Hậu quả của viêm não Nhật Bản
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. (Ảnh minh họa)
Theo kết quả thống kê, bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản thường tử vong trong giai đoạn 7 ngày sau khi hôn mê sâu do tổn thương hành não gây rối loạn hô hấp và tim mạch. Sau giai đoạn này, bệnh nhân tử vong do biến chứng viêm phổi và sức khỏe suy kiệt.
Tuy nhiên, điều thật sự khiến viêm não Nhật Bản trở thành nỗi ám ảnh của con người chính là những di chứng nặng nề mà chúng để lại trên bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nhỏ tuổi. Những di chứng của bệnh sau điều trị thường khá nặng nề và đeo bám đến suốt đời. Đó có thể là di chứng rối loạn tâm thần, động kinh, Parkinson, trí lực giảm, đần độn, cấm khẩu… Nhẹ hơn, người bệnh có thể bị liệt 1 chân hoặc một tay, điếc, lác mắt…
Việc điều trị các di chứng để phục hồi vận động và tâm thần được thực hiện cũng rất khó khăn và kết quả lại rất hạn chế do hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân đã bị vi rút tấn công, gây xuất huyết vi thể ở não, hủy hoại tế bào thần kinh, làm thoái hóa tổ chức não, viêm tắc mạch dẫn đến hội chứng não cấp.
Xử lý khi trẻ nhiễm bệnh
Nếu chẳng may trẻ nhiễm bệnh và bạn chưa phát hiện được con có mắc viêm não Nhật Bản hay không do còn đang ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể cho trẻ uống các thuốc hạ sốt thông thường bằng cách dùng Paracetamon theo liều khuyến nghị từ 10-15mg/kg theo cân nặng của trẻ. Mỗi ngày uống tối đa 4 lần, với khoảng 4-6 tiếng/lần và kết hợp chườm nước ấm để hạ sốt.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và nguyên tắc tiên quyết là bệnh phải được chữa trị tại bệnh viện bởi những người có chuyên môn. Vì thế, trong suốt thời gian trẻ bệnh, bạn cần phải theo dõi trẻ sát sao. Khi thấy trẻ sốt trên 12 tiếng kèm theo những biểu hiện như nôn vọt, cứng gáy, rối loạn ý thức, vật vã, li bì… hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ quan y tế gần nhất.
Việc đưa trẻ đến sớm có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả của việc điều trị. Nhờ đó có thể giảm thiểu các di chứng về thần kinh và vận động cho trẻ.
Các biện pháp phòng bệnh
– Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi trú ẩn như dọn hồ chứa nước, không để nước đọng quanh nhà, nuôi cá để diệt lăng quăng…
– Cho trẻ ngủ màn cả vào ban ngày. Vào chập tối thoa thuốc muỗi, không cho trẻ chơi gần bụi rậm để tránh bị muỗi đốt, bởi lúc này hai loại muỗi truyền bệnh sẽ hoạt động mạnh.
– Khi trẻ sốt cao và có những triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương như đã đề cập ở trên, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ quan y tế để được kiểm tra và điều trị.
– Với viêm não Nhật Bản, biện pháp an toàn và hiệu quả nhất chính là tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia theo đúng lịch trình và đủ 3 mũi tiêm.
Lịch tiêm chủng viêm não Nhật Bản
Mũi 1: Khi trẻ được 1 tuổi
Mũi 2: Cách mũi 1 từ 7-14 ngày.
Mũi 3: Cách mũi 2 trong thời gian 1 năm.
Sau đó, cứ 3-4 năm bạn nên tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.