Mẹ và Con - Một buổi sáng, bạn vào nhà vệ sinh, hồi hộp cầm chiếc que bé xíu trên tay. Chỉ 5 phút sau, bạn đã nghe tim mình thắt lại, nụ cười rạng rỡ nở trên môi và như không dám tin vào mắt. Hai vạch. Như một “sứ giả” báo tin vui, chiếc que thử chính là người đầu tiên mang đến cho bạn niềm hạnh phúc.

Bạn biết gì về “sứ giả”?

Đã là phụ nữ chắc chắn bạn không lạ gì vị “sứ giả” này. Que thử thai thuộc diện thiết bị y tế không cần kê đơn và cơ chế hoạt động của nó dựa trên sự hiện diện hay không của hocmon thai nghén trong nước tiểu. Nói rõ thêm một tí, hocmon thai nghén còn được gọi là chất nội tiết thai nghén (viết tắt là hCG).

Chất nội tiết thai nghén hCG bắt đầu hình thành sau khi trứng được thụ tinh trong thành dạ con vài ngày. Dưới tác động của hCG, nhau thai sẽ sản sinh hocmon progesterone (hocmon giới tính duy trì thai nhi) để giúp phôi mầm non nớt bám chặt vào thành dạ con cũng như hạn chế những tác động khác ảnh hưởng không tốt tới phôi mầm.

Khi có thai, kể từ lúc phôi đã làm tổ (ngày thứ 7 sau khi được thụ tinh), lượng hCG tăng lên rất nhanh, cứ 3 ngày lại tăng gấp đôi và đạt mức cao nhất vào tuần thai thứ 15 – 16 rồi giữ mức ổn định đến tuần 18. Chính vì vậy, để kết quả thử thai được chính xác nhất, bạn cần đợi vài ngày sau khi kỳ kinh bị trễ. Tuy nhiên, nếu quá sốt ruột thì chỉ cần khoảng 10 ngày sau thời điểm “giao ban” cũng có thể sử dụng que thử.

Que thử cũng có giá khá rẻ, chỉ khoảng 15 – 20 ngàn đồng/que, lại kín đáo, an toàn, dễ làm, tiện lợi để tiết kiệm thời gian chờ đợi khám, xét nghiệm. Không như trước đây phải chờ đến khi trễ kỳ hàng tháng, thấy xuất hiện những dấu hiệu nghén đầu tiên, đến “thầy lang” để bắt mạch hoặc đi xét nghiệm, siêu âm, chiếc que thử là cách cực kỳ đơn giản giúp bạn biết sớm nhất và cho kết quả khá chính xác mình có thai hay chưa. Tuy nhiên, trong trường hợp đang rất mong con mà vạch thứ hai lại không rõ, chỉ mờ mờ, phơn phớt hồng khiến mẹ cứ thắc thỏm không biết “sứ giả” có báo tin làm mừng hụt hay không.

Que thử thai - sứ giả báo tin vui

Ảnh minh họa

Đọc sao cho đúng?

Để có kết quả thử chính xác, bạn lưu ý chỉ sử dụng que sau tối thiểu 10 ngày tính từ thời điểm “giao ban”. Nếu sớm hơn, có thể que cho kết quả âm tính giả (tức là thấy 1 vạch nhưng sau đó vẫn có thai). Nên sử dụng que thử vào buổi sáng, lúc vừa mới ngủ dậy vì nồng độ nước tiểu vào thời điểm này sẽ đậm đặc hơn những thời điểm khác trong ngày, sẽ cho kết quả chính xác hơn. Nên lựa chọn que thử của các nhãn hàng uy tín, còn trong hạn sử dụng, bao bì còn nguyên, không có dấu hiệu bị rách, hỏng trước đó.

Sau khi lấy que ra khỏi bao bì thì phải sử dụng trong vòng 10 phút. Không được lấy que ra khỏi bao bì rồi để đó, cả tiếng đồng hồ sau mới mang đi thử thì kết quả không chính xác nữa. Mỗi que thử chỉ sử dụng 1 lần.

Thao tác theo đúng quy trình hướng dẫn ghi sẵn trên vỏ bao: lấy nước tiểu cho vào chén nhựa nhỏ (đi kèm sản phẩm), dựng đứng que theo đúng chiều hướng dẫn sao cho mực nước tiểu không ngập quá vạch quy định. Sau đó chờ khoảng 5 phút. Bạn sẽ thấy trên que xuất hiện 1 hoặc 2 vạch rất rõ.

Kết quả 1 vạch là âm tính, không có thai. Nếu thấy 2 vạch, xác suất cao là bạn đã có thai, đặc biệt trong trường hợp vạch thứ hai rõ không kém gì vạch thứ nhất. Nhớ là tay bạn phải khô trong khi cầm que trên tay và trong suốt quá trình thử đấy.

Tuy nhiên, có một số trường hợp nhất định, “sứ giả” của bạn sẽ báo tin nhầm. Chính xác hơn là có một vài “sự cố” xảy ra trong quá trình báo tin này, dù hiếm gặp. Ví dụ như que thử quá nhạy nên cho kết quả 2 vạch, song lại không phải là có thai. Hoặc gặp phải một vài điều kiện về độ ẩm, môi trường, que có thể cho kết quả không chính xác.

Nhiều người hay hỏi: Sao lúc thử, thấy chỉ một vạch, buồn quá để luôn que trong nhà vệ sinh, ra ngoài làm việc khác, nửa tiếng sau quay vào định thu dọn thì lại thấy que chuyển sang 2 vạch? Câu trả lời chính là vì những tác động bên ngoài như thế.

Vì vậy, để có kết quả chắc chắn nhất, bạn nên thử nghiệm lại vài lần, cách nhau vài ngày. Nếu kết quả đồng nhất hai vạch thì nên đến bệnh viện để xác định lại, nhằm biết chắc chắn tình trạng có thai. Lời khuyên cuối cùng là trong trường hợp chưa muốn có con, mới chích ngừa Rubella, v.v., bạn nên dùng các biện pháp bảo vệ an toàn như bao cao su, thuốc tránh thai, v.v..

Không nên để xảy ra tình trạng “vỡ kế hoạch” và phải nhìn “sứ giả báo tin” này với ánh mắt hốt hoảng, lo âu. Mỗi “sứ giả” chỉ nên là người báo cho bạn tin vui lớn nhất trong đời, chứ đừng là người mang đến cho bạn nỗi lo không đáng có.

Ban đầu 1 vạch, để yên que khoảng 30 phút thành 2 vạch

Đã có nhiều người gặp phải “tình huống” này. Có 2 cách lý giải. Thứ nhất, bạn có thể đang mang thai nhưng mức độ hormone hCG còn thấp. Thứ hai, vạch màu hồng phớt xuất hiện sau đó có thể do phản ứng một số hóa chất trong môi trường xung quanh (bạn không có thai). Để biết chính xác, bạn nên thực hiện lại việc thử que sau khoảng 3 ngày hoặc đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cho kết quả chắc chắn hơn.

Thử que 1 vạch nhưng “đèn đỏ” lại lặn mất tăm

Bạn chú ý là tâm lý quá mong có con (hoặc quá hồi hộp sợ có thai) có thể gây nên những biến chuyển giả trong cơ thể. Ví dụ như cảm giác mình ốm nghén, khó chịu trong người, chu kỳ hàng tháng trễ hơn. Trong trường hợp này, nếu không tin vào kết quả âm tính (1 vạch) của que thử thai, bạn cũng có thể đến khám bác sĩ, thử máu để biết chính xác mình có thai hay không.

> 5 bữa ăn dinh dưỡng cho bà bầu

> 9 nguyên nhân sảy thai không phải mẹ bầu nào cũng biết

Tags:

Bài viết liên quan