Mẹ&Con – Để đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ, không chỉ dựa vào thân nhiệt mà còn dựa vào cả tình trạng phân của trẻ sơ sinh.
Trở thành “bà mẹ bỉm sữa” rồi mới biết, phân của trẻ sơ sinh cũng có khá nhiều loại với màu sắc, kết cấu khác nhau. Vậy, phân của trẻ sơ sinh như thế nào mới là bình thường? Mời các mẹ đón đọc bài viết dưới đây:
1. Phân lúc trẻ vừa chào đời (phân su)
Phân su được tạo nên từ nước ối, tế bào da, chất nhờn… mà em bé thải vào trong tử cung. Đây là loại phân đầu tiên khi trẻ chào đời, có màu đen hoặc xanh đen, rất dính và dường như không có mùi hôi.
Khi trẻ được 2 – 4 ngày tuổi, phân su bắt đầu chuyển sang màu nhạt hơn (giống màu xanh lá mạ), đồng thời cũng ít dính hơn. “Sản phẩm” này cho thấy trẻ đã bắt đầu tiêu hóa sữa mẹ, và đường ruột dần đi vào ổn định.
2. Phân của trẻ bú mẹ
Màu vàng hoặc hơi ngả sang xanh lá, kết cấu lỏng chính là phân của trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn. Bên cạnh đó, đi kèm lẫn khắp trong phân có thể là những hạt trắng lấm tấm tựa phô mai.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù bú mẹ, nhưng không phải phân của trẻ nào cũng giống nhau. Đôi khi mẹ sẽ thấy phân của trẻ sơ sinh có màu xanh – tức mẹ đã ăn một món nào đó khác với ngày thường. Trong trường hợp này, nếu phân xanh kèm theo bọt trắng, chất phân lỏng nghĩa là trẻ đã bú quá nhiều lượng sữa ban đầu nhưng lại không bú đủ lượng sữa cuối.
Lượng sữa ban đầu chứa hàm lượng calo thấp, lượng sữa cuối chứa hàm lượng dinh dưỡng và chất béo cao hơn. Hiểu nôm na, điều này có nghĩa là bạn đã không cho trẻ bú đủ mỗi bên ngực. Để khắc phục, mẹ cần cho con bú hết bên bầu ngực này mới chuyển sang bú bên bầu ngực còn lại.
3. Phân của trẻ bú sữa công thức
Với trẻ bú sữa công thức, phân của trẻ sơ sinh sẽ có màu vàng nâu, nâu nhạt hoặc xanh nâu. Chất phân nhão giống như bơ đậu phộng, mùi phân hơi nặng so với trẻ bú mẹ.
4. Phân của trẻ ăn dặm
Bước vào quá trình ăn dặm, phân của trẻ sơ sinh sẽ nặng mùi hơn. Trẻ được coi là khỏe mạnh nếu trong quá trình này chúng thải ra phân màu nâu hoặc nâu đậm, kết cấu dày hơn so với bơ đậu phộng một chút.
5. Phân của trẻ được bổ sung chất sắt
Giống như khi mang bầu, mẹ uống thuốc bổ sung chất sắt khi đi ngoài phân có màu đen thì ở trẻ cũng thế. Với trẻ được bổ sung chất sắt, phân của chúng cũng có màu nâu đen hoặc xanh đậm, mặc dù màu phân này không xuất hiện đều đặn.
Tuy nhiên, sẽ là đáng lo ngại nếu như mẹ không cho trẻ bổ sung chất sắt mà phân của con vẫn có màu này. Đây có thể là dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa, mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám.
(Ảnh minh họa)
6. Phân khi trẻ chỉ tiêu hóa một phần thức ăn
Hôm thì mẹ thấy phân của trẻ có màu vàng như đu đủ, hôm lại thấy có màu đỏ, hôm khác lại thấy phân có màu cam hoặc xanh… liệu có nghiêm trọng?
Sở dĩ có hiện tượng này là do thực phẩm mà trẻ tiêu thụ khác nhau, ví dụ như khoai lang, rau xanh, việt quất, cà rốt… tương ứng với màu phân khi thải ra.
Thật ra, màu phân “đa dạng” này không hề gây hại. Nó chỉ ra rằng do các loại thực phẩm trẻ nạp vào chỉ tiêu hóa một phần, hoặc nhanh chóng đi qua ruột mà không có thời gian để phân hủy hoàn toàn. Nếu muốn biết trẻ có dung nạp đầy đủ dinh dưỡng hay không, cách tốt nhất mẹ nên đưa con tới bệnh viện và nhờ các bác sĩ kiểm tra.
7. Phân của trẻ mắc bệnh tiêu chảy
Phân của trẻ sơ sinh bị tiêu chảy rất giống với nước mũi. Chúng thường có màu vàng, vàng nâu hoặc ngả sang xanh lá cây. Kết cấu lỏng, được hình thành từ nước nhiều hơn là chất rắn.
Tiêu chảy kéo dài, nếu không được điều trị sẽ dẫn tới mất nước rất nguy hiểm. Mẹ cần cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, mỗi ngày đi phân dạng tiêu chảy trên 3 lần hoặc bị tiêu chảy kéo dài từ 1 – 2 ngày.
8. Phân của trẻ bị táo bón
Phần lớn phân của trẻ sơ sinh bị táo bón thải ra đều trông giống như viên đá cuội nhỏ và khá rắn. Mỗi lần đi tiêu trẻ phải gồng mình, mặt đỏ tía tai rất khổ sở.
Ở trường hợp này, nếu mẹ vẫn đang cho con bú thì nên ăn những thực phẩm mát, nhiều chất xơ và uống đủ nước nhé. Nếu trẻ đã bước vào quá trình ăn dặm, hãy chuẩn bị thực đơn ăn dặm thật nhiều chất xơ từ rau củ quả cho con.