Hầu như bố mẹ nào cũng mong con mình tự ngủ và ngủ xuyên đêm để không phải vất vả, mệt mỏi và căng thẳng khi không được ngủ đủ giấc. Theo các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh, có rất nhiều phương pháp rèn con ngủ xuyên đêm. Nếu bố mẹ nào cảm thấy không thể “miễn dịch”, dễ yếu lòng khi con khóc to và khóc dai thì có thể thử phương pháp rèn cho bé tự ngủ Fading đấy. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về cách rèn ngủ Fading này nhé!
Làm tư tưởng cho bố mẹ trước khi luyện ngủ cho con nhé!
Nhiều người nghĩ rằng các cách luyện cho con tự ngủ thay vì ru con như ngày xưa thực chất chỉ là cách làm của những bố mẹ ích kỷ. Thực tế bây giờ ai cũng bận rộn, sau này bé lớn lên cũng phải học cách tự bản thân mình sinh tồn, từng chút một tách khỏi bố mẹ do đó việc luyện ngủ này là bài học về sự thích nghi với môi trường mà bé cần phải được học. Cách rèn luyện này giúp bố mẹ thoải mái hơn bởi bé có thói quen ngủ và chỗ ngủ cố định nên có thể ngủ trong yên bình, không quấy đêm khiến bố mẹ mệt mỏi. Đối với một đứa trẻ không được luyện ngủ, có thể con sẽ thức dậy nhiều lần và khóc cho tới khi ngủ trở lại. Đây không phải là điều tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi học cách ngủ, trẻ cũng tự biết cách xoa dịu bản thân nên việc ngủ vào ban đêm không còn gì là đáng sợ nữa.
Thêm vào đó, nhiều bố mẹ nghĩ rằng con không cần học cách tự ngủ mà vẫn có thể ngủ ngon giấc xuyên đêm, những phuong pháp rèn cho bé tự ngủ chỉ là chuyện dư thừa. Đúng là có chuyện này thật nhưng bạn cũng không thể trông mong điều đó quá hoàn hảo ở một em bé còn quá nhỏ. Đôi khi, trẻ 5 tuổi vẫn cần sự vỗ về, vẫn muốn bố mẹ giúp mình đi vào giấc ngủ để không cảm thấy đáng sợ về đêm nữa.
Ngoài ra, không phải luyện ngủ cho bé tức là mẹ không thể ngủ chung phòng với con. Đối với giấc ngủ của trẻ sơ sinh, đôi khi sẽ có lúc bé giật mình dậy, khóc to sợ hãi do đó bố mẹ có thể ngủ cùng để con cảm thấy an toàn, yên tâm hơn. Nếu bé còn đang ti mẹ thì ngủ cùng bé giúp việc cho bú dễ dàng hơn.
Hơn thế nữa, luyện ngủ cho bé không có nghĩa là bố mẹ phải dừng mọi hoạt động như ôm ấp, hát ru. Bạn hoàn toàn vẫn có thể kết hợp thực hiện toàn bộ điều này vào lịch trình giấc ngủ của trẻ sơ sinh mỗi tối. Điều duy nhất bạn không cần nhất là không làm tất cả những việc này khi bé đang trong trạng thái đổi từ thức sang có dấu hiệu buồn ngủ.
Phương pháp rèn cho bé tự ngủ Bedtime Fading
Bedtime Fading là gì?
Đây là một phương pháp tạo nên giấc ngủ nhẹ nhàng vì hầu như trẻ sẽ không khóc hoặc khóc ngắn bởi bố mẹ sẽ giúp con đi vào giấc ngủ và từ từ rời khỏi sau khi con đã say giấc. Ở phương pháp này, vai trò của người mẹ trong khi ru con ngủ sẽ được giảm dần theo thời gian và sau đó trẻ học được cách tự ru bản thân mình vào giấc ngủ.
Trẻ bao nhiêu tuổi có thể áp dụng phương pháp luyện ngủ Fading?
Phương pháp Fading có thể áp dụng cho các bé từ 5 tháng tuổi trở lên và kéo dài cho đến khi trẻ học mẫu giáo. Nhưng nếu bạn muốn tạo dựng thói quen này cho con ngày từ lúc mới lọt lòng thì thời điểm thích hợp là khi con được vài tuần tuổi.
Ưu và nhược điểm của phương pháp luyện ngủ Fading
Ưu điểm của phương pháp rèn cho bé tự ngủ này là trẻ hầu như không hoặc khóc rất ít nên công việc ru ngủ của bố mẹ cũng giảm được gánh nặng. Hơn nữa, khi được học cách ngủ với phương pháp Fading này, trẻ ít tỉnh giấc giữa đêm, nếu có thì chỉ cần một chút vỗ về trong ít phút như một phần thói quen đi ngủ.
