Năm 2-3 tuổi, con tôi chỉ nói rất ít và cũng ít thích chơi với ai, chỉ thích một mình. Thời điểm đó tôi rất sợ con bị tự kỷ, nhưng khi đưa cháu đi khám thì mọi kiểm tra cháu đều làm tốt cả. Bác sĩ bảo với tôi có thể do cá tính của cháu thôi, chứ cháu rất thông minh, không hề “bệnh” như tôi tưởng. Tôi và ba cháu sau đó có tích cực đưa cháu đi du lịch, đi chơi, cho cháu ra công viên để làm quen với bạn bè. Nhưng cháu vẫn rất ít nói (dù nói rất chuẩn, rõ ràng, chính xác) và cũng không thích chơi với các bạn khác. Ngay cả với tôi, cháu cũng chỉ thích tôi im lặng, chơi trong im lặng với cháu. Đến 5-6 tuổi, cháu học rất tốt, biết đọc rành rọt trước khi vào lớp 1, nhưng cháu càng ít chịu chơi với bạn bè hơn. Cháu chỉ thích đọc sách một mình.
Hiện tại cháu chuẩn bị lên lớp 2, nhưng Mẹ&Con không tin được đâu, tôi cảm thấy cháu “già dặn” như… một đứa trẻ lớp 6 vậy!!! Tôi rất buồn và lo lắng, nhưng cháu dường như càng lúc càng “ẩn” sâu hơn trong lớp vỏ nào đó của mình mà tôi không hiểu nổi. Cháu học rất tốt, tôi không cần cho cháu học thêm và cũng không ép gì cháu thì cháu cũng đứng nhất lớp rồi. Nhưng ngoài giờ học, thứ cháu thích duy nhất là đọc sách và chỉ chơi một mình.
Trần Thị H.M
(Quận 5)
Mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng bạn ạ. Có trẻ hướng ngoại, rất hiếu động nhưng cũng có trẻ hướng nội, thích trầm tĩnh một mình, ít nói như con bạn. Một số dấu hiệu miêu tả của bạn cho thấy cháu là một đứa trẻ có năng khiếu, và chỉ vì chưa được đặt vào môi trường thích hợp nên cháu có phần vẫn “lạc lõng” trong thế giới của riêng mình.
Bạn nên tìm cho cháu những sách hay. Nếu con thích một số truyện chữ với nội dung đặc sắc dành cho thiếu nhi như: Con Bim trắng tai đen, Những tấm lòng cao cả, Truyện cổ Andersen, một số truyện của Nguyễn Nhật Ánh dành cho lứa tuổi nhi đồng như Chú bé rắc rối… thay vì truyện tranh thì bạn cứ khuyến khích cho bé đọc.
Bạn nên cho con đọc vào những giờ nhất định và thay vì nói chuyện “tào lao”, bạn có thể nói chuyện về sách với con. Bắt được đúng nhịp, có thể con bạn sẽ nói nhiều hơn. (Tôi đã từng thấy những đứa trẻ không chịu nói chuyện linh tinh, nhưng khi vào được đúng đề tài bé muốn thì bé nói rất nhiều, rất sâu sắc).
Cũng có thể cho bé chơi thử với trẻ lớn hơn 1-2 tuổi, vì cũng đã có những trường hợp trẻ phát triển nhanh hơn bạn học, nên thấy những thứ mà các bạn chơi là quá “đơn điệu” với mình. Bạn cũng nên tìm cho con một vài lớp năng khiếu phù hợp với cá tính của bé như học đàn, học vẽ, học chơi cờ. Khi đến những lớp năng khiếu này và có bạn cùng sở thích, con bạn sẽ trở nên hoạt bát hơn, vui vẻ hơn mà thôi. Tùy cá tính của con mà mình dạy, đừng chỉ khăng khăng bắt bé “biến đổi” theo ý mình vì mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng và càng lớn, trẻ càng bộc lộ sự khác biệt đó một cách rõ ràng. Tôi đã từng thấy những đứa trẻ ngồi cả tiếng đồng hồ đánh cờ với nhau rất trật tự, rất im lặng, không nói gì nhưng cả hai đều cảm thấy thích thú và vui vẻ. Không phải chỉ khi chạy nhảy và nói nhiều thì trẻ mới cảm thấy vui đâu, bạn ạ!