1. Nguyên nhân gây phỏng ở trẻ
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tai nạn phỏng ở trẻ là do sự bất cẩn của người lớn.Trong sinh hoạt hàng ngày, hầu như hiểm hoạ bị phỏng lúc nào cũng xuất hiện: tô canh nóng để trên bàn, thau nước nóng chuẩn bị pha tắm cho bé, bình thủy nước sôi để khuấy sữa, nồi cơm điện để trong tầm với của bé, các ổ cắm điện cũ, không an toàn, một bếp than đang nóng…
2. Phân biệt các dạng phỏng thông thường ở trẻ
* Phỏng do nước sôi
– Theo thống kê, tai nạn phỏng mà trẻ mắc phải nhiều nhất vẫn là phỏng do nước sôi. Phỏng nước sôi hay xảy ra ở trẻ nhỏ, nhóm tuổi từ 1 đến 4 tuổi. Hầu hết tai nạn phỏng xảy ra là khi bé chỉ có một mình, cha mẹ hoặc người trông coi bé lo làm việc mà quên quan sát bé, khi bé thâý có vật lạ trong tầm tay như những vật đựng nước nóng: ly nước, ấm nước trà, tô cháo…bé đều có thể thò tay chụp lấy gây đổ vỡ và phỏng. Nặng hơn là có trường hợp trẻ rơi thẳng vào chảo nước sôi hấp cá (trường hợp hy hữu ở một làng chài mà báo chí từng đăng tải) hay trẻ đang ngồi ăn ở quán ăn, bị xe hơi lạc tay lái tông thẳng vào nồi nước lèo, nước lèo văng trúng trẻ gây phỏng nặng.
* Phỏng lửa
– Phỏng lửa ở trẻ em chỉ chiếm khoảng 1/5 trong tổng số các ca phỏng do nước sôi. Nhưng khi phỏng lửa thì vết thương nặng hơn do nhiệt độ gây phỏng ở lửa cao hơn nước sôi. Có nhiều nguyên nhân gây phỏng lửa ở trẻ em: chạy chơi té vào đống rơm đang ngún than, nghịch bật lửa, quẹt gas, người lớn bất cẩn đổ xăng và bắt lửa trúng vào người trẻ gây phỏng da, hay trẻ tò mò lấy tay bốc cục than đang cháy…. Trẻ phỏng do lửa sẽ chịu đau đớn nhiều hơn, trải qua thời gian điều trị lâu dài với nhiều lần phẫu thuật, cấy ghép da và hậu quả để lại nhiều di chứng nặng trên da.
* Phỏng do bàn ủi, pô xe
– Trẻ thường bị phỏng khi người lớn ủi quần áo và sơ suất để trẻ chạy chơi xung quanh, trẻ có thể té ngã vào bàn ủi hoặc tò mò sờ vào bàn ủi gây phỏng khi người lớn rời tay khỏi bàn ủi để treo quần áo hoặc làm việc khác mà không chú ý đến trẻ. Tai nạn phỏng pô xe máy xảy ra nhiều nhất khi trẻ được chở đi chơi, cha mẹ bế trẻ xuống và sơ ý để trẻ chạm chân vào pô gây phỏng. Vị trí thường gặp là vùng cẳng chân, bắp chuối và bàn chân để lại sẹo và thâm.
* Phỏng do điện
– Tai nạn phỏng điện xảy ra khi trẻ tò mò đút tay vào các lỗ trên ổ cắm điện, sờ nghịch bóng đèn bị điện giật gây phỏng. Phỏng do điện thường nặng và khó điều trị do bị cháy sâu vào bên trong. Vị trí thường ở bàn tay, bàn chân và để lại di chứng tàn phế khó hồi phục.
3. Cách sơ cứu khi trẻ bị phỏng
– Việc sơ cứu tai nạn phỏng kịp thời và đúng cách giúp tránh biến chứng và giảm nhiễm trùng cho trẻ về sau.
– Ngay khi phát hiện trẻ bị phỏng, phải làm mát vùng da phỏng giúp giảm tổn thương bằng cách đặt vùng da phỏng dưới vòi nước hoặc dội nhiều nước sạch lên vết thương trong vài phút.
– Sau đó bôi phủ vết thương bằng thuốc mỡ đặc trị phỏng. Ở trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên có thể dùng loại pomade trong thành phần có sulphadiazine bạc 1% để giúp vết phỏng mau lành.
– Băng lại bằng gạc sạch.
– Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng, sâu, hoặc ở những vị trí nguy hiểm và nhạy cảm. Trẻ sơ sinh nếu bị phỏng cần phải đưa đến điều trị tại cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
4. Nguyên tắc phòng tránh phỏng cho trẻ
Nguyên tắc quan trọng nhất là luôn luôn theo dõi hành động của trẻ thật sát. Không để những thứ có khả năng gây phỏng như những vật chứa nước sôi, bếp cồn, bếp than, quẹt gas… xe máy với pô xe nóng trong tầm với của trẻ. Các vật dụng và các thiết kế điện trong nhà phải đảm bảo an toàn. Nếu trẻ đã lớn, có thể nói cho trẻ biết về tai nạn phỏng trẻ có thể mắc phải khi nghịch những thứ kể trên. Dạy trẻ tuyệt đối không nghịch phá bàn ủi, nồi cơm điện…
Điều trị phỏng bằng vật lý trị liệu
* Tại bệnh viện, ngoài điều trị nội khoa, trẻ sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu tại giường hoặc tại khoa vật lý trị liệu của bệnh viện.
* Các bài tập bao gồm: kéo giãn, vận động chủ động trợ giúp(người nhà hoặc chuyên viên vật lý trị liệu hỗ trợ), vận động chủ động tự trợ giúp bằng chính tay người bệnh(nếu trẻ chiụ hợp tác), vận động chủ động tự do, vận động với dụng cụ trợ giúp như ròng rọc, gậy…
* Ngoài ra, để ngăn ngừa co rút cơ và biến dạng xương, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn trẻ các tư thế tốt khi nằm và mang nẹp. Ví dụ trẻ bị phỏng ở cổ thì cần nằm ở tư thế duỗi quá(ưỡn cổ ra sau) bằng cách kê gối dưới vai cho trẻ để tránh biến dạng gập cổ, xệ môi dưới, hạn chế vận động hàm dưới.
* Thường gặp nhất ở trẻ là phỏng bàn tay, trong quá trình điều trị, nên khuyến khích trẻ dùng tay phỏng trong các cử động sinh hoạt hằng ngày, người nhà nên giúp trẻ nắm,duỗi bàn tay, gập duỗi khớp cổ tay, dang áp các ngón tay…Khi ngủ phải mang nẹp cổ bàn tay cho trẻ.
* Sau khi xuất viện trẻ cần được tiếp tục tập vật lý trị liệu bên cạnh việc uống thuốc đều đặn để tránh biến chứng như co rút cơ, hạn chế việc cử động, sẹo dính…Tập vật lý trị liệu hằng ngày để lấy hết tầm hoạt động của các khớp và gia tăng sức mạnh của các cơ.
* Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ đánh giá vết thương, quá trình hình thành sẹo, có thể dùng sóng siêu âm để chống kết dính sẹo, tiếp tục các bài tập kéo giãn, vận động chủ động trợ giúp…
Hỏi:
Bé nhà tôi năm nay lên ba, cháu thuộc tuýp trẻ hiếu động, ưa táy máy các vật dụng trong nhà hoặc bất cứ thứ gì cháu vớ được trong tầm tay. Việc trông cháu phải cậy nhờ vào bà cháu. Bà có khi vừa nấu thức ăn vừa xem tivi, hoặc khi cho cháu ăn không để cháu ngồi một chỗ mà cứ thả cháu vừa ăn vừa chạy lung tung. Khi vợ chồng tôi nhắc khéo về vấn đề an toàn cho cháu thì bà có vẻ giận, cho rằng chúng tôi nghĩ bà vô tích sự. Tôi phải làm sao để bà hiểu được mong muốn của tôi là bà có thể trông nom cháu cẩn thận hơn mà không mất lòng bà?
Đáp:
Bạn may mắn vì có một chỗ dựa để gửi gắm đứa con và tiếp tục công việc ở cơ quan. Bạn nên thể hiện lòng biết ơn ấy một cách tế nhị và khéo léo bằng hành động và lời nói. Người già ưa mặc cảm tuổi tác và tinh thần không còn minh mẫn, vì vậy bạn phải thật thận trọng trong cách ứng xử. Bạn nên khéo léo gợi chuyện có liên quan đến trẻ con và các tai nạn không mong muốn từng xảy ra, có thể dọc cho bà nghe các bài báo về tai nạn thông thường ở trẻ như phỏng, ngạt nước, điện giật…Bên cạnh đó cũng không quên nói cho bà biết các biện pháp phòng tránh tai nạn cho cháu như trông nom cháu cẩn thận, không cho cháu nghịch phá vật dụng nguy hiểm trong nhà, không được cho cháu đến gần bếp khi đang nấu ăn… Nên khéo léo nhờ những người lớn tuổi tác động, mưa dầm thấm lâu chắc chắn bà sẽ nhận ra và hết lòng bảo vệ cháu yêu.