Mặt khác, nhược điểm của phương pháp này là bố mẹ hơi cực một chút trong những ngày đầu và cực kỳ kiên nhẫn. Bởi vì nếu bạn không muốn nghe con khóc thì bạn chỉ có thể rút lui từng chút một trong quá trình dỗ bé ngủ.
Cách thực hiện phương pháp Fading
Có hai phương thức để rèn trẻ ngủ khi áp dụng phương pháp luyện giấc ngủ của trẻ sơ sinh Fading này. Bạn có thể tùy thuộc vào thời gian của bản thân để lựa chọn sao cho thích hợp nhất.
Phương thức “Camping out”
Với phương pháp rèn cho bé tự ngủ này, bố mẹ sẽ ngồi cạnh cũi hoặc nôi của trẻ cho đến khi bé có vẻ đã ngủ. Nếu bé đột nhiên tỉnh giấc và quấy khóc thì bạn có thể vỗ nhè nhẹ hoặc hát ru vài câu để con bình tĩnh và an tâm hơn. Sau vài đêm, bạn có thể ngồi xa hơn nhưng vẫn đặt vị trí nằm của con trong tầm nhìn, ví dụ như góc phòng, gần cửa sổ, phía ngoài cửa… Cho tới khoảng 2 tuần hoặc hơn tùy vào từng bé thì bố mẹ có thể yên tâm ra khỏi phòng sau khi đã chúc con ngủ ngon nhé!
Phương thức “Time check-in”
Bố mẹ sẽ đặt con vào cũi và nói chúc ngủ ngon, sau đó rời khỏi phòng trong khoảng 5 phút và quay lại an ủi nếu như trẻ khóc. Bạn có thể lựa chọn cách an ủi, vỗ về hoặc nhẹ nhàng nói với con rằng đã đến giờ đi ngủ để báo hiệu cho con và tiếp tục rời khỏi phòng. 5 phút sau lại tiếp tục quay trở lại để dỗ nếu trẻ vẫn quấy khóc. Quy trình này lặp đi lặp lại cho tới khi bé đi vào giấc ngủ thì thôi.
Bí quyết giúp cha mẹ áp dụng phương pháp rèn cho bé tự ngủ Fading dễ dàng
Thông thường khi đã gần tới giờ đi ngủ, trẻ không muốn dứt ra khỏi những món đồ chơi hoặc việc chơi đùa với bạn bè. Trẻ nhỏ rất ham vui do đó bố mẹ cần thiết lập một lịch trình ngủ cố định. Cho trẻ đi ngủ đúng giờ và một giờ cố định mỗi ngày để hình thành nhịp sinh học cho giấc ngủ. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường bị quấy rối bởi các cữ ăn nên bố mẹ cần cho bé ăn đủ bữa, ăn no và đặt lịch bú sữa để con không tỉnh giấc và quấy khóc giữa đêm.
Duy trì các việc làm trước khi đi ngủ, chẳng hạn như bố mẹ sẽ tắm nước ấm cho con, sau đó cùng nhau đọc sách hoặc hát ru và cuối cùng là tắt đèn, chúc nhau ngủ ngon. Việc làm này nếu lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ giúp bé nhận biết được dấu hiệu của việc ngủ.
Khi áp dụng phương pháp rèn cho bé tự ngủ Fading, giấc ngủ của trẻ sơ sinh sẽ bị quấy nhiễu bởi việc bú sữa nên bố mẹ có thể cho con ăn và bé tự đi vào giấc ngủ. Song trẻ lớn hơn và không cần ăn cữ đêm nữa vẫn có thể thức một vài lần trong đêm. Những lúc như vậy đừng vội vàng vào dỗ con ngay, thay vào đó hãy chờ một chút xem con có thực sự cần bạn hay không.
Chấp nhận việc con khóc cũng là yếu tố giúp việc rèn ngủ theo phương pháp này trở nên thành công. Tất nhiên phương pháp này hướng tới việc bé khóc ít hoặc không khóc. Nhưng để chuyển đổi một thói quen từ khóc nhiều, khóc dai sang khóc ít thì cũng cần một khoảng thời gian để thích nghi. Bé vẫn sẽ khóc nhưng tần suất và mức độ có sự giảm dần đến không còn nữa. Do đó, ban đầu bố mẹ vẫn cần vững lòng một xíu để chấp nhận việc này.
Đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi, bố mẹ có thể cho con cầm hoặc ôm 1 món đồ chơi hoặc thú bông yêu thích để đi ngủ. Như vậy bé cũng an tâm hơn và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Trên thực tế sẽ không có phương pháp rèn cho bé tự ngủ nào là không có tiếng khóc của trẻ nhỏ một cách tuyệt đối cả. Điều quan trọng là bố mẹ phải lựa chọn được phương pháp phù hợp với cả con và nếu sống của gia đình. Ngoài ra, dù áp dụng theo cách nào thì bố mẹ cũng cần cứng rắn và kiên định để đạt được hiệu quả như mong muốn. Mẹ và Con chúc bố mẹ thành công và yêu ngủ thật ngoan nhé!