiệm…
Nguyễn Hoàng Trung
(Huyện Hóc Môn)
Chào anh Hoàng Trung,
Chúng tôi luôn cảm động mỗi khi nhận được một lá thư của độc giả nam, khi mới lần đầu làm bố quan tâm hỏi han cách chăm sóc vợ con như anh. Chúc mừng vợ chồng anh đã có cháu đầu lòng và mong anh sẽ luôn nỗ lực như thế này để có thể là bờ vai vững chãi, bảo bọc, chăm sóc vợ con.
Về chuyện anh hỏi, sở dĩ trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt là do chuyển từ tử cung người mẹ (37 độ C) ra môi trường ngoài (thường có nhiệt độ thấp hơn). Trẻ lại chưa có khả năng “run” khi lạnh như người lớn. Anh cần biết rằng “run” thực chất là một quá trình co cơ để sinh nhiệt, giúp sưởi ấm cơ thể. Trẻ cũng phải nằm yên một chỗ, không thể như người lớn thấy chỗ này lạnh thì di chuyển qua chỗ khác ấm hơn. Vì những lý do trên, các bé sơ sinh dễ bị lạnh. Nếu tình trạng nhiễm lạnh này kéo dài và ở mức độ nghiêm trọng thì có thể gây rối loạn chuyển hóa ở trẻ.
Anh không cho biết bé sinh thường hay sinh non nên tôi muốn chia sẻ với anh thêm một điều nữa để anh hiểu rõ hơn. Ở trẻ sơ sinh, khi bị lạnh, trẻ sinh nhiệt bằng cách đốt cháy một lớp mỡ nâu trong cơ thể. Lớp mỡ này chỉ có ở trẻ sơ sinh. Đây là lớp trẻ được hình thành trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là sau tuần 34). Nói như thế để anh hiểu rằng trong trường hợp trẻ bị sinh non (sinh trước tuần thứ 34) thì trẻ sẽ thiếu hụt lượng mỡ này vì mỡ chưa kịp hình thành. Với một lượng mỡ nâu chỉ bằng 1/15 so với trẻ sinh đủ tháng bình thường, trẻ sinh non sẽ dễ lạnh hơn, dễ hạ thân nhiệt hơn.
Trẻ được xác định là đang lạnh nếu sờ chân thấy lạnh hoặc cặp nhiệt độ thấy dưới 36,5 độ C. Để đề phòng, anh có thể thực hiện các việc như giữ phòng trẻ thoáng khí nhưng ấm áp. Cho trẻ mặc áo, quấn tã, đội nón, mang găng, mang tất. Cho trẻ đắp chăn mỏng. Tắm cho con cũng cần tắm bằng nước ấm, tắm nhanh và tắm từng phần (tức không cởi hết quần áo bé ra cùng một lúc mà tắm xong phần nào thì lau khô, quấn lại trong khăn xong mới tắm phần còn lại).
Anh cũng cần lưu ý nhắc chị nhà đừng quấn bé quá chặt trong chăn hoặc cho mặc quá nhiều lớp áp vì có thể gây ngạt thở cho bé. Cũng không được ủ ấm trẻ bằng chai nước nóng, khăn nóng hay hơ than vì dễ gây bỏng cho bé, lại khiến bé dễ ngạt do hít phải khí độc trong than.
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)