Chao ôi, sao mà khó chịu thế này!
Rất nhiều phụ nữ sau khi lập gia đình luôn mộng mơ, ước ao đến ngày mình được cầm trên tay một que thử hai vạch. Bạn đọc những trang blog của bạn bè cùng tuổi đã có bầu và khao khát có được cảm giác như thế: Cảm giác được làm mẹ, được tự hào rằng mình đã có thai, được hớn hở khoe với mọi người và nhận mọi lời chúc tụng đầy yêu thương từ người thân, bè bạn.
Vâng, nhưng bạn ạ, bên cạnh sắc hồng lung linh của giấc mơ làm mẹ ấy, còn có hàng loạt… gian khổ mà bạn cần chuẩn bị tinh thần để vượt qua! Đừng chỉ ảo tưởng rằng chín tháng thai kỳ là điều gì đó thật thú vị, thật hạnh phúc. Thực tế cho thấy, những thai phụ càng mơ mộng và kỳ vọng quá nhiều vào chín tháng thai kỳ càng dễ bị trầm cảm và stress khi đối mặt với thực tế.
Chín tháng thai kỳ là khoảng thời gian khó khăn, mệt mỏi với bạn chứ không phải lúc nào cũng chỉ có nụ cười rạng rỡ hạnh phúc, tay xoa xoa cái bụng bầu và được ông xã vỗ về, nâng niu như… trong các mẩu quảng cáo sữa, quảng cáo sản phẩm cho bà bầu mà bạn hay xem đâu! Tam cá nguyệt thứ nhất chính là khoảng thời gian bạn rất dễ “vỡ mộng” nếu như không lường trước những khó khăn này. Hãy hình dung những điều rất cơ bản: Bạn sẽ không còn ngủ ngon giấc nữa mà liên tục phải thức dậy mỗi đêm mấy lần chỉ vì cảm giác buồn đi tiểu. Bạn bị đau răng, bị cảm cúm nhưng không được phép uống thuốc vì tất cả những loại thuốc đó có thể gây ảnh hưởng đến bé, thế là bạn phải… vật vã chịu đựng cơn đau. Bạn đang quen với việc mỗi ngày uống 1-2 tách cà phê để tỉnh táo làm việc thì giờ đây thói quen đó lập tức phải bỏ đi.
Còn nữa, bạn sẽ phải hạn chế sử dụng một số loại mỹ phẩm làm đẹp như thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay. Rồi thì những cơn buồn nôn cứ ập đến khiến bạn ăn món gì vào cũng nôn thốc nôn tháo hết ra. Bạn mệt mỏi, rã rời vì mất ngủ, vì bị cái thai “hành”. Thế nhưng bạn vẫn phải cố gắng đi làm vì không đi thì mất việc như chơi. Ôi chao, đã thế khi về đến nhà, bạn mệt lả người thì lại biết anh xã… đi nhậu chưa về!!! Biết làm sao được vì cánh đàn ông chưa dễ thích nghi nhanh với việc lên chức bố đâu, anh ấy vẫn còn giữ nguyên thói quen rong chơi với bạn bè như lúc còn độc thân. Bao nhiêu cảm giác stress, trầm cảm, ức chế, bực tức, giận dữ, tủi thân ập đến khiến bạn bắt đầu nước mắt ngắn nước mắt dài. Bạn nhận ra mang thai và làm mẹ không phải là chuyện ngập tràn hạnh phúc lung linh như bạn tưởng!
Đúng vậy đấy bạn ạ! Tuy nhiên, cũng xin trấn an bạn rằng bạn cũng đừng vì thế mà phát hoảng lên với việc mang thai. Chỉ cần đừng quá mộng mơ, biết được mọi khó khăn mình sẽ phải đối diện, bạn sẽ vượt qua được tam cá nguyệt thứ nhất một cách suôn sẻ và bình yên. Tin vui cho bạn là hầu hết những khó chịu về biến đổi cơ thể như đã kể ở trên sẽ biến mất trong quá trình phