Con gái tôi 7 tuổi. Thật sự Mẹ&Con không thể hình dung được đâu, tôi không hiểu học từ ai, bằng cách nào mà con thể hiện sự… mê tiền từ rất sớm! Lúc con còn nhỏ, tôi có “rèn” cho con cách tiết kiệm. Ví dụ như mua cho bé một con heo đất và thỉnh thoảng cho con tiền lẻ, bảo con bỏ vào heo đất để dành. Nhưng tôi không ngờ rằng những điều này trở nên ngày một quá đà. Bé khư khư giữ lấy heo đất, không cho ai đụng vào, luôn nói là: “Tiền của con!”. Bé thường xuyên “mặc cả” và xin tiền của người khác. Thậm chí, khi bé được 10 điểm ở trường, về nhà tôi hỏi con muốn thưởng gì là bé nói ngay: “Mẹ cho con tiền đi mẹ!”.
Tôi rất lo vì cảm thấy điều này bất thường với trẻ con. Tết hay sinh nhật, có tiền mừng tuổi của các cô bác là con không chịu đưa tôi, chỉ muốn cất riêng trong heo đất. Bé cũng có những biểu hiện không bình thường như nhớ giá của nhiều món đồ khi tôi đưa bé đi siêu thị, cầm cái gì lên cũng nói giá. Khi ai cho tiền quà vặt thì biết “so sánh” rằng: Chú A. hay cho tiền, cho nhiều hơn chú B. Khi chú A. đến nhà, bé lộ rõ vẻ “quấn quýt” mà tôi hiểu rõ là vì thường được cho tiền. Tôi làm cách nào để uốn nắn con?
Bích Huyên
(Quận 11)
Ở tuổi của bé, bé chưa hiểu hết giá trị của đồng tiền và “mê tiền” theo cách bạn nói. Thực tế là bé chỉ mới định hình dần cái tôi, rõ rệt hơn với chuyện cái-này-là-của-tôi, và tiền chỉ là một trong số những thứ “đồ vật” bé muốn thể hiện quyền của mình, thể hiện đây là thứ do mình sở hữu.
Có một số bé sẽ mê đồ chơi, mê những mô hình xe hơi, mê búp bê, mê sưu tập hình ảnh… Bé sẽ thể hiện sự “sở hữu” của mình với chúng, biết các khái niệm “của mình”, “của người khác”, “cho mượn”, “tặng”, “không cho”…
Việc bé coi trọng một món gì đó của mình (với con bạn là… tiền) không hẳn xấu, vì như đã nói, đó là một bước đi trong quá trình trưởng thành. Bạn chỉ cần uốn nắn, giúp bé không trở nên cực đoan, ích kỷ, không thích chia sẻ với ai những gì mình có, chỉ xem món đồ mình có (tiền, đồ chơi…) là trên hết. Vì về lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ.
Để điều chỉnh, bạn không cần khăng khăng không cho bé tiền, đòi lấy con heo đất của bé vì điều đó chỉ khiến bé nảy sinh những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, cho rằng mình bị mẹ “ức hiếp” mà thôi. Bạn chỉ nên giúp con học cách “cho đi” thay vì chỉ giữ bo bo phần mình. Có thể đưa con đến những nơi làm từ thiện, kể cho con nghe về những hoàn cảnh bạn bè khác khó khăn hơn bé, hoặc giúp con học cách sử dụng tiền mà bé tiết kiệm được sao cho hợp lý nhất. Cũng nên giải thích để bé hiểu những khoản tiền mừng tuổi hay tiêu vặt mà các cô bác cho có ý nghĩa gì, đừng để bé đánh giá “thương – ghét” một ai đó chỉ vì được cho nhiều hay ít tiền, bạn nhé!