Mẹ&Con - Phía sau phong trào "Nhà có đứa con... Xin đừng hỏi" là rất nhiều điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm về văn hóa chúc Tết ngày nay.

Mỗi mùa Tết lại rộ lên hàng loạt các phong trào lớn bé khác nhau. Và trong những dịp Tết nguyên đán gần đây, cứ dạo một vòng các trang mạng xã hội sẽ thấy hàng loạt ảnh chế, trạng thái Facebook cùng một khuôn “Nhà có đứa con …. Xin đừng hỏi, nó quạo nó sẽ … “. Những câu nói được thích thú, chia sẻ khắp nơi và trở thành một xu hướng nổi bật mùa Tết. Nhưng liệu trò đùa này có thật sự vui và đáng khuyến khích đến thế?

Những tấm biển báo “công thức”

“Nhà có đứa con chưa có bồ. Khách đến xin đừng hỏi, nó cộc nó đập chết.”

“Nhà có đứa con chưa tốt nghiệp, xin đừng hỏi, nó buồn nó tủi thân.”

“Nhà có đứa con không có lương thứ 13, khách đến nhà hãy lì xì chứ đừng hỏi. Hỏi nó tức, nó xiên luôn cả khách.”

Còn nhiều nhiều nữa những biến thể từ một công thức chính “Nhà có đứa con …. Xin đừng hỏi, nó quạo nó sẽ … ” như nhà có đứa con học sinh trung bình, nhà có đứa con hơi mập, nhà có đứa con chưa lấy vợ kèm theo những lời đe dọa như nó đánh, nó xiên chết,…. Các câu nói này đã xuất hiện từ những năm trước. Và năm nay, khi những ngày Tết đang cận kề thì những câu nói công thức này lại một lần nữa được mọi người chia sẻ như một phong trào vui tai để nhắc khéo những vị khách khi đến nhà vào mùa Tết đừng hỏi những vấn đề nhạy cảm khiến người khác không vui, thậm chí là bực dọc.

Phong trào Tết "Nhà có đứa con...", tưởng vui nhưng hóa ra thật tai hại... 5

Một phong trào mang nhiều bàn cãi

Nhìn một cách đơn giản, đây chính là nỗi lòng của những người khó chịu vì bị hỏi quá nhiều trong ngày Tết. Có người nói rằng, đây chỉ là một trò đùa vui mà thôi. Nếu không có những vị khách thường xuyên hỏi 1.001 câu hỏi kém duyên về đời sống riêng tư của người khác.

T, 1 bạn sinh viên chia sẻ: “Em cũng thường share (chia sẻ) những bài viết này lên Facebook của mình. Tết đến là em lại khó chịu tại họ hàng, bạn bè của ba mẹ cứ hỏi khi nào tốt nghiệp, có bạn gái chưa, khi nào thì cưới.”

Phong trào Tết "Nhà có đứa con...", tưởng vui nhưng hóa ra thật tai hại... 6

Thậm chí, có người còn khen vì bố mẹ quá thấu tình đạt lý, hiểu được nỗi khổ không nói nên lời của con cái khi nhận được những câu hỏi kém duyên ngày Tết nên mới phải dán “tối hậu thư” trước cửa để khách đến chúc Tết còn biết đường mà cư xử với nhau.

Nhưng, một số người lại cảm thấy khó chịu với phong trào này. “Chúng tôi quan tâm con cháu trong nhà thì chúng tôi mới hỏi, trả lời người lớn không được hay sao mà phải nói những câu nặng lời như thế?”.

Vậy rốt cuộc, đây là một trend thú vị, vô hại hay vô cùng… có vấn đề?

Ranh giới giữa giỡn vui và sai trái vốn dĩ rất mong manh

Mổ xẻ “công thức” cảnh cáo đang được hàng ngàn người chia sẻ trong dịp Tết, bỗng cảm thấy giật mình bởi sự bạo lực trong chính trào lưu ấy. Nó cộc, nó đánh cho hay nó xiên chết liệu có phải chỉ là một câu đùa vui?

Từ bao giờ chúng ta lại ủng hộ, cổ xúy cho những hành động bạo lực, làm tổn thương người khác như thế? Vì sao chúng ta dù lên tiếng chỉ trích các cuộc ẩu đả mà báo đài đưa tin hằng ngày nhưng lại cổ vũ, khen tặng không ngớt lời về những biển báo có vẻ như tâm lý thế này?

Từ bao giờ chúng ta không thể giải quyết mọi thứ mâu thuẫn trong êm đẹp, giải quyết bằng việc ngồi lại cùng nhau để trò chuyện mà phải lấy nắm đấm, lấy những lời cảnh cáo nguy hiểm ra như một tấm khiên để bảo vệ chính mình?

Và đã bao giờ bạn nghĩ rằng, những phong trào tưởng chừng như đùa vui này có thể gieo mầm bạo lực trong chính những đứa trẻ đang lớn, chưa có nhận thức đúng đắn về cuộc sống hiện tại? Khi chúng còn chưa đủ trưởng thành để phân định đúng sai thì chính những trò đùa chúng ta tiêm vào đầu chúng sẽ khiến chúng hiểu rằng mọi thứ không thể giải quyết bằng lời nói thì cứ dùng bạo lực là được!

Ngoài ra, phong trào này còn đặt ra một vấn đề mà chúng ta, không biết vô tình hay cố ý đã ngó lơ – cách dạy dỗ con cái! Nhà có đứa con như thế nhưng “gia chủ không cản được”, bố mẹ không dạy được, chẳng phải là rất đáng để lo ngại hay sao? Khi người lớn không thể khống chế, kiểm soát những hành vi bạo lực của con cái, xã hội này sẽ đi về đâu?

Nhưng ai mới là người đáng trách?

Phong trào Tết "Nhà có đứa con...", tưởng vui nhưng hóa ra thật tai hại... 7

Nói đi thì cũng phải nói lại, khi phong trào này xuất hiện cũng là lúc chúng ta nên tự ngẫm lại về văn hóa chúc Tết của người Việt ta. Ngày Tết là lúc ai ai cũng đều mong muốn những điều vui vẻ, tốt đẹp với mình và mọi người. Chẳng ai muốn nghe những câu hỏi tế nhị như thế bởi chưa chắc năm cũ đã hạnh phúc và ai cũng sẵn sàng để nhắc đến những chuyện không vui của năm cũ. Mà cho dù một năm qua mọi thứ vẫn ổn định chăng nữa, nếu người khác đã không muốn chia sẻ về cuộc sống cá nhân của họ, tốt nhất chúng ta cũng nên “biết điều” tránh hỏi đến.

Người Việt chúng ta thường có thói quen quan tâm một cách quá mức đến cuộc sống của người khác. Chúng ta vẫn thường tự tìm một cái cớ, cho rằng đó là sự quan tâm mình dành cho người khác, rằng mình đang đối xử tốt với họ, yêu thương họ nên mới quan tâm. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi, liệu sự quan tâm của bạn có khiến đối phương cảm thấy thoải mái hay hạnh phúc? Nếu điều đó khiến họ khó chịu, chẳng phải sự quan tâm của chúng ta hóa dư thừa?

Nhìn chung, chẳng hay ho gì khi đăng tải những biển báo phong trào mang đầy tính bạo lực để cổ xúy mọi người giải quyết vấn đề theo hướng tiêu cực như thế. Nhưng có phải, liệu chúng ta có cần thay đổi văn hóa chúc Tết của mình?

Bài viết liên quan