Mẹ và Con - Có rất nhiều bố mẹ chọn cách cấm đoán con như một phương pháp dạy con, hy vọng con sẽ không làm những điều bố mẹ không cho phép. Tuy nhiên, liệu đây có thật sự là một phương pháp hiệu quả?

Việc cấm đoán hay đặt ra một giới hạn nhất định giúp trẻ cảm thấy an toàn và bình tĩnh hơn trong một số tình huống. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức việc hạn chế này lên trẻ có thể gây tác dụng ngược lại, tức là bé không cảm thấy an toàn cũng như kìm hãm sự phát triển của trẻ. Vậy đâu là điều mà bố mẹ không nên ngăn cấm con làm? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu phương pháp dạy con tốt cho cả bố mẹ và con cái này nhé!

phương pháp dạy con

Vì sao không nên ngăn cấm hay kìm hãm trẻ quá nhiều?

Có một sự thật là bố mẹ càng cố cấm trẻ thì trẻ lại càng muốn làm. Trẻ càng lớn càng có ý thức và mong muốn được tự do, nên khi nhận thức được điều bố mẹ cấm đoán là không đúng, vô căn căn cứ thì bé hoàn toàn có thể chống lại hoặc làm một cách giấu giếm việc đó.

Những ham muốn làm trái lại những điều bị cấm trở nên rõ ràng khi bé đi học mẫu giáo, tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn. Ví dụ đơn giản như bé rất thích ăn những đồ ăn vặt như bim bim và đến bất kỳ nơi nào có bán thì bé đều vòi vĩnh. Tất nhiên người lớn ai cũng biết món đồ ăn này nếu ăn nhiều không hề tốt cho sức khỏe và việc hạn chế, cấm đoán đều xuất phát từ ý tốt cho con. Tuy nhiên, nếu con quan sát được những bạn bè khác đều ăn hay đám trẻ trong xóm cũng ăn thì bé sẽ nghĩ lời nói của bố mẹ là nói dối, bức bối vì bị hạn chế. Kết cục thì bé sẽ đòi ăn những món ăn vặt như vậy nhiều hơn.

Về lâu dài, nếu bố mẹ cứ ngăn cản con vì nghĩ rằng tốt cho bé thì chỉ càng khiến mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ trở nên có khoảng cách. Đặc biệt, khi tới tuổi trưởng thành, tự do là nhu cầu thiết yếu của mỗi đứa trẻ thì việc cấm ngăn chỉ khiến con trở nên nổi loạn, thích làm những điều ngược lại với bố mẹ.

dạy con

Việc cấm đoán không hoàn toàn xấu nhưng nên đặt đúng chỗ

Cấm đoán là cách bố mẹ ngăn cản trẻ không làm việc gì đó mà bản thân cảm thấy không phù hợp hay đơn thuần chỉ có hại cho con cái. Phương pháp dạy con này chung quy cũng chỉ là cách nhìn nhận chủ quan của bố mẹ về một vấn đề, hoàn toàn không mang ý nghĩa giáo dục nào.

Đương nhiên nếu đặt đúng chỗ thì sự cấm đoán hoàn toàn là đúng đắn. Ví dụ trong những tình huống bất khả kháng và mang lại nguy hại tính mạng trực tiếp cho trẻ thì bố mẹ phải ngăn cản. Chẳng hạn như trẻ không được tự ý qua đường một mình, trẻ phải chờ bố mẹ đến đón khi tan học và không được phép đi theo người lạ…

Tốt nhất sự cấm đoán này chỉ nên dừng lại ở mức tạm thời. Khi nhận thức của bé dần thay đổi thì bố mẹ nên dạy con sự thật và trẻ sẽ dần hình thành những quan điểm cá nhân về sự việc này.

8 điều không nên cấm trẻ làm

Đối với phương pháp dạy con đúng đắn và khôn ngoan, thay vì cấm đoán quá nhiều thì hãy để trẻ biết sự thật cũng như hậu quả của việc gì đó làm cứ cố chấp làm. Dưới đây là 8 điều bố mẹ không nên cấm trẻ làm để con không trở nên bướng bỉnh và đối nghịch với phụ huynh.

Bắt trẻ ngừng khóc

“Im chưa!”, “Có nín đi không hay là muốn ăn đòn”, “Con mà còn khóc nữa thì bố mẹ sẽ bỏ con đó”… Đây đều là những câu dọa nạt, mệnh lệnh phổ biến của các ông bố bà mẹ mỗi khi con khóc lóc. Cần nhớ trẻ nhạy cảm hơn người lớn rất nhiều nên cũng rất dễ tổn thương hay xấu hổ bởi những lời la mắng, dọa nạt. Những lúc như vậy, bố mẹ nên tìm hiểu xem tại sao bé lại khóc và giải quyết vấn đề đó. Ngược lại, nếu bố mẹ cảm thấy bản thân không đủ kiên nhẫn cũng như tâm trạng lúc đó khá mệt mỏi, dễ nóng giận thì nên để con tiếp tục khóc cho tới khi trẻ cảm thấy tốt hơn thay vì dọa dẫm, mắng chửi nhé! Tốt nhất vẫn là tìm thời điểm thích hợp để nói chuyện với con, chẳng hạn lúc bé đã khóc đủ và bình tĩnh trở lại.

Cấm con sợ

“Có gì đâu phải sợ”, “Có mỗi vậy mà cũng sợ” hay “Sao con nhát thế”….đều là những câu nói dù vô tình hay cố ý đều có sức sát thương rất lớn khi thấy con sợ hãi một điều gì đó như sợ ma, sợ gián, sợ chó… Phương pháp dạy con này không giúp bé trở nên mạnh mẽ hơn mà chỉ khiến con hình thành tâm lý không dám đối diện với nỗi sợ khi lớn lên. Hơn nữa, trong một vài tình huống, nỗi sợ chính là “lý do” hoàn hảo để bảo vệ con khỏi những nguy hiểm. Vậy nên đừng ngăn cấm trẻ sợ hãi điều gì đó nhé!

sợ ma

Thường xuyên nói “Không” một cách vô lý

Nhiều gia đình coi con cái là vật sở hữu riêng nên kiểm soát con làm những điều mình muốn, luôn nói “không’ với những gì bản thân cảm thấy không cần thiết, không muốn làm dù đó là việc bé thích…mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Nhiều bố mẹ đưa ra lời biện hộ cho việc cấm đoán này rằng trẻ còn quá nhỏ không biết gì nên bố mẹ phải là người đưa ra quyết định. Điều này là đúng những phương pháp thực hiện lại sai. Thay vì nói “không” với mọi vấn đề bố mẹ nên hỏi ý kiến bé, đưa ra quan điểm của bản thân để con tham khảo. Phương pháp dạy con này giúp con biết suy nghĩ độc lập, đưa ra quan điểm cũng như khả năng tự quyết định một số vấn đề của mình.

Không được mắc sai lầm

Trong 12 năm đi học thì không phải đứa trẻ nào cũng có thể duy trì thành tích ở mức tốt, đôi khi cũng có một số giai đoạn chểnh mảng khiến điểm số cũng bị dao động ít nhiều. Những lúc như vậy, đừng vội vàng buông lời trách móc mà hãy nhẹ nhàng động viên hoặc tìm nguyên nhân vướng mắc khiến bé không thể tập trung cho việc học tập. Bố mẹ cũng cần biết ngay cả người lớn cũng mắc sai lầm, quan trọng là có vấp ngã, có phạm sai thì cũng phải biết tự đứng lên và tiếp tục đi.

