Mẹ&Con - Bác sĩ thông báo cho bạn biết con trai bạn bị quai bị. Ý nghĩ hốt hoảng đầu tiên lập tức hiện lên trong đầu bạn sẽ là: Chết rồi, vậy sau này lớn lên con sẽ ra sao, có thể lấy vợ - có con không? Trong ám ảnh của rất nhiều người, quai bị là một trong những nguyên nhân gây nên hiếm muộn ở nam giới. Nhưng kỳ thực, bệnh có đáng sợ đến mức ấy không? Bạn hiểu thế nào về quai bị? Cảnh giác viêm cơ tim tối cấp ở trẻ Trẻ sơ sinh cũng có thể bị viêm phổi? Hiểu về bệnh thận ở trẻ em

Tại Việt nam, vắc-xin ngừa quai bị chưa được đưa vào trong chương trình tiêm chủng bắt buộc nên bệnh còn lưu hành khá cao, thường gây nên những đợt dịch nhỏ ví dụ như trong nhà trẻ, trường học, nhất là các trường nội trú, bán trú.

Khi nào thì bạn nên “nghi ngờ” con mắc bệnh?

Đó là khi bé xuất hiện các biểu hiện biếng ăn, khó chịu, hay cảm thấy lạnh trong khi người lại sốt nhẹ. Bé nhức đầu, nói với bạn là bị đau trong lỗ tai. Các dấu hiệu này thường “nhẹ nhàng” nên mẹ dễ bỏ qua, cho rằng con chỉ bị nhức đầu, cảm nhẹ thông thường.

quai-bi-o-tre-em-co-dang-so

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Tuy nhiên, nếu sau khi xuất hiện các biểu hiện trên, qua ngày hôm sau bé trở nên khó nhai nuốt, đau và sưng vùng trước tai, vùng sau tai và góc hàm thì bạn nên đặc biệt nghĩ ngay đến quai bị. Ban đầu bé bị sưng một bên, sau đó nhanh chóng lan sang bên kia. Đặc điểm của sưng tuyến nước bọt là sưng 2 bên thường không cân xứng (một bên sưng to, bên đối diện có thể sưng nhỏ hơn). Một số trường hợp do tuyến nước bọt sưng quá to làm cho cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng cả bộ mặt.

Chỗ sưng không tấy đỏ, da bóng, ấn không lõm, không hóa mủ (đây là một đặc điểm quan trọng trong chẩn đoán bệnh quai bị). Nếu bạn bảo con há to miệng nhìn vào trong, có thể thấy họng đỏ tấy. Với những biểu hiện này, bạn nên lập tức cách ly trẻ (tránh cho trẻ đi học, tiếp xúc với trẻ khác), đồng thời đưa con đến bệnh viện để khám ngay.

Kiến thức “bỏ túi” dành cho bạn

+ Quai bị dân gian còn gọi là bệnh má chàm bàm là một bệnh toàn thân biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai.

+ Virus quai bị được lây truyền chủ yếu do các chất tiết của đường hô hấp từ người sang người.

+ Khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm bệnh không gây nên các triệu chứng sưng tuyến nước bọt rõ ràng trên lâm sàng. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não rõ với các triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ…

+ Viêm tinh hoàn là một biến chứng khá thường gặp sau tuổi dậy thì nhưng biến chứng vô sinh thì không thường gặp như nhiều người vẫn lo ngại.

+ Các biến chứng khác hiếm gặp hơn gồm viêm khớp, viêm tuyến giáp, viêm khớp xương hàm, viêm cầu thận, viêm cơ tim, xơ hóa nội tâm mạc, giảm tiểu cầu, thất điều tiểu não, viêm tủy cắt ngang, viêm đa dây thần kinh lan lên, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng, và giảm thính lực.

+ Quai bị có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong thời kì niên thiếu. Tử vong do quai bị rất thấp, ước tính khoảng 1,6 đến 3,8 trên 10.000 trường hợp nhiễm bệnh.

+ Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 5 đến 14 tuổi. Cũng giống như vắc-xin ngừa bệnh sởi, một liều vắc-xin duy nhất không phải luôn luôn đảm bảo được tình trạng miễn dịch cho trẻ nên vẫn có một tỷ lệ nhỏ trẻ đã tiêm vắc-xin vẫn mắc bệnh.

+ Thời kỳ lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi có sưng tuyến mang tai và 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng này.

+ Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 16 đến 18 ngày nhưng cũng có khi thay đổi từ 12 đến 25 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây.

Biến chứng của quai bị có nguy hiểm?

Đến đây thì câu trả lời là… Có!

Một số biến chứng quai bị thường gặp sẽ là:

– Viêm tinh hoàn (hay gặp sau tuổi dậy thì). Sau khi lên quai bị 5-10 ngày, trẻ đột nhiên sốt cao trở lại, người bệnh trằn trọc, mê sảng. Một bên tinh hoàn tấy đỏ, sưng to và đau. Có khi sưng cả hai bên. Bệnh khỏi sau 10 ngày nhưng phải 2 tháng sau mới biết rõ có teo tinh hoàn hay không. Ở trẻ gái có thể bị viêm dẫn đến teo buồng trứng.

– Viêm màng não, viêm não và tủy: Sau lên quai bị 4-7 ngày, trẻ xuất hiện hội chứng não-màng não cấp (sốt cao, nhức đầu, nôn, co giật, ngủ li bì hoặc hôn mê…).

– Viêm tụy tạng: Vào ngày thứ 7, trẻ bị đau bụng và nôn, cần nghĩ tới biến chứng này.

quai-bi-o-tre-em-co-dang-so

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Điều trị quai bị bằng cách nào?

Thật ra, đến thời điểm này vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Khi trẻ chẳng may mắc bệnh quai bị thì điều trị chủ yếu là điều trị nâng đỡ: tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não…

Trẻ bệnh cần được cho nghỉ học ít nhất đến 9 ngày sau khi có sưng tuyến mang tai.

Bạn có thể chăm sóc con theo một vài hướng dẫn sau đây:

– Cho trẻ nằm nghỉ tuyệt đối khi còn sốt để tránh các biến chứng. Ăn uống đủ chất. Thức ăn mềm.

– Vệ sinh mũi họng: Súc miệng bằng nước muối pha loãng thường xuyên. Nếu sưng đau ở tinh hoàn nên chườm lạnh tại chỗ.

– Dùng thuốc giảm đau hạ nhiệt theo hướng dẫn, đúng liều. Không cần dùng kháng sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

– Không tự ý bôi, xức các thứ thuốc bột, cao, đắp lá, vôi, trầu… theo phương pháp dân gian để tránh trường hợp nhiễm độc.

– Không được cho trẻ nô đùa, chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn. Cần đưa trẻ trở lại bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời khi có các biểu hiện biến chứng.

Bạn có thể ngăn ngừa quai bị cho con?

Đúng thế! Rất may mắn, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp và có thể gây ra biến chứng, tuy vậy, vẫn phòng ngừa được bằng vắc-xin. Vắc-xin có thể dùng đơn độc (chỉ ngừa quai bị) hoặc kết hợp các vắc-xin khác như vắc-xin ngừa bệnh sởi, quai bị và sởi Đức. Sau mũi tiêm thứ nhất, kháng thể xuất hiện ở 95% cá thể nhạy cảm.

Chính vì vậy, lời khuyên đơn giản cho bạn là nên cho trẻ từ 12 đến 14 tháng tiêm ngừa mũi vắc-xin ngừa bệnh sởi, quai bị và sởi Đức nói trên. Liều thứ hai nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.

Chủng ngừa quai bị rất quan trọng ở trẻ – đặc biệt với bé trai đến tuổi dậy thì. Vì quai bị xảy ra ở trẻ dậy thì và người lớn thường có khuynh hướng nặng nề hơn ở trẻ nhỏ.

quai-bi-o-tre-em-co-dang-so

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Nhận biết biến chứng viêm tinh hoàn

Biến chứng hay gặp nhất ở quai bị là gây viêm tinh hoàn cho nam giới và viêm buồng trứng cho nữ giới ở lứa tuổi đang dậy thì và cả lứa tuổi trưởng thành.

Thông thường thì sau khi viêm tuyến nước bọt từ 5 đến 10 ngày thì xuất hiện viêm tinh hoàn. Lúc này sẽ thấy xuất hiện sốt trở lại, đôi khi thân nhiệt cũng tăng cao hơn lúc sốt ban đầu của viêm tuyến nước bọt. Tinh hoàn sưng to, đau.

Khi sờ vào tinh hoàn thấy mật độ chắc và nhìn thấy da bìu bị phù nề rõ rệt, căng, bóng, đỏ. Ngoài ra có thể kèm theo viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh, thậm chí xuất hiện tràn dịch mào tinh hoàn trong trường hợp nặng. Viêm tinh hoàn kéo dài từ 3-5 ngày thì hết sốt.

Tinh hoàn cũng giảm dần độ sưng nề và giảm đau cho đến 3-4 tuần lễ sau đó mới hết hẳn sưng, đau. Có bị teo tinh hoàn hay không phải theo dõi vài tháng mới biết được.

Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ không phải trẻ nào bị viêm tinh hoàn thì cũng có nghĩa là sẽ bị teo tinh hoàn, dẫn dến vô sinh về sau. Tỷ lệ teo tinh hoàn do virus quai bị rất thấp. Nếu teo tinh hoàn một bên thì mọi chức năng của tinh hoàn vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi teo cả 2 bên thì sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh dục và sinh sản.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, hằng năm, các tỉnh, thành trong cả nước đều có rất nhiều các ca mắc bệnh quai bị. Bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân và mùa hè. Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh quai bị, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Do đó, trong những ngày hè, bạn nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang nghi ngờ mắc bệnh, đeo khẩu trang cho trẻ khi ở những chỗ đông người… Nên chủng ngừa cho trẻ trong trường hợp trẻ chưa được chủng ngừa. 

Vệ sinh cá nhân cho trẻ trong ngày hè để phòng bệnh

+ Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.

+ Không để trẻ sử dụng chung các dụng cụ ăn uống (muỗng, nĩa, ly, chén, dĩa…) với người khác.

+ Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế, rửa sạch các đồ chơi của trẻ.

+ Rửa tay nhiều lần bằng xà phòng trong ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

+ Che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó phải rửa tay ngay bằng xà phòng.

+ Thực hiện tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh chủ động.

Tags:

Bài viết liên quan