Sa dây rốn là gì?
Như những gì bạn đã biết, dây rốn là sự sống của thai nhi vì nó vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ nhau thai tới bào thai. Một đầu dây rốn gắn với nhau thai, nhau thai lại gắn vào thành tử cung. Đầu còn lại của dây rốn nối với bào thai bằng một lỗ nhỏ trên bụng, khi phát triển hoàn thiện, lỗ nhỏ đó chính là rốn.
Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu ôxy. Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc sa dây rốn, cần được cấp cứu kịp thời trong vòng 30 phút.
Để có một định nghĩa đơn giản về sa dây rốn, bạn có thể hình dung rằng: Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối), hoặc sa dây rốn sau khi vỡ ối. Lúc này, cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông. Việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không lấy thai ra ngay, thai nhi sẽ chết!
Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ
Tại sao lại bị như thế?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chẳng hạn như khi sinh nở nhiều lần, ngôi thai dễ có các yếu tố bất thường; khung chậu hẹp, méo; có khối u tiền đạo…
Một số tình trạng khác như ngôi thai bất thường (ngôi ngược, ngôi ngang), ngôi không tì vào cổ tử cung nên dây rốn có thể sa trước ngôi. Nếu thai phụ bị đa ối làm ối căng quá mức, có thể kéo dây rốn sa theo. Những trường hợp như dây rốn dài bất thường (trung bình dây rốn dài khoảng 56cm), nhau bám thấp… cũng đều là nguyên nhân dễ dẫn đến sa dây rốn.
Tỷ lệ sa dây rốn là 1/300, tức là cứ 300 trẻ chào đời có 1 ca mắc sa dây rốn.
Cách phát hiện sa dây rốn?
Có thể phát hiện sa dây rốn bằng các hiện tượng:
- Nhìn thấy dây nhau sa ra ngoài âm hộ.
- Thăm âm đạo thấy dây rốn nằm cuộn trong âm đạo.
- Thăm âm đạo thấy dây rốn ở cổ tử cung, bên cạnh ngôi qua màng ối chưa bị vỡ (sa dây rốn bên ngôi trong bọc ối), hoặc dây rốn ở trước ngôi trong bọc ối chưa bị vỡ (sa dây rốn trước ngôi trong bọc ối).
- Cổ tử cung thường chưa mở hết.
- Ngôi thai còn cao, có thể là ngôi bất thường.
Nên làm gì khi biết mình bị sa dây rốn?
Như đã nói từ đầu, sa dây rốn là một tình trạng nguy hiểm. Nếu sa dây rốn còn trong bọc ối, bạn cần nằm đầu thấp, mông cao, không rặn để bảo vệ ối khỏi bị vỡ. Các bác sĩ sẽ mổ cấp cứu, lấy thai ra càng nhanh càng tốt.
Trường hợp sa dây rốn khi đã vỡ ối, bác sĩ sẽ nhanh chóng xác định xem dây rốn còn đập không, nghe tim thai trên bụng mẹ. Nếu thai đã không còn cứu kịp (dây rốn hết đập, không nghe thấy tim thai) thì sẽ chỉ còn tìm cách đưa thai ra để bảo đảm sức khỏe cho mẹ. Nếu thai may mắn vẫn còn sống, sản phụ sẽ nằm chổng mông, nhẹ nhàng đẩy dây nhau lên và không nên rặn đẻ. Các bác sĩ sẽ nhanh chóng tiến hành mổ lấy thai.
Nếu sa dây rốn còn trong bọc ối, bạn cần nằm đầu thấp, mông cao, không rặn để bảo vệ ối khỏi bị vỡ.
Có ngăn ngừa được không?
Rất tiếc, câu trả lời là “không” bạn ạ! Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Tuy nhiên, nếu bạn xác định thấy mình có các nguy cơ cao (đã nêu trong phần “Tại sao lại bị như thế?” ở trên), sau tuần thứ 38 bạn nên thường xuyên đến bệnh viện khám. Nếu nhà ở xa nên thu xếp để nhập viện sớm, để các bác sĩ theo dõi suốt giai đoạn cuối thai kỳ. Đây được xem là cách “ngăn ngừa” tốt nhất và dễ thực hiện nhất dành cho bạn!
Trường hợp bị sa dây rốn, trong khi chờ mổ, bạn cần theo hướng dẫn của bác sĩ, nằm đầu thấp, mông cao để dây rốn đỡ bị ép chặt giữa ngôi và tiểu khung.
Làm gì khi phát hiện sa dây rốn?
– Khi cảm thấy dây rốn bị sa ở vùng kín, cần thông báo khẩn cấp với bác sĩ của bạn về tình trạng đó và lập tức gọi xe cấp cứu để đến bệnh viện phụ sản gần nhất.
– Ðể giảm rủi ro cho việc dây rốn bị chèn ép quá nhiều, nên duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà.
Hỏi nhanh bác sĩ
CÓ NÊN SINH TIẾP, KHI TRƯỚC ĐÓ BỊ SA DÂY RỐN?
Khi sinh bé đầu lòng, tôi bị sa dây rốn phải mổ cấp cứu. Con suýt chết, may mắn là nhờ có bác sĩ giỏi nên cứu được. Hiện giờ (sau 3 năm), vợ chồng tôi rất muốn sinh thêm bé nữa. Nhưng tôi đang lo, không biết liệu tình trạng sa dây rốn có dễ bị lặp lại với những người từng bị trước đó giống như tôi không?
Ba nguyên nhân thường gặp nhất của sa dây rốn là ngôi mông, thai thiếu tháng, khung chậu hẹp. Tất cả những yếu tố này làm ngôi thai nằm cao, không lọt vào khung chậu người mẹ nên có thể gây ra sa dây rốn.
Trường hợp của bạn, nếu lần đầu đã mổ lấy thai vì sa dây rốn thì lần mang thai này càng phải cẩn thận hơn. Bạn nên khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai, trao đổi với bác sĩ tình trạng trước kia. Nhớ khám thai thật thường xuyên, đúng lịch để bác sĩ có thể đánh giá được khung chậu và tình trạng thai, tránh để những nguy cơ lặp lại.
Theo sự tư vấn của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành (BV Ðại học Y Dược)