Không được ích kỷ

Chia sẻ luôn là phương pháp dạy con trẻ một đức tính tốt mà bố mẹ muốn ở bé. Nhưng trong một vài trường hợp, ích kỷ không phải là xấu. Trẻ cũng có quyền được giữ những thứ cho riêng mình. Vậy nên, đừng cảm thấy tức giận khi con không chịu chia sẻ đồ chơi, sách truyện hay đồ ăn với bạn bè. Hãy cho bé những điều con có thể chia sẻ cho mọi người và những điều nào con có thể cất riêng cho mình.

nuôi dạy con

Không được nóng nảy

Những lúc nóng nảy, hờn dỗi, mất bình tĩnh trẻ thường rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời nên bố mẹ thường cấm con tức giận, cấm con bày tỏ cảm xúc của mình. Trẻ nhỏ dễ nóng nảy hơn người người lớn bởi vì khả năng kiểm soát cảm xúc con chưa được tôi luyện.

Hơn nữa, khi trẻ phát tiết ra những bức xúc của bản thân thì bố mẹ mới biết được để sửa cho con những thói xấu đang gặp phải. Do đó, đừng bắt con không được nóng giận hay đánh giá một đứa trẻ là ngoan hay hư khi nó nóng nảy. Điều quan trọng là chính bố mẹ phải bình tĩnh, ngồi xuống và tìm hiểu những rắc rối mà bé có thể đang gặp phải và giải quyết.

Đừng hỏi liên tục nữa

Trẻ nhỏ luôn tò mò với thế giới xung quanh mình và luôn có sẵn hàng vạn thắc mắc để chờ bố mẹ giải đáp. Thậm chí có những câu hỏi mà ngay cả bản thân người lớn cũng không có lời giải đáp. Đừng cảm thấy phiền vì điều này bởi vì hỏi nhiều cũng được xem là quá trình không thể thiếu trong giai đoạn phát triển của mỗi đứa trẻ

Tuy nhiên, cũng sẽ có lúc bố mẹ cảm thấy mệt mỏi, tâm trạng không tốt và đúng lúc ấy trẻ lại hỏi khá nhiều, dễ khiến bố mẹ mất kiên nhẫn. Lúc này, dù cho đã tham khảo qua bao nhiêu phương pháp dạy con đi nữa, bố mẹ cũng rất dễ nổi giận, dễ buông lời tổn thương con, yêu cầu con đừng hỏi nữa.

Điều này gây ra tâm lý sợ sệt đối với trẻ, những lần sau khi có bất kỳ việc gì con cũng sẽ rụt rè hơn khi trao đổi với bố mẹ. Do đó, nếu đang cảm thấy mệt mỏi, bố mẹ đừng ngại nói bản thân cần được nghỉ ngơi và hứa khi nào cảm thấy khỏe hơn sẽ trả lời hoặc nhắc con tìm người khác hỏi thay vì cấm con hỏi quá nhiều.

phương pháp dạy con đúng cách

Cấm trẻ làm ồn

Trẻ con nô đùa vui chơi thường gây ra tiếng ồn, đặc biệt hầu như trẻ chưa biết tiết chế âm lượng của giọng nói cho nên nhiều người lớn cảm thấy rất nhức đầu và phiền phức vì tiếng ồn quá lớn. Cần phải nhìn nhận một vấn đề rằng, trẻ em ngày nay chịu quá nhiều áp lực và bố mẹ thì không có nhiều thời gian để ở bên con. Do đó, hãy để trẻ sống tự do một chút cũng tốt, đừng vội lấy đi niềm vui của trẻ chỉ vì cảm thấy phiền phức với những bài hát hay tràng cười đáng yêu của con.

Cấm đoán không phải là phương pháp dạy con an toàn và đúng trong mọi trường hợp. Hãy nhớ rằng, cấm trẻ không khó nhưng hiểu được con mới là điều khó và quan trọng. Tất cả chúng ta đều từng là một đứa trẻ, từng bị cấm đoán và tổn thương rất nhiều bởi những ngăn cản đó. Vậy nên đừng kìm hãm con quá cực đoan mà hãy đặt mình vào và suy nghĩ như trẻ để có thể hiểu con nhiều hơn, bố mẹ nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.