Mẹ&Con - Thế là đã hết mùa hè, và bé sắp quay trở lại với trường lớp. Đây cũng là lúc bạn phải tính tới chuyện đưa đón bé đi học thế nào. Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ, vì mỗi năm, lượng trẻ gặp tai nạn trên đường đến trường không hề ít.

Bé đi học bằng phương tiện gì?

Phương tiện an toàn đưa bé đến trường

(Ảnh minh họa)

Đoạn đường từ nhà đến trường có thể gần, có thể xa. Tuy nhiên, dù gần hay xa, bạn cũng cần cân nhắc và suy tính kỹ, đừng hời hợt “cho qua” một cách dễ dàng. Chuyện liên quan đến an toàn đầu tiên cho bé chính là tai nạn giao thông trên đường đi. Nếu bạn từng chạy xe ngoài đường, chắc chắn không ít lần bạn lắc đầu kêu trời khi thấy hình ảnh người bố hoặc người mẹ chở con rất lỏng lẻo. Trẻ không đội mũ bảo hiểm đã đành, lại gật gà buồn ngủ (vì phải dậy quá sớm). Trẻ ngoẹo đầu trên tay người chở. Người chở (bố hoặc mẹ) chỉ còn chạy một tay, tay kia choàng qua ôm bé.

Bạn có hình dung với cách chở con đi học như thế, chỉ cần một va quẹt nhỏ thôi, thì chuyện gì xảy ra cho chính bé yêu của bạn không? Hãy ghi nhớ và chắc chắn rằng bạn sẽ không bao giờ để cảnh tượng như thế xảy ra với con mình. Nếu bạn đưa đón con đi học, cần đảm bảo con ngủ đủ giấc trước đó để không ngủ gục trên đường đi. Bé bắt buộc phải có đai an toàn, có mũ bảo hiểm. Khi bạn chạy xe một mình, bạn cần cẩn thận một, thì khi chở bé, sự cẩn thận cần tăng cường lên đến 2-3. Tuyệt đối phải chấp hành luật an toàn giao thông, đừng vì trễ giờ học của con hay muộn giờ làm mà phạm các lỗi như phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ…

Lưu ý thêm trường hợp khác, là bạn không trực tiếp đưa đón con đi học mà “khoán” việc này cho một… bác xe ôm. Nếu như thế, càng cần lưu ý người chịu trách nhiệm đưa đón bé này, xem đó có phải là người đáng tin cậy, chạy xe an toàn, luôn chấp hành và tuân thủ luật giao thông hay không.

Một số bậc phụ huynh, do nhà gần nên cho con từ độ tuổi cấp 1 tự đi bộ đi học hoặc đi học bằng xe đạp. Nếu con bạn cũng đang trong trường hợp ấy, bạn nên cân nhắc. Thật ra, không nên để trẻ tự mình đến trường ở độ tuổi cấp 1 mà hoàn toàn không có người giám hộ. Vì nếu mọi thứ “yên bình” thì không sao, còn một khi xảy ra những tai nạn, rắc rối trên đường, trẻ sẽ chưa đủ sức để xoay xở, giải quyết một mình được.

Trường hợp bạn vẫn muốn để con đi học một mình, nên hướng dẫn trẻ thật kỹ về an toàn giao thông. Ví dụ như trẻ phải chờ tín hiệu đèn nào mới băng qua đường, băng qua đường ở vạch nào, trẻ nên chạy xe chậm và thận trọng ra sao. Nhiều lúc, do tuổi còn nhỏ, lại nghịch ngợm nên trẻ rất vô tư, có thể dàn hang hai, hai ba trên đường, điều khiển xe đạp bằng một tay, cười đùa, trêu chọc lẫn nhau mà không để ý rằng tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Một số trẻ lại không được trang bị xe vừa tầm. Vóc dáng trẻ nhỏ xíu trong khi xe lại cao, do đó khi điều khiển xe, trẻ rất chệnh choạng và chỉ cần một va quẹt nhỏ cũng có thể gây nên nguy hiểm. Ngay cả việc đi bộ là việc có vẻ như “an toàn” nhất thì nhiều trẻ vẫn vô tư chơi đùa, xô đẩy nhau, băng qua đường đột ngột khi chưa có tín hiệu đèn dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng.

Một số ít trường có xe hỗ trợ đưa đón trẻ. Bạn có thể đăng ký để bé được đưa đón bằng phương tiện này. Tuy nhiên, cũng đừng quá chủ quan vì đã từng có tai nạn xảy ra khi trường sử dụng xe kém chất lượng như dạng xe lam để đưa đón và thùng xe bị bung ra, từng gây tai nạn cho nhiều cháu nhỏ. Cần kiểm tra trực tiếp chất lượng xe, độ an toàn, bằng cấp của người điều khiển xe. Ngoài ra, nên lưu ý thêm vì có khi xe dừng ở trạm chứ không ở ngay trước nhà. Khi đó, trẻ cần được hướng dẫn để đi bộ từ trạm về nhà một cách an toàn.

an toàn bé đến trường

(Ảnh minh họa)

Chú ý thêm những yếu tố “nhỏ mà không nhỏ”

Bên cạnh tai nạn giao thông là điều cần quan tâm hàng đầu trong việc đưa đón bé đi học – về  nhà, bạn cũng cần lưu ý đến những vấn đề khác, hiếm gặp hơn nhưng vẫn có thể gây ra nguy hiểm bất ngờ cho trẻ. Chẳng hạn như đoạn đường đó có đủ đông đúc để trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ hay không. Không nên cho trẻ tự đi học với những con đường vắng, dễ xảy ra những nguy hiểm bất ngờ như bị trấn lột, bị kẻ xấu bắt cóc, gây hại. Chuyện gì xảy ra nếu con đi lạc…

Lưu ý đặc biệt, bạn không bao giờ nên để con ăn mặc một cách “sang trọng” bất thường, cho trẻ mang các loại nữ trang bằng vàng dù nhỏ nhất. Khi trẻ đi học, cần hướng dẫn con đi đến nơi về đến chốn, không la cà, không tự ý đi sang đường lạ. Cần giúp bé có cả những kỹ năng đối phó với các tình huống bất thường, ví dụ như con đi trên đường về mà mưa lớn, có sấm chớp thì con phải làm sao, có người lạ chặn đường hay gây gổ, bắt nạt thì con cần cầu cứu ai, tuyệt đối không được lên xe bất kỳ người nào không phải là người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ, cậu dì ruột…

Bạn cần nhắc đi nhắc lại với trẻ điều này, thỉnh thoảng “kiểm tra” bất chợt để đảm bảo trẻ vẫn luôn ghi nhớ và thực hiện tốt những hướng dẫn. Cũng cần chia sẻ với bạn rằng, đường xá ở Việt Nam chưa thật sự đúng nghĩa an toàn, do đó bạn chỉ nên để trẻ tự đến trường nếu tối thiểu trẻ đã lên lớp 4. Nhớ nhắc nhở con để ý đến cả các chướng ngại vật trên đường, cảnh giác với hố ga hở, các đoạn đường ngập nước, nơi đông đúc… Những lúc có thời tiết bất thường, bạn cần dặn con ở lại trường chứ không tự mình đi về, nhờ cô gọi điện để bố mẹ đến đón.

> 3 dạng rối loạn hành vi ở trẻ em

Tags:

Bài viết liên quan