Mẹ&Con – Sau chín tháng mười ngày với bao xáo trộn, cuối cùng bé cũng chào đời, mang theo niềm hạnh phúc vô biên của bạn.

Nhưng một khó khăn bạn phải đối mặt ngay lập tức là dường như bé “chưa” thích nghi được với nhịp “sinh hoạt” của bạn: Bé hoàn toàn không ngủ theo giờ bạn muốn! Hễ lúc nào bé thích thì bé ngủ, lúc nào bé ngủ chán thì bé thức. Sự  mệt mỏi của bạn chưa kịp giảm bớt, giờ đã chất chồng thêm vì những đêm thức trông con. Hãy tham khảo những mẹo nhỏ sau đây. Chúng sẽ giúp bạn “giải quyết” phần nào khó khăn này đấy.

Bạn nên 

Đảm bảo nhiệt độ thích hợp trong phòng

Nếu có máy điều hòa nhiệt độ, bạn sẽ làm điều này dễ dàng hơn. Nếu chỉ có quạt máy hoặc theo nhiệt độ tự nhiên, hãy cố gắng đảm bảo là bé không bị quá nóng hay quá lạnh. 

Có quần áo “mặc ngủ” riêng cho bé

Bé khoảng vài tháng tuổi chưa thể nào “phân biệt” được ngày và đêm. Tuy nhiên, bạn có thể giúp bé “cảm nhận” điều này bằng việc cho bé sớm làm quen với những bộ quần áo ngủ. Chính những bộ quần áo ngủ mặc ban đêm sẽ giúp bé “điều chỉnh” nhịp sinh học của mình ngày càng gần hơn với bạn. 

Giữ yên tĩnh khi cho trẻ ăn uống hoặc thay tã lót ban đêm

Khi cho trẻ ăn uống hoặc thay tã lót ban đêm, bạn cũng cần cố gắng giữ yên lặng để trẻ có thể ngủ lại dễ dàng. Nên nhớ rằng, trẻ ngủ ban ngày càng nhiều thì thức đêm càng nhiều. 

Nên cho bé sơ sinh nằm ngửa khi ngủ 

Đặt bé sơ sinh nằm ngửa khi ngủ sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ đột tử trong quá trình bé ngủ. Nghe rất đau lòng, nhưng nhiều trường hợp đã xảy ra: Trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp, gặp phải nguy cơ úp mặt và dẫn tới thiếu dưỡng khí, ngưng thở. 

“Đáp ứng” một cách… thong thả hơn với bé từ 4-6 tháng tuổi

Nếu bé đã được khoảng 4 tháng tuổi và vẫn thức, khóc đêm, bạn nên thong thả hơn thay vì lập tức đến ngay bên con mỗi khi con khóc. Bạn có thể đợi vài phút khi nghe trẻ khóc vì trẻ có thể tự ngủ lại trong một thời gian ngắn. Tất nhiên, bạn chỉ có thể làm điều này nếu biết chắc rằng bé hoàn toàn không có vấn đề gì như bị đau, bị ướt, bị con gì cắn… 

Au o be ngu

(Ảnh minh họa)

Bạn không nên

Không nên cho trẻ ngủ quá nhiều và lâu ban ngày

Càng ngủ lâu ban ngày, bé càng dễ thức và đòi mẹ ban đêm. Vì vậy, hãy cân nhắc thời khóa biểu ngủ của trẻ một cách hợp lý và tính toán để bé có thể có được giấc ngủ dài và sâu buổi tối. 

Không nên đu đưa nôi để ru bé sơ sinh ngủ trong khoảng 1 tháng đầu tiên

Bé cần quen với một giấc ngủ “không người đưa”, nghĩa là ngủ trên giường, thẳng giấc, không bị “tác động” bởi yếu tố đu đưa hoặc được ẵm trên tay ru ngủ. 

Không nên cho bé chơi đùa hoặc quá “vui vẻ” khoảng thời gian trước khi đi ngủ

Hãy tạo cho bé một nhịp đều đặn: ăn tối, tắm rửa, sau đó được nghe mẹ kể cho một câu chuyện hoặc hát ru. Nếu bé thức dậy ban đêm, hãy giữ yên lặng, vỗ về nhè nhẹ giúp bé nhanh chóng quay trở lại giấc ngủ. 

Không nên đặt bé vào nôi mà vẫn còn ngậm núm vú cao su

Bé sẽ dễ dàng thức dậy và khóc ngay khi bạn “canh chừng” bé ngủ để cố lấy núm vú cao su ra. Một số trẻ có thói quen ngậm vú cao su, bạn cần nhẹ nhàng lấy ra trước khi đặt bé vào nôi.

Tags:

Bài viết liên quan