Quán nhỏ, nằm trong hẻm nhỏ. Nhưng hầu như lúc nào, chủ lẫn mấy người bưng bê cũng phải nháo nhào lên hết chạy bàn, tính tiền đến dắt xe cho khách. Cái tên quán nghe cũng tình tứ lắm: Quán Uyên Ương. Song, nếu như biết là quán bán… ốc thì hẳn những tâm hồn mơ mộng kia sẽ phì cười. “Bán ốc mà lấy chi cái tên gợi đủ thứ hết trơn vậy cha nội?”. Chủ quán, xấp xỉ tuổi bốn mươi nhe răng ra cười hề hề, vừa đếm đếm xấp tiền cầm trên tay, vừa phân bua: “Con vợ em nó mê phim. Coi cái phim gì Hồng Lâu Mộng, thấy thương cô a hoàn tên Uyên Ương quá, nó bắt em lấy tên này đặt cho quán. Thôi kệ, Uyên Ương hay cái chi cũng được, miễn sao bán đắt. Đổi tên lỡ nó trật… phong thủy, ế xuống thì gay go, anh thông cảm!”.
Khách nghe tới đó lắc đầu, phì cười, cắm cúi vào dĩa ốc chứ không hỏi nhiều hơn. Nghĩ cũng lạ, một thằng cha lông bông, hồi xưa trầy trật làm thuê làm mướn, đẹp trai cũng chả đẹp trai, cù bơ cù bấc, được mỗi cái tính thiệt thà, hiền lành như cục gạch. Thế mà ở tuổi mấp mé bốn mươi, tự dưng khi khổng khi không cưới được cô vợ tuổi mới hăm lăm. Chồng phốp pháp thì vợ mảnh mai, nhỏ nhắn. Chồng ăn to nói lớn, hời hợt như nông dân thì vợ nhỏ nhẹ hiền lành, nghe đâu cũng học hết lớp mười hai, có bằng nấu ăn ở nhà hàng, khách sạn.
Vợ không đẹp xuất sắc cỡ người mẫu, nhưng coi được, mặt sáng ngời ngời, má lúm đồng tiền nhoẻn cái là khách khứa hồn vía vấn vương. Vợ lại có tay chế biến thức ăn. Những món nghêu sò ốc hến tưởng chừng quán nào cũng giống quán nào, qua tay vợ là đậm đà, ngọt ngào hơn hẳn. Như món ốc len xào dừa, chẳng biết vợ “bỏ bùa” chi ở trỏng mà thứ nước dừa bao giờ cũng được khách húp đến khi kỳ sạch trong dĩa mới thôi. Quán đông cũng nhờ đó. Mấy nhà xung quanh hẻm “ăn ké”, nội mở ra giữ xe cũng đã bộn bộn, nên chẳng mấy khi bày chuyện rầy rà, thậm chí còn sẵn lòng nhào vô phụ một tay khi thấy có vẻ như khách đông quá, đám chạy bàn lo không xuể.
Bán ban ngày chưa đủ, vợ chồng kéo giãn thời gian ra, bán luôn tới tận khuya khuya. Có ai hỏi, anh chồng lại cười hề hề, phân bua: “Dạ, vợ chồng ráng cày, kiếm chút đỉnh để dành có đứa con cho nó đỡ cực, chị ơi! Em chịu cực thì đâu có sao. Có thương là thương con vợ em, thấy nó làm mà bắt xót!”.
Giờ khuya thì chỉ có đám ăn “đêm”, đám gái phục vụ ở vũ trường, hay mấy tay ca sĩ “cò con” tan sô ra mới ghé vào ăn, vừa ăn vừa tám chuyện. Thỉnh thoảng, cũng có đứa ăn thiếu. Nhưng thiếu thì thiếu vậy chứ chưa bao giờ có ai quỵt hay trốn nợ. Phần vì quán ốc ngon, ai cũng muốn còn dịp quay lại để ăn. Phần thì thấy thương thương hai vợ chồng chất phác hiền lành, lại được cái lúc nào cũng rộng tay với người cùng cảnh. Thấy đàn em làm khuya ra đói, những dĩa ốc, những nồi nghêu bao giờ cũng có vẻ đầy đặn hơn chút đỉnh.
“Chị Hai, chị kể em nghe sao cha kia chả dụ được chị cưới chả hay dzậy?”. Lúc vui vui, đã lưng lửng bụng, thằng Long “pê” chuyên nhảy cò ở các vũ trường vừa mút chùn chụt mấy con ốc len xào dừa, vừa liến thoắng.
Chủ quán cười ha hả, phủi phủi bàn tay vô quần cho sạch bụi rồi vuốt nhẹ lên tóc vợ. “Tự kiếp trước tui có tu chút đỉnh, nên kiếp này mới gặp được mình, ha mình…!”.
Thằng Long “pê” trề môi, cái giọng lanh lảnh chanh chua: “Tình quá chịu hông nổi người ơi. Nghe mà tui nổi hết gai ốc luôn nè!”.
Nó nói vậy chứ mủm mỉm cười, trong đáy mắt lóe lên một tia trìu mến. Ở cái đất bề bộn này, mà còn thấy một mối tình như cổ tích, chuyện một anh chàng cục mịch cưới được cô vợ vừa đẹp nết vừa đẹp người, quấn quýt thương yêu tự nhiên cũng làm mềm lòng nó.
**
Bẵng đi mấy tháng, một bữa, khách ghé quán bỗng giật mình thấy tấm bảng viết tay nguệch ngọac nét chữ như học trò trên tờ giấy dán bên ngoài: “Quán nghỉ 3 tuần. Bán lại ngày mùng 7 tháng sau. Mong quý khách thông cảm!”.
Thằng Long “pê” chạy xe về khuya, ghé qua, đứng đọc xong tờ giấy thì than trời: “Chưa thấy ai sướng như vợ chồng này. Hết chuyện, mở quán bán mà nghỉ cái làm luôn một lèo 3 tuần lễ à. Nghỉ thì nghỉ hai ba bữa thôi chớ!”.
Nó lèm bèm vậy thôi, nhưng mà ngày nào khuya, chạy xe về ngang tự dưng cũng tạt vô hẻm đứng ngó nghiêng. Thấy nhà đóng cửa im ỉm, được vài ba bữa, nó cũng thấy lo lo. Tới chừng sốt ruột chịu không nổi, bữa kế đó, nó không tạt qua lúc đi về ban khuya nữa, mà tạt qua lúc xế trưa. Bà hàng xóm mọi ngày vẫn trông xe giúp cho quán bữa nay rảnh rang, ngồi co chân trên ghế bỏm bẻm nhai bánh snack.
Thằng Long tấp xe vô cái rẹt.
“Má Tư, anh Hai con bữa giờ làm gì đâu mà đóng cửa quán nghỉ lâu dữ thần vậy má?”.
Bà hàng xóm được dịp có người hỏi, vỗ tay vô đùi đánh đét, kéo cái ghế xúp biểu nó ngồi, vồn vã. “Con vợ nó mổ. Tội lắm bây ơi… Hồi ban đầu tao cũng có biết gì đâu, sau thấy thằng chồng nó khóc, sưng húp mắt hết trơn, hỏi mới biết vợ nó bị cái khối u, may mà phát hiện chưa quá trễ. Bác sĩ biểu cũng tốn bộn tiền. Thấy thằng chồng tội lắm nghen bây. Bác sĩ nói trùng nhóm máu, vậy là nó cho máu. Bữa giờ một mình nó chạy đôn chạy đáo lo trong trỏng hết à…”.
Thằng Long nghe tới đó thì mặt nghệch ra. Im re chừng đâu mười lăm phút, nó mới dám khẽ khàng hỏi, khác hẳn cái kiểu ồn ào chanh chua mồm năm miệng mười mọi khi: “Rồi chị Hai bữa nay chỉ đỡ chưa má Tư?”.
“Tao nghe cũng nặng à. Tội nghiệp hai vợ chồng. Nói thiệt bây chứ nhìn hai đứa nó quấn quýt thấy mà thương. Thằng chồng ăn to nói lớn vậy chứ cưng vợ hết biết luôn. Hồi trước bữa nào thấy nó lấy hàng về, cũng để phía trước bịch chè, cái bánh. Tao hỏi thì nó toàn cười hề hề biểu vợ con nó thích món này lắm má. Mấy nay không có hai đứa nó, tao nhớ chi đâu…”.
Thằng Long đẩy ghế đứng lên. Nó lục túi trước túi sau, vo cục lại một nắm tiền toàn bạc lẻ: “Con còn có nhiêu hà. Má Tư thấy ảnh ghé về nhà thì đưa thêm cho ảnh giùm con nghen. Nói con phụ thêm chút đỉnh mua cho chị Hai hộp sữa…”.
Nói đoạn, nó quầy quả đội cái mũ bảo hiểm vô, đeo cái kiếng mát, dắt xe đi thẳng một hơi. Ra tới tận đầu hẻm rồi, không hiểu sao, nó mới đứng lại một mình, tháo mắt kiếng quệt tay ngang qua mắt, ngăn những giọt nóng hổi vừa ứa ra. Nó ngó tấm bảng chỉ đường vô quán nằm chơ vơ ngoài đầu ngõ, thì thào: “Chị Hai ráng ráng mau khỏe nghen chị Hai. Mau mau về mở lại quán ốc, rồi còn đẻ em bé cho em nựng, cho nó kêu em bằng cậu nữa chớ. Quán tên Uyên Ương mà. Uyên Ương mà lẻ bạn là buồn lắm đó, Hai ơi…”