Không chỉ bạn, rất nhiều người gặp tình trạng rối loạn cảm xúc theo mùa. Biểu hiện của tình trạng này ra sao, nguyên nhân và cách phòng ngừa là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Định nghĩa về chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa (tiếng Anh là Seasonal Affective Disorder – SAD) là một loại trầm cảm liên quan đến sự thay đổi của các mùa trong năm. Tình trạng này bắt đầu và kết thúc vào những thời điểm định kỳ hàng năm. Thông thường, tình trạng này sẽ diễn ra vào mùa thu kéo dài sang mùa đông, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện cả vào mùa xuân và mùa hè, tuy có hiếm gặp hơn.
Đứng trước tình trạng này, nhiều người phủ nhận hoặc lơ là bỏ qua. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định tâm trạng và động lực cho cuộc sống của chính mình.
Triệu chứng
Theo kết quả thống kê, hầu hết các trường hợp bị rối loạn cảm xúc theo mùa xuất hiện vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông. Tình trạng này sẽ biến mất vào những ngày nắng nhiều như mùa xuân và mùa hè. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại khi các triệu chứng bắt đầu vào mùa xuân hoặc mùa hè và dần giảm nhẹ khi chuyển mùa.
Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa:
- Buồn bã, mệt mỏi, bơ phờ suốt cả ngày
- Giảm hứng thú với các hoạt động ưa thích
- Uể oải, thiếu năng lượng
- Ngủ li bì
- Thèm ăn, ăn nhiều và tăng cân
- Cảm thấy bản thân yếu kém, bất lực, chán sống
Nguyên nhân
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của tình trạng rối loạn cảm xúc theo mùa. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là có liên quan bao gồm:
- Rối loạn nhịp sinh học: Cường độ ánh sáng mặt trời được cho là có liên quan đến tình trạng này. Sự suy giảm ánh sáng mặt trời làm gián đoạn đồng hồ sinh học bên trong cơ thể dẫn đến cảm giác buồn chán.
- Thiếu hụt serotonin: Sự sụt giảm serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh trong não, gây ảnh hưởng đến tâm trạng. Yếu tố này có liên quan đến sự suy giảm ánh sáng mặt trời. Tình trạng thiếu ánh sáng làm giảm serotonin nên có thể gây ra trầm cảm.
- Mức độ melatonin: Sự thay đổi các mùa có thể phá vỡ sự cân bằng của nội tiết tố melatonin trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng.
Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn cảm xúc theo mùa
Tình trạng rối loạn cảm xúc theo mùa thường gặp ở người trẻ tuổi và nữ giới nhiều hơn nam giới. Đặc biệt, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này là:
- Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ gặp rắc rối này nhiều hơn, nếu có người cùng huyết thống mắc chứng bệnh này hoặc một dạng trầm cảm khác.
- Bị trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực: Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể trở nên phức tạp hơn, nếu bạn gặp tình trạng này.
- Yếu tố địa lý:Bệnh phổ biến hơn ở những người sống xa về phía bắc hoặc nam của đường xích đạo. Nguyên nhân được giải thích là do khu vực này thiếu ánh sáng mặt trời, nhất là vào mùa đông.
- Thiếu vitamin D:Vitamin D có thể giúp tăng cường hoạt động của serotonin. Nếu thiếu ánh sáng mặt trời và không nhận đủ vitamin D từ thực phẩm và các nguồn khác có thể gây thiếu vitamin D.
Các biến chứng
Tương tự như các loại trầm cảm khác, rối loạn cảm xúc theo mùa có thể trở nên phức tạp như sau, nếu không được điều trị:
- Xa lánh đời sống xã hội
- Gặp khó khăn trong học tập, làm việc
- Lạm dụng các chất gây nghiện
- Gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần
- Hình thành ý nghĩ hoặc hành vi tự sát
Điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa
Có rất nhiều biện pháp có thể điều trị tình trạng này như dùng thuốc, trị liệu bằng ánh sáng, trị liệu tâm lý…
-
Trị liệu ánh sáng
Rối loạn cảm xúc theo mùa là một loại trầm cảm thường xảy ra hàng năm vào mùa thu và mùa đông, khi thiếu ánh sáng mặt trời. Do đó, bác sĩ có thể giải quyết nguyên nhân gây bệnh bằng cách cung cấp một lượng ánh sáng bổ sung.
Loại ánh sáng này mô phỏng từ tự nhiên, gây ra sự thay đổi hóa học trong não giúp cải thiện tâm trạng của người bị rối loạn cảm xúc theo mùa.
-
Trị liệu tâm lý
Liệu pháp tâm lý có thể giúp giải quyết một số căng thẳng, xung đột trong cuộc sống bằng cách giúp người bệnh đối diện với thực tại, học cách quản lý cảm xúc, thả lỏng tâm trạng…
Trong một số trường hợp, liệu pháp tâm lý có thể có hiệu quả tương đương với thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Đôi khi, liệu pháp tâm lý đơn thuần không đạt hiệu quả như mong muốn, mà cần phải phối hợp với thuốc và các phương pháp điều trị khác.
Những câu hỏi thường gặp
Rối loạn cảm xúc theo mùa có liên quan đến rối loạn lưỡng cực?
Những người bị rối loạn lưỡng cực có nhiều nguy cơ mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa. Ở một số người bị rối loạn lưỡng cực, các đợt hưng cảm có thể liên quan đến một mùa cụ thể.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy chán nản, đó là bình thường. Nhưng nếu bạn cảm thấy buồn chán trong nhiều ngày, không thể có động lực để thực hiện các hoạt động yêu thích, đặc biệt là thay đổi thói quen ngủ, chán ăn, cảm thấy tuyệt vọng hoặc nghĩ đến việc tự tử… hãy đến gặp bác sĩ ngay.
Có thể phòng ngừa bệnh được không?
Hiện nay vẫn chưa có cách nào được chứng minh là hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của chứng rối loạn cảm xúc theo mùa. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm và điều trị sớm sẽ kiểm soát các triệu chứng hiệu quả, dễ dàng và tiết kiệm hơn.
Rối loạn cảm xúc theo mùa là một dạng trầm cảm có liên quan đến yếu tố thời gian. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì thế, bạn nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của bản thân và điều trị càng sớm càng tốt nhé!