Mẹ&Con – Khi con bị sởi, nhiều phụ huynh đã tự điều trị thay vì đưa đến cơ sở y tế. Các chuyên gia cho rằng, đây là sai lầm bởi việc tự điều trị sẽ khiến trẻ có nguy cơ biến chứng nặng.
Những ngày gần đây, bệnh sởi đang có nhiều diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng lên nhanh chóng, nhất là ở các tỉnh phía Nam. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận và điều trị cho 200 trường hợp bị sởi. Trong khi đó, cả năm 2018, BV chỉ có 150 bệnh nhân bị sởi phải điều trị.
Hiện tại, 2 cơ sở của BV đang điều trị, theo dõi hơn 30 trường hợp trẻ em mắc sởi diễn biến nặng. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 3 đến 5 trường hợp nặng, phần lớn là trẻ em. Theo đó, bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên,…
Cũng theo GS. Kính, sởi là bệnh hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà với những trường hợp mắc nhẹ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh nghe theo những lời truyền tai hoặc tự tìm trên mạng các thông tin rồi tự điều trị sởi cho trẻ khiến bé bị biến chứng nặng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não…
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh sởi tốt nhất
Theo đó, sai lầm phụ huynh thường mắc là cho trẻ bị sởi tắm nước lá mùi già hoặc hạt mùi để phòng chống sởi. Trong khi đó, chưa có tài liệu nào chứng minh nước lá mùi già có thể phòng chống sởi. Hơn nữa, một số phụ huynh khi thấy con bị sốt phát ban nhưng vẫn cho trẻ tắm nước lá mùi với mong muốn nhanh khỏi. Đây là sai lầm lớn, bởi khi trẻ nổi ban, phụ huynh tuyệt đối không được tắm cho bé vì dễ biến chứng.
“Ngoài ra, khi trẻ bị sởi, nhiều phụ huynh đã tự ý sử dụng kháng sinh hoặc thuốc Đông y để điều trị. Đây là sai lầm, bởi phụ huynh tuyệt đối không được sử dụng thuốc đông y trị sởi. Trưởng hợp cha mẹ dùng kháng sinh cho bé thì phải có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, hiện nay ở một số nơi có phong trào anti-vaccine, chính điều này khiến dịch sởi phát triển một cách khó lường. Hay sai lầm phổ biến nữa là nhiều người thấy trẻ bị sởi thì không tắm cho trẻ, làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc”, GS. Kính nói.
GS.Kính cũng cho biết, theo tiến trình phát triển bệnh, sau 1 – 2 ngày từ khi khở phát bệnh trẻ sẽ ho, chảy nước mũi có xuất hiện thêm ban mọc trên mặt. Sau đó khoảng 7 – 10 ngày, các triệu chứng sẽ hết, trẻ tự khỏi. Nếu trẻ có biểu hiện sốt tăng cao, khó thở, thân nhiệt không kiểm soát… thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để điều trị.
Theo GS. Kính, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch; riêng phụ nữ mang thai cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con.
Theo Phunuvietnam.vn