Mẹ&Con - Ngoài bố mẹ hai bên là những người đương nhiên vợ chồng bạn phải có trách nhiệm phụng dưỡng, đôi lúc, bạn còn “ngợp” trong vô vàn lời nhờ vả từ bà con xa đến họ hàng gần bên chồng, bên vợ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến gia đình nhỏ. Thử nghĩ xem, bạn phải làm sao cho trọn nghĩa vẹn tình?

Gánh nặng gia đình, trách nhiệm hiển nhiên

Chị Dung, sống ở Tân Bình, hai vợ chồng mới có một đứa con đầu lòng, thu nhập cũng khá ổn, nên hai vợ chồng quyết định mua một căn nhà nhỏ để được “an cư”. Nhưng “an” đâu chưa thấy, từ ngày có được căn nhà, ngoài chuyện hai vợ chồng cứ “đụng” nhau hoài vì tiền bạc teo tóp cho góp nhà, còn phải luôn khổ tâm vì sự can thiệp của người thân.

Chị kể, khi biết có nhà, mẹ chồng chị nói phải để cậu em con cậu của chồng chị về ở, cho dễ bề coi sóc và dễ tập trung học hành. Thế rồi, mọi chuyện nhắng lên từ đó. Cậu em họ của chồng không phải là một sinh viên ngoan hiền như mọi người tưởng, từ ngày cậu này về sống trong nhà mới ló ra nhiều chuyện khiến hai vợ chồng chị đau đầu nhức óc, nhưng cứ phải ráng gồng mình chịu đựng vì trách nhiệm.

Chỉ đến khi, chị phát hiện ra em họ của chồng với đám bạn tụ tập trong phòng ngủ của vợ chồng chị coi phim và hít heroin thì mọi chuyện mới vỡ òa. Chị Dung đã phải thuyết phục chồng đưa em họ về quê một thời gian để tập trung cai nghiện.

nhà chồng nhờ vả

(Ảnh minh họa)

Chị Hòa (Q.12) thì có căn nhà lớn, đủ rộng để chứa cả người thân của chồng và người thân của vợ đến ở chơi. Nhưng rồi cũng phải mệt mỏi nhiều vì cứ bị hết người thân này đến người thân khác làm phiền, vì ai cũng nghĩ đây là nhà của anh tôi, (con tôi, em tôi) tôi có quyền. Đến nỗi, có khi muốn đóng cánh cửa phòng riêng để nghỉ ngơi thôi cũng bị… giận. Tất cả phải mở toang “cho gần gũi, thân mật”.

Nhiều gia đình ở quê cứ nghĩ người sống ở thành phố sung sướng lắm, chắc cũng quẩn quanh “chái bếp hiên nhà” như mình, nên ai có việc gì một cái là cứ việc khăn gói đón xe lên, chẳng cần biết trên ấy thế nào. Nên đôi khi, vợ đang đi công tác xa, chồng đang đi làm phải xin nghỉ đột xuất để về nhà mở cửa cho em vợ vô nhà.

Cô em dưới quê giận dỗi gia đình, ôm con lên thành phố rồi mới gọi điện báo: “Em đang lên, anh chị để cửa chờ em, thu xếp cho em ở đó ít ngày rồi em tìm chỗ khác cũng được!”. Là trường hợp của chị Trang (Q.Phú Nhuận).

“Đèn nhà ai nấy sáng”

Chị Dung kể, từ lúc chị không cho em họ của chồng tá túc nữa, vợ chồng chị phải nghe đầy tai những lời đổ lỗi, quở trách từ phía gia đình chồng. Sự ấm êm, thoải mái trong gia đình chị lúc trước ngập tràn giờ bỗng chốc trở nên nặng nề, ngột ngạt. Và cảm giác mình là người gây nên tội cứ trĩu nặng trong lòng chị ngày đêm, khiến chị không màng gì đến việc cải thiện không khí cho mái ấm nữa.

Không nói được cô em ruột, chị Hòa lắm lúc đã phải nước mắt ràn rụa khi thổ lộ với chồng: “Em không chịu nổi nữa, em dọn ra nhà trọ sống với con em thôi, không thể nào chịu nổi người thân của anh cứ xộc ầm ầm vô phòng ngủ của em như thế này nữa”. Công việc ở cơ quan đã nhiều áp lực, về nhà muốn riêng tư một chút cũng không xong, chị cảm thấy quá chán ngán, chỉ muốn bỏ đi tìm một chốn riêng tư khác.

Còn chị Trang, phòng học của con gái lớn những khi có khách ở quê lên luôn phải tạm nhường. Nhìn con ra bàn sa lon khum lưng ngồi học, chị không khỏi xót lòng…

Hãy chung sức đầu tư

Tự dưng, gia đình bé nhỏ của bạn phải oằn lưng vì những trách nhiệm không phải của riêng mình, điều đó nhiều khi khiến mọi chuyện trở nên rối như tơ vò, không có lối ra. Và, cái hạnh phúc mà hai vợ chồng từng ngày vất vả đắp xây, tự dưng lao đao vì những con sóng . Quyền lợi thì phải sẻ chia, còn trách nhiệm thì chuyện nhà ai nấy biết, đèn nhà ai nấy rạng. Thế rồi, vì những tác động khách quan, gia đình bé bỏng thân yêu của bạn bỗng chốc có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm, mà cả hai nhân vật chính trong gia đình không ai muốn điều đó xảy ra.

Cứ kiểu như vậy, chỉ số hạnh phúc của gia đình bạn sẽ ngày càng giảm, bên cạnh sự gia tăng mức độ trách nhiệm với người thân. Nếu không biết cách, các cặp vợ chồng trẻ sẽ dễ bị rơi vào bế tắc, nhiều khi còn dẫn đến một kết cuộc đáng tiếc.

Để mang lại sự ấm êm cho một gia đình, cần có sự chung tay vun đắp của tất cả các thành viên gồm chồng, vợ và con cái, chứ không thể chỉ một, còn các thành viên khác thì không cần biết đến. Lẽ đương nhiên, sống trên đời ai cũng có người thân, người thân của chồng hay vợ cũng đều là người nhà cả, nhưng cũng nên biết rằng không ai khác có thể lo lắng cho mình bằng bản thân mình.

Điều đó có nghĩa là, khi cần, bạn có toàn quyền đầu tư cho gia đình mình trước nhất. Rồi sau đó, muốn gánh thêm một trách nhiệm nào khác, cần có sự bàn bạc thấu đáo giữa hai vợ chồng, để đảm bảo không ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng tư.

Gia đình bên chồng hay bên vợ, ai cũng xứng đáng được trân trọng, yêu quý, nhưng tốt nhất hãy cùng nhau điều chỉnh sao cho đừng bao giờ xảy ra những xung đột trong gia đình bạn chỉ vì gánh nặng những người thân.

> Trở thành dâu thảo để mẹ chồng yêu thương

Tags:

Bài viết liên quan