Mẹ&Con – Để có một thai kỳ khỏe mạnh, cơ thể của mẹ cần phải nhận đủ các chất dinh dưỡng. Trong thời kỳ nhạy cảm này, mẹ có biết đâu là những thực phẩm tốt cho bà bầu theo từng tuổi thai?

Trong thời gian mang bầu, mẹ sẽ cần những chế độ ăn uống và những loại thực phẩm khác nhau, nhằm cung cấp dinh dưỡng phù hợp đến thai nhi ở từng tuần tuổi. Chẳng hạn từ khi biết mình mang thai cho tới tuần thứ 4, thứ mẹ cần bổ sung nhất là Axit folic. Ở tuần kế tiếp, ốm nghén có dấu hiệu hoành hành nên bổ sung vitamin B6 sẽ giúp mẹ hạn chế được tình trạng khó chịu này…

Tương tự cho tới gần ngày sinh, mẹ sẽ cần bổ sung những thực phẩm khác nhau nhằm giúp cả mẹ và thai nhi trong bụng có được sức khỏe tốt nhất. Tham khảo bài viết về những thực phẩm tốt cho bà bầu theo từng tuổi thai dưới đây để hiểu rõ hơn, mẹ nhé!

Tuần 01 – Tuần 04

Axit folic (Vitamin M và Folacin) rất cần thiết cho dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể, vì nó phục vụ cho quá trình tạo mới các tế bào. Nhu cầu về chất này tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Trong 28 ngày đầu của thai kỳ sẽ diễn ra rất nhiều sự phân chia tế bào trong phôi thai và ống thần kinh của bé đang phát triển. Bổ sung axit folic trong giai đoạn này giúp trẻ  giảm nguy cơ nứt đốt sống, dị tật bẩm sinh, sinh nhẹ cân hoặc sảy thai.

Để cung cấp đủ hàm lượng axit folic cho mẹ và thai nhi được khỏe mạnh, các loại rau như rau chân vịt, rau cải xanh, các loại đậu và ngũ cốc, gan, thịt gà, thịt bò, bánh mì và một số loại hoa quả như cam, bưởi là những thực phẩm tốt cho bà bầu mẹ cần lưu ý

Tuần 05 – Tuần 12

Trong tháng thứ 2 của thai kỳ, mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy buồn nôn và ốm nghén hoặc chỉ thèm những loại thức ăn nhất định. Đừng lo lắng không nạp đủ chất để bé khỏe mạnh, đây là lúc mẹ chỉ thèm những món ăn mà em bé đang cần.

Ví dụ: Mẹ thèm thịt bò tức em bé trong bụng đang cần chất sắt, mẹ thèm đồ chua đồng nghĩa với việc em bé trong bụng cần vitamin C, mẹ thèm sữa nghĩa là em bé cần canxi….

Phần lớn mẹ bầu thường bị ốm nghén trong giai đoạn này của thai kỳ. Mẹ có thể làm giảm bớt ốm nghén bằng cách tăng cường kẽm và vitamin B6 có trong các loại đậu và rau họ đậu, thịt, cá như cá hồi, cá ngừ, cá bơn, cá tuyết…

Những thực phẩm tốt cho bà bầu theo từng tuổi thai 5

Mẹ có thể làm giảm bớt ốm nghén bằng cách tăng cường kẽm và vitamin B6. (Ảnh minh họa)

Tuần 13 – Tuần 16

Hai tuần đầu tiên mẹ đã tập trung vào việc bổ sung dưỡng chất phát triển các cơ quan, xương, mô và các tế bào. Ba tháng tiếp theo là khoảng thời gian em bé trong bụng phát triển nhanh chóng. Lúc này, mẹ bầu nên ăn thêm khoảng 300 calo mỗi ngày để tăng thêm chất dinh dưỡng cho thai nhi – tương đương với một quả táo, một mẩu bánh mì và một ly sữa. Bắt đầu từ đây, trung bình mẹ sẽ tăng khoảng 0.5kg/tuần.

Tuần 17 – Tuần 24

Từ tuần thứ 17 – 24, các giác quan của bé bắt đầu phát triển tốt. Thính giác của bé tuy đã phát triển từ tuần 16 nhưng cho đến tuần 24 thì cấu trúc tai mới hình thành hoàn chỉnh và vào cuối giai đoạn này, mắt bé bắt đầu hé mở.

Thực phẩm có chứa vitamin A đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị giác và thính giác. Vitamin A được chia thành 2 loại: Retinol (nguồn gốc từ động vật) và Provitamin Carotenoids (nguồn gốc từ thực vật). Mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A vào menu của mình như: Cà rốt, ớt chuông, rau bina, cải xanh, dưa đỏ, khoai lang, đu đủ, sữa nguyên kem và pho mát… Đây sẽ là những thực phẩm tốt cho bà bầu trong giai đoạn này.

Những thực phẩm tốt cho bà bầu theo từng tuổi thai 6

Đu đủ là loại trái cây với lượng vitamin A khá dồi dào. (Ảnh minh họa)

Tuần 25 – Tuần 28

Thai nhi phát triển rất nhanh ở tuần 25 – 28. Khi đó, lượng canxi của mẹ sẽ bị bé hấp thụ rất nhiều, nên cơ thể mẹ rất dễ bị thiếu canxi. Nếu mẹ không cung cấp đủ g canxi, em bé sinh ra rất dễ bị loãng xương, gù lưng, đau răng hoặc viêm lợi. Vì thế, trong chế độ ăn uống thời gian này mẹ cần thêm vào thực đơn các loại súp lơ xanh, đậu phụ, hành tây, cải chíp, chuối, sữa chua…

Bên cạnh việc bổ sung canxi, mẹ cũng cần lưu ý lượng sắt trong cơ thể mình. Phụ nữ mang thai thiếu sắt rất nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi, khiến thai nhi sinh trưởng chậm. Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm như:

Củ cải trắng, hồng tây, khoai tây, các loại đậu, đặc biệt là thịt nạc, thịt gia cầm… mẹ nên tích cực bổ sung vì đây cũng là những thực phẩm tốt cho bà bầu cần đặc biệt lưu tâm.

Tuần 29 – Tuần 34

Càng ngày, mẹ càng phải chuyển nhiều hơn các chất dinh dưỡng từ cơ thể mình cho bé. Điều quan trọng ở thời gian này, đó là mẹ phải duy trì chế độ dinh dưỡng cao, nếu không khi bé “hút” hết các chất dinh dưỡng trong cơ thể, mẹ sẽ cảm thấy bị kiệt sức. Ở tuần 29 – 34, các loại hạt, đậu, dầu cá, thịt nạc đỏ, các loại rau lá có màu xanh đậm và sữa chua lên men tự nhiên là những thứ mẹ cần bổ sung vào thực đơn của mình nhiều nhất.

Tuần 35 – Tuần 40

Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 cữ một ngày thay vì 3 bữa chính. Tiêu thụ thêm nhiều canxi để giữ hệ xương chắc khỏe, đồng thời chuẩn bị sản xuất sữa cho con bú sau này. Uống nhiều nước và tránh ăn đồ mặn đề phòng chứng phù nề khi mang thai, ăn thêm rau và trái cây để tránh táo bón, ăn cá hồi và một số loại hạt để bổ sung Omega-3 giúp bé phát triển trí não tốt… Tuyệt đối không ăn đồ sống hoặc nấu chưa chín kỹ, phô mai chưa tiệt trùng để tránh mắc bệnh, sinh non hoặc sẩy thai.

Vào cuối thai kỳ, bé sẽ nặng khoảng 3kg nhưng mẹ bầu có thể sẽ tăng từ 12 – 14kg (hoặc hơn thế nữa). Đừng lo lắng về cân nặng mẹ nhé, bởi hầu hết trọng lượng còn lại là chất lỏng, khối lương máu tăng và nhau thai. Còn lại là một ít chất béo dư thừa trong cơ thể mẹ, nhưng lúc này nó rất quan trọng vì sẽ giúp mẹ chuẩn bị cho quá trình bú sữa sắp tới của con.

Với những chia sẻ của Mẹ&Con ở trên, hy vọng sẽ mang tới cho mẹ nhiều kiến thức hơn về những thực phẩm tốt cho bà bầu theo từng tuổi thai. Chúc mẹ sớm mẹ tròn con vuông nhé!

Quỳnh Thư

Bài viết liên quan