Mẹ&Con – Những cơn nôn nao, mệt mỏi đến bất cứ lúc nào. Những buổi tối mất ngủ. Những bữa cơm nuốt không trôi vì cảm thấy cái gì cũng nhạt. Bạn “nghén” rồi đấy!

Làm cách nào để thoát khỏi cái cảm giác “mệt không chịu nổi” này? Thật ra, nếu bạn biết cách, mọi thứ sẽ không khó lắm! 

1. Khi nào bạn nghén?

Điều này tùy thuộc vào thể trạng của từng thai phụ. Có người chẳng hề biết thế nào là “nghén” (vì có thai mà vẫn “tỉnh queo” như bình thường, ăn ngon, ngủ ngon). Có người chỉ nghén đúng “thời gian hoạch định” (thường nặng nhất vào khoảng tuần thứ 8-9 của thai kỳ rồi giảm dần, đến 14-16 tuần thì chấm dứt). Nhưng cũng có không ít bà mẹ, nhất là những bà mẹ trẻ mới có thai lần đầu thì nghén kéo dài từ lúc mang thai đến tận đến… cuối thai kỳ! Những cơn ốm nghén, nôn nao, ăn gì là “ra ngoài” nấy rất dễ khiến mẹ bị gầy sút, mất nước, rối loạn chuyển hóa, không đủ chất dinh dưỡng nuôi thai nhi trong bụng. 

2. Bạn có thể “né” những cơn nghén bằng cách…

Giữ cho tinh thần sảng khoái!

Rất ngộ nghĩnh và thú vị là yếu tố tâm lý tác động đến việc ốm nghén một cách “khủng khiếp”. Có trường hợp vui vui, trước khi xét nghiệm để biết có thai, nhiều bà mẹ vẫn ăn ngon, ngủ kỹ một cách bình thường. Đùng một cái, vừa nghe bác sĩ thông báo “mang bầu” rồi thì ngay buổi trưa ấy đã bắt đầu không ăn uống gì được nữa, nhìn cái gì cũng sợ, cũng nôn nao.

Bạn không nên quá lo lắng về chuyện có thai. Tinh thần người mẹ càng dễ chịu thì những cơn ốm nghén càng ít tác động. Hãy ăn những gì bạn cảm thấy ngon miệng. Giữ cho mình lạc quan, vui tươi. Bạn cũng có thể nghe những bản nhạc hòa tấu có âm thanh là tiếng chim, tiếng suối… Trong giai đoạn này, áo quần, dra giường… bạn mặc hoặc dùng hàng ngày cũng nên là những sắc màu tươi sáng, tạo cảm giác hưng phấn yêu đời. Bạn sẽ bất ngờ nhận ra khi mình ở vào trạng thái thoải mái thì những cơn ốm nghén cũng dường như giảm hẳn.

Om nghen lam sao day

(Ảnh minh hoạ)

Giảm bớt áp lực công việc!

Tất cả mọi nỗi lo về công việc (kể cả việc nhà) sẽ dồn nén lên bạn, khiến bạn ức chế, stress, dẫn đến tình trạng nghén nặng nề hơn. Hãy sắp xếp để ngay khi biết mình có thai giảm bớt được phần nào những áp lực từ công việc. Ví dụ bạn có thể phân công lại những việc nhà, giảm tải những công việc nhàm chán và “hàng đống” như kiểu nhìn thấy cả một thau quần áo dơ cao ngất hay một đống chén dĩa dơ cần rửa.

Đối với công việc tại cơ quan, hãy sắp xếp lại thứ tự ưu tiên (con mình bây giờ là số một!), trao đổi với sếp và có được một thời khóa biểu công việc hợp lý hơn. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là bạn… bỏ hết, chẳng làm gì. Chẳng làm gì thì có khi bạn lại bị tác dụng ngược và chán không kém, từ đó dẫn đến cảm giác “ì”, trì trệ, ăn uống khó khăn, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, nôn nao, mất ăn mất ngủ. 

Có những giấc ngủ thật sâu…

Muốn như thế, bạn nên đi ngủ sớm. Buổi sáng cố gắng canh sao cho bạn có thể tự thức dậy (khi cơ thể đã ngủ đủ giấc) chứ không phải uể oải mở mắt vì tiếng đồng hồ reng báo đến giờ phải đi làm. Buổi trưa, bạn nên thu xếp để có thêm một giấc ngủ ngắn tại cơ quan. Nên nhớ, thai phụ cần ngủ 10-12 tiếng mỗi ngày. Nếu thiếu ngủ, việc những cơn nghén hành hạ bạn thêm là điều dễ hiểu. Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy cơ thể của mình khỏe mạnh, dồi dào năng lượng và sẵn sàng với nhịp điệu công việc cũng như việc chuẩn bị làm mẹ.

Ăn thành nhiều bữa

Khi chia thành nhiều bữa ăn, mỗi bữa ăn chút ít, bạn sẽ ít bị nghén hơn là “dồn” lại vào 1-2 bữa chính. Thai phụ ăn khoảng 5 bữa/ngày sẽ ít nghén hơn thai phụ chỉ ăn từ 2-3 bữa. Đây là kết quả nghiên cứu khoa học hẳn hoi đấy! Hãy tránh cho mình cảm giác quá no hoặc quá đói khi mang thai. (Cả hai điều này đều dễ làm bạn cảm thấy buồn nôn). Bên cạnh những bữa ăn “nghiêm túc”, bạn cũng nên dự trữ cho mình một ít bánh quy, vài hộp sữa giấy trong giỏ xách khi đi ra ngoài. Bạn sẽ thấy chúng cực kỳ hữu hiệu để tránh cho bạn những cơn ốm nghén.

Tăng cường lượng nước!

Uống nhiều nước sẽ giúp bạn đỡ bớt cảm giác nghén, buồn nôn, mệt mỏi… Nếu cảm thấy “ngán” nước lọc, bạn có thể xen kẽ thêm nước ép trái cây không đường, sữa. Khi đi làm cũng như ở nhà, bạn nên để cạnh mình một bình nước và cứ sau mỗi 10-15 phút lại nhấp vài ngụm.

“Làm quen” với vài món “trị nghén” hiệu quả!

Bạn có thể chút ít uống trà gừng pha loãng, nước soup gà, trà thảo mộc… mỗi ngày. Đây là những thứ mang tính “bí truyền” trong dân gian, được cho là rất hiệu quả trong việc làm giảm những cơn ốm nghén. Bạn có thể yên tâm là chúng không gây nên bất kỳ ảnh hưởng nào với thai nhi cả.

Rau quả, trái cây cũng là những thứ bạn nên bổ sung cho cơ thể để tránh “nghén”. Bạn thắc mắc sao chúng làm được điều ấy à? Rau quả, trái cây giúp bổ sung các loại vitamin một cách tự nhiên nhất, giữ cơ thể được cân bằng. Ngay cả trong những trường hợp “nghén nặng”, không muốn ăn gì, thì hầu hết thai phụ vẫn cảm thấy mình “nuốt trôi” nếu đó là trái cây.

Ngoài ra, một ít ô mai cũng là “chiêu thức” rất tốt để giúp bạn né cơn nghén. Cũng lưu ý tránh xa những đồ ăn nhiều mỡ, đồ rán hoặc đồ nhiều gia vị bạn nhé, bởi vì chúng rất dễ khiến bạn có cảm giác buồn nôn.

Tags:

Bài viết liên quan