Tôi là người miền tây, lấy vợ gốc bắc. Thời yêu nhau, chúng tôi hay cãi vã vì cách nói chuyện của cả hai không hợp. Tính tôi rặt miền tây nam bộ nên bộc trực, có sao nói vậy. Còn cô ấy thì cứ thích nói vòng vo. Có khi một chuyện bé tí ti mà nói cả buổi tôi mới hiểu. Nhiều lần tôi khuyên cô ấy nên nói thẳng, nói toạc lý do cần nói nhưng cô ấy vẫn vậy. Lấy nhau về, cô ấy có một tính còn kinh khủng hơn cái tính “nói vòng vo” của thời yêu nhau: nói chữ. Tôi rất ghét cách nói này vì nó làm người nghe, nhất là người như tôi cứ rối mù mịt lên. Làm sao để cô ấy thẳng thắn với chồng hơn? Chân thành cảm ơn chuyên gia.
Nguyễn Quang (Q. Bình Tân)
Trong giao tiếp, có rất nhiều cách để diễn đạt điều mình muốn nói, nói hiển ngôn (nói thẳng vấn đề mình muốn nói), hàm ngôn (nói ẩn ý phải suy nghĩ mới hiểu được). Có lẽ vợ anh thích dùng cách giao tiếp hàm ngôn với mọi người. Vì nghe trông nhẹ nhàng và thi vị, thậm chí tránh được những điều nói quá thẳng thừng làm mất lòng người khác. Thế nhưng anh là người bộc trực, thích cách nói thẳng vấn đề nên lấy làm khó chịu trước cách nói chuyện của vợ mình. Nhưng ngược lại, có thể cô ấy cũng thấy cách nói chuyện của anh sao thiếu thi vị và ngọt ngào thì sao? Chung quy chỉ vì cả hai có sở thích và thói quen dùng từ không hợp nhau mà thôi.
Muốn góp ý cùng cô ấy, có lẽ anh cần kiên nhẫn hơn, bởi đó đã trở thành thói quen. Không phải tự nhiên cô ấy có được điều này mà đó là cách nói chuyện của ông bà ta trước đây, trong những bài học, trong cách dạy con của người lớn dành cho cô ấy. Đó cũng chính là nét văn hóa rất hay ở từng vùng miền nước ta. Tất cả đã thấm vào tâm hồn của bản thân mỗi người và rất khó thay đổi. Ngược lại, nếu bắt anh thay đổi cách nói chuyện “vòng vo” giống như vợ mình thì có lẽ anh sẽ không dễ làm được phải không nào?
Trong giao tiếp vợ chồng, nếu những điều cô ấy nói làm anh khó hiểu, anh hoàn toàn có thể bảo cô ấy nói “cách dễ hiểu nhất” hoặc “cụ thể vấn đề là như thế nào?”, “nói tóm lại là… phải không?”. Những câu gợi ý như vậy sẽ làm cho cô ấy buộc lòng phải làm gọn lại điều mình muốn diễn đạt. Dần dà cô ấy sẽ thích nghi với cách nói chuyện ngắn gọn mà thôi! Hãy trân trọng và suy nghĩ tích cực nếu như cô ấy thay đổi dù rất nhỏ. Nếu như bây giờ chỉ có chín trên mười điều là cô ấy nói vòng vo so với mười trên mười đã là một tín hiệu tích cực rồi anh nhé!
Cách nói chuyện của cô ấy có thể sẽ không phù hợp với anh nhưng đó là một cách nói chuyện không phải là không hay. Do đó, anh có thể không quen và muốn cô ấy điều chỉnh lại cho phù hợp nhưng cũng đừng “cự tuyệt” điều này, đừng xem đó là điều làm mình khó chịu và căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng của anh chị. Trong cuộc sống gia đình đôi lúc bản thân chúng ta phải bỏ qua hoặc chấp nhận rất nhiều điều vốn không phù hợp của cả hai để xây dựng gia đình. Bởi vốn dĩ vợ chồng không chỉ có sự cảm hóa hay thay đổi điều không hay của nhau mà còn là sự chấp nhận và thích nghi với điều không hay để gia đình hạnh phúc. Biết đâu sao này, anh lại chê vợ mình sao nói chuyện gì mà thẳng thừng quá đỗi thì sao? húc gia đình anh luôn hạnh phúc! Thân chào anh!