Mẹ&Con - Theo thống kê của một nghiên cứu mới đây, bốn khu vực nguy hiểm nhất đối với trẻ em trong nhà là nhà bếp, phòng tắm, phòng khách và cầu thang.

Vậy mà rất nhiều bậc cha mẹ chưa hề ý thức được hết việc này. Có người chỉ xem cầu thang như các bậc tam cấp. Người khác lại chỉ quan tâm đến việc làm sao để số bậc thang tương thích với vòng lặp “sinh – lão – bệnh – tử” (tức tổng số bậc thang sau khi trừ đi 1 phải chia hết cho 4 để luôn mang đến may mắn cho chủ nhà). Trong khi đó, lại quên đi chuyện quan trọng nhất là nhà mình có trẻ con, đòi hỏi cầu thang phải đáp ứng các chuẩn an toàn nghiêm ngặt!

Phong tranh tai nan cau thang cho tre

(Hình minh họa)

THẾ NÀO LÀ CẦU THANG AN TOÀN?

Tại các bệnh viện Nhi trong TP.HCM, hầu như ngày nào bệnh viện cũng phải tiếp nhận tối thiểu vài ca trẻ bị tai nạn từ cầu thang. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ, người trông trẻ bất cẩn, để bé tự leo trèo lên xuống cầu thang và té ngã.

Bạn có thể tự kiểm tra độ an toàn của những chiếc cầu thang trong nhà mình đã đáp ứng hết tất cả các yêu cầu dưới đây chưa?

Cầu thang được xây dựng bằng vật liệu chắc chắn, không gây ngã, đổ.

Bắt buộc phải có lan can, tay vịn. Với gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi, độ rộng của các thanh lan can đảm bảo không vượt qua 10cm (tức khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 10cm) để tránh trẻ có thể lọt qua.

Trường hợp có điều kiện, có thể dùng kính cường lực làm lan can cầu thang. Những lan can cầu thang bằng kính cường lực thoạt nhìn có vẻ mong manh, nhưng thực tế nó an toàn và vững chắc tương đương, thậm chí cao hơn so với lan can bằng sắt hay gỗ. Đây cũng sẽ là những màng ngăn trong suốt ngăn các vật rơi từ trên cao xuống, giúp an toàn hơn cho người đi lại và sử dụng không gian ở bên dưới.

Lan can, tay vịn cầu thang phải đảm bảo chiều cao tối thiểu là 1,1m.

Mỗi bậc thang trong nhà phải đảm bảo chiều cao tối đa không quá 19cm và chiều rộng tối thiểu phải đạt 25cm.

Chiều cao thông thủy của cầu thang được tính từ mặt mỗi bậc thang đến trần hoặc bất cứ vật che nào trên cầu thang phải đạt tối thiểu là 2m. (Tức đảm bảo cho mọi thành viên trong gia đình, trong đó có bé không bị đụng đầu vào bất cứ vật gì phía trên khi leo lên cầu thang).

Với nhà có trẻ dưới 5 tuổi, ở hai đầu cầu thang (phía trên cùng và dưới thấp nhất) phải có thanh chắn cầu thang cao quá đầu trẻ, đảm bảo cho trẻ không tự ý leo lên hoặc leo xuống cầu thang.

Cầu thang cũng như khu vực quanh chỗ bước xuống cầu thang phải luôn được lau khô ráo tránh trường hợp trượt chân ngã. Khi đang lau chùi cầu thang, tuyệt đối không cho trẻ leo lên leo xuống.

Không để các vật trang trí trên cầu thang khiến trẻ bước lên xuống thiếu sự vững vàng hoặc khi trẻ té có thể bị vật trang trí nặng đè lên người, càng nguy hiểm hơn.

Cầu thang phải đủ ánh sáng, có đèn chiếu (buổi tối) giúp trẻ luôn thấy rõ lối đi, không bước hụt chân.

Ngã cầu thang được xếp vào một trong những tai nạn chiếm tỷ lệ cao nhất với trẻ dưới 15 tuổi. Té ngã cầu thang có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ, từ trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong.

DẠY CON LÊN XUỐNG CẦU THANG

Khi trẻ lên ba, bạn đã có thể hướng dẫn con những bài học đầu tiên về kỹ năng lên xuống cầu thang, như:

Nhắc nhở con tuyệt đối không được xô đẩy, đùa giỡn khi lên xuống cầu thang.

Chỉ lên xuống cầu thang khi đã được sự cho phép của bố mẹ hoặc thầy cô (ở trường mẫu giáo).

Bạn có thể dán các sticker hình bàn chân ngộ nghĩnh trên từng bậc thang, ở vị trí sát tay vịn. Dặn bé bước chân đúng theo vị trí các hình sticker ấy, và nắm chặt tay vịn khi lên xuống.

Luôn nhắc nhở trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau (phù hợp với độ tuổi của trẻ) về nguy cơ có thể xảy ra nếu con chạy nhảy trên cầu thang, bước hai bậc cùng một lúc hoặc không nắm tay vịn.

Không để trẻ ngồi chơi trên các bậc cầu thang.

Trường hợp đến nhà người khác, hoặc đến các điểm vui chơi, trung tâm mua sắm… trẻ chỉ được phép lên xuống cầu thang nếu có bố mẹ hoặc người lớn đi cùng.

Bạn cũng nên chú ý đến cả những kiểu cầu thang cuốn bên cạnh cầu thang bộ, vì tai nạn gây ra khi trẻ đi cầu thang cuốn cũng không hề ít. Trẻ đi cầu thang cuốn phải được bố mẹ ẵm trên tay hoặc cho đứng an toàn, nắm tay người lớn. Đã từng có những trường hợp, bé bị cuốn tay, cuốn chân vào cầu thang, phải đưa đến bệnh viện để nối lại ngón hoặc thậm chí là phải đoạn chi vì tay hoặc chân dập nát do bị cuốn quá sâu!

TRƯỜNG HỢP TRẺ BỊ TAI NẠN TỪ CẦU THANG…

Bạn không được vội vàng xốc mạnh trẻ lên vì có thể gây nguy hiểm hơn cho trẻ. Khi trẻ bị ngã cầu thang, bạn cần để trẻ nằm yên, xem mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý tốt nhất.

Nếu trẻ bị bất tỉnh, phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Trong trường hợp trẻ vẫn tỉnh táo nhưng đau đớn, khóc ngất, cách xử lý ban đầu nên làm là dùng khăn nhúng nước lạnh, vắt ráo đắp lên trên vết bầm, hoặc dùng túi nước đá chườm lên chỗ chấn thương. Nên để trẻ nằm thẳng, cho cử động nhẹ nhàng, từ từ từng phần trên cơ thể. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, cử động khó khăn, vết thương bầm tím, sưng to thì nên nhẹ nhàng nhấc trẻ lên, đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và cấp cứu kịp thời.

Trường hợp trẻ bị tai nạn với thang cuốn, bố mẹ phải lập tức hô to, gọi bảo vệ cắt ngay cầu dao điều khiển thang. Ôm trẻ, giữ chặt trẻ, tránh để trẻ vùng vẫy nhiều hơn khiến thương tích nặng nề hơn.

Nếu trẻ bị chảy máu, thậm chí bị đứt rời một phần ngón (có thể xảy ra với tai nạn thang cuốn), phải kiểm soát tình trạng chảy máu bằng cách băng ép vết thương bằng gạc hay vải sạch. Không được buộc ga-rô (thắt nút) vì có thể làm hoại tử. Với phần bị đứt rời, phải lập tức rửa sạch, gói vào gạc sạch, sau đó bỏ vào túi ni-lông rồi mới cho vào ướp nước đá để gấp rút mang đến bệnh viện. Không được cho trực tiếp phần rời vào nước đá. Các bệnh viện đã nối thành công cho trẻ bị các tai nạn thang cuốn phần đứt rời nếu như bước đầu được sơ cứu và bảo quản phần đứt rời đúng kỹ thuật.

ĐIỀU ĐÓ ĐÃ XẢY RA…

  • Cuối năm 2008, một tai nạn do cầu thang cuốn xảy ra tại trung tâm thương mại P. (Q.Tân Bình). Nạn nhân là em bé 3 tuổi, bị nạn khi đã đi được đến giữa cầu thang cuốn tại lầu hai. Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân cho biết, khi nhập viện, đầu ngón chân cái quẹo sang một bên, mất móng và da đầu ngón nên bị lộ đầu xương; ngón kế bị đứt gần lìa nhưng máu vẫn còn lưu thông để nuôi tế bào; những ngón khác bị xây xát, da lưng bàn chân vùng đầu ngón có nguy cơ hoại tử do dính dầu nhớt thang máy. Bé đã được cấp cứu và điều trị kịp thời. Đáng tiếc là riêng phần da bong tróc được đưa vào bệnh viện không đúng quy cách (ngâm trực tiếp trong nước đá) nên đã không sử dụng nối được.
  • Năm 2009, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận trường hợp bé gái 23 tháng tuổi, leo cầu thang rồi trượt chân ngã (do cầu thang không có tấm ngăn an toàn, mẹ lại đang mải nấu cơm không chú ý. Tai nạn khiến bé bị chấn thương sọ não và có nguy cơ bị liệt nửa người.
  • Một trường hợp khác, nhà ở chung cư. Mẹ để cửa mở (không có thanh chắn), ngồi vắt sổ trong phòng khách. Bé được đặt vào ghế tập đi để tự chơi gần đó. Khi mẹ nghe tiếng động lớn ngoài cầu thang chung cư, chạy ra thì bé đã nằm bất động. Xe tập đi bị ngã chỏng chơ. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ cho biết bé bị tổn thương nặng ở đầu.
Tags:

Bài viết liên quan