Sức khỏe răng miệng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi người và càng đặc biệt quan trọng với mẹ bầu. Vậy việc chăm sóc răng miệng khi mang thai cần có những lưu ý gì? Mời mẹ bầu cùng tìm hiểu nhé!
Sức khỏe răng miệng sẽ… yếu đi!
Đừng bất ngờ khi biết điều này. Đó là sự thật. Nếu bạn không chăm sóc kỹ răng miệng từ ban đầu thì trong quá trình mang thai, hàm răng sẽ “lãnh đủ”. Một tỷ lệ cực kì lớn phụ nữ gặp phải các vấn đề răng miệng khi mang thai suốt chín tháng thai kì.
Chưa hết, hậu quả của răng miệng sẽ còn ảnh hưởng đến bạn một thời gian dài sau này. Nhiều thai phụ hoảng hốt khi nhận ra những chiếc răng đang chắc khỏe của mình bỗng trở nên muốn lung lay, cứ như thể cả hàm đang đình công và rủ nhau… rụng vậy! Nhiều phụ nữ khác lại bị chảy máu chân răng, sung huyết, ngứa lợi, đau răng.
Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Giải thích đơn giản nhất để bạn hình dung là khi thai nhi phát triển, bé yêu trong bụng bạn sẽ lấy canxi từ mẹ.
Điều này dẫn đến việc mẹ rất dễ bị thiếu canxi trầm trọng, dẫn đến sâu răng, răng trở nên yếu, dễ lung lay như muốn rụng. Về tình trạng chảy máu chân răng, nguyên nhân là do lợi bị phì đại, mạo mạch vỡ gây chảy máu.
Nếu bạn nghĩ: “Ồ, có ảnh hưởng gì đâu! Quan trọng là chuyện mang thai chứ chuyện răng cỏ yếu ớt một chút thì có hề hấn gì!” thì bạn nên suy nghĩ lại ngay nhé. Khi mang thai và răng bị đau, bạn sẽ không thể ăn uống được, khiến cả mẹ lẫn thai nhi đều bị ảnh hưởng, cực kì khổ sở, khó chịu với những cơn đau mà lại không được phép dùng đến thuốc giảm đau.
Thực tế, một điều may mắn cho bạn là những vấn đề răng miệng khi mang thai sẽ tự động biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên chuyện này không phải “từ trên trời rơi xuống” mà được thế. Nếu bạn không có bất kì sự chăm sóc nào, bỏ mặc răng miệng yếu đến đâu thì yếu thì sau khi sinh, chuyện hàm răng bị ảnh hưởng nặng nề tiếp tục chẳng có gì là khó hiểu.
Có nhiều việc phải làm để bảo vệ hàm răng chắc khỏe trong suốt thai kì. Bạn có thể tham khảo ở phần tiếp theo của bài này. Tuy nhiên, việc đầu tiên không thể bỏ qua là phải giữ vệ sinh răng miệng khi mang thai bằng việc chải răng, súc miệng đều đặn mỗi ngày.
Nhiều thai phụ khi thấy lợi viêm, chảy máu dẫn đến sợ đánh răng, khiến tình trạng viêm nhiễm càng trở nên nặng nề hơn. Bạn có thể chọn các loại bạn chải có lông thật mềm, hoặc cũng có thể dùng một miếng băng gạc, quấn quanh ngón tay, sau đó bôi kem lên và “đánh răng” bằng cách đặc biệt này.
Vì sao chuyện “răng cỏ” hay hành hạ bà bầu?
Bạn có biết vì sao chúng ta thường gặp các vấn đề răng miệng khi mang thai. Đây là lời giải:
- Thay đổi hormone trong cơ thể: Trong thời kì mang thai, lượng hormone estrogen và progesterone trong cơ thể bạn tăng nhanh làm gia tăng lưu lượng máu tới nướu, gây tình trạng viêm nướu do thai nghén. Tình trạng này thường khởi đầu ở tháng thứ 2, kéo dài cho đến tận tháng thứ 7, thứ 8.
- Thay đổi lượng Canxi trong cơ thể: Trong thời kì mang thai, nhu cầu canxi cho thai nhi rất cao, cơ thể bạn có thể không đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng thiếu canxi nói chung và ảnh hưởng răng miệng nói riêng. Men răng trở nên xốp hơn do vậy dễ bị sâu răng.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Một số bà bầu khi ốm nghén thường thích “măm” rất nhiều món chua hoặc món ngọt. Tất cả những chất này đều có thể gây hại cho men răng, dễ gây sâu răng. Bạn cũng cần lưu ý là mỗi khi ốm nghén bị nôn, cần súc miệng thật kỹ, nếu không chất axit còn lưu lại sẽ có thể làm răng mau chóng bị sâu tấn công.
Lời nhắc nhở từ chuyên gia
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, chuyên gia răng miệng nhắc nhở chị em tuân theo những khuyến cáo dưới đây trong chăm sóc răng miệng trước và trong khi mang thai:
Khám răng tiền mang thai
Đặc biệt, bạn lưu ý trong suốt giai đoạn mang thai và cho con bú sau khi sinh không tự ý dùng thuốc, nhất là tetracyclin, vì thuốc này sẽ làm cho răng con bạn sau này có màu nâu hoặc đen. Tốt hơn hết là từ khi bắt đầu có ý định mang thai, bạn đã phải đi khám răng, chữa hết mọi vấn đề về răng miệng. Bằng cách đó, bạn sẽ giảm thiểu được các vấn đề nảy sinh về răng miệng trong quá trình mang thai.
Cung cấp canxi
Để đảm bảo đủ canxi khi mang thai, mỗi ngày bạn cần “nạp” vào tối thiểu 1.500mg Canxi. Canxi được đưa vào cơ thể thông qua những món ăn như sữa, sữa chua, phô mai, tôm cua cá, xương hầm, một số loại rau củ quả.
Vệ sinh răng miệng
Như đã nói, giữ vệ sinh răng miệng, chải răng đều đặn mỗi ngày tối thiểu hai lần vào buổi sáng và tối là việc đầu tiên bạn phải làm. Sau các bữa ăn, cũng có thể đánh răng hoặc súc miệng bằng nước sạch, nước muối pha loãng. Ngoài ra, bạn nên hạn chế dùng tăm mà nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Về chế độ ăn uống, bạn nên hạn chế những thực phẩm chứa đường. Thay vào đó, nếu thèm ngọt, bạn nên ăn trái cây tươi, uống nước ép trái cây không đường (chỉ sử dụng lượng đường trái cây có sẵn trong quả), nhai một số loại chewing-gum có tác dụng chống sâu răng. Không nên ăn các loại thực phẩm quá nóng, quá lạnh vì răng lúc này rất yếu.
Hạn chế uống nước lạnh
Nếu bạn có thói quen uống nước đá thì hãy chịu khó quay về với nước sôi để nguội, nước suối đóng chai không ướp lạnh. Chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ quen thôi. Đừng quên rằng việc hạn chế nước đá, uống nước ở nhiệt độ bình thường không chỉ tốt cho răng miệng mà còn tốt cho sức khỏe của bạn nói chung.
Khám răng định kỳ
Ngoài ra, nên khám răng miệng định kì 6 tháng/lần và bất cứ khi nào bạn thấy đau, thấy chảy máu lợi hay những trục trặc khác. Nha sĩ phát hiện vấn đề càng sớm càng điều trị cho bạn dễ dàng hơn. Khoảng 90% phụ nữ mang thai bị các triệu chứng viêm lợi. Nếu bạn không giữ vệ sinh răng miệng tốt, bệnh có thể chuyển biến thành sâu răng và nha chu.
Hạn chế nhổ răng trong thai kì
Hạn chế tối đa phải nhổ răng trong thai kì, nhất là trước tháng thứ 4 và sau tháng thứ 7. Nếu nhổ răng vào những thời điểm này rất dễ dẫn đến tình trạng sảy thai hoặc sinh non.
Do đó, lại phải nhắc bạn thêm lần nữa là nếu có vấn đề về răng miệng như sâu răng từ trước khi mang thai thì bạn nhất thiết phải chữa khỏi hẳn trước khi bắt đầu bước vào chín tháng thai kì.
Chăm sóc răng miệng khi mang thai là một vấn đề quan trọng. Vì thế, mẹ bầu không nên chủ quan nhé. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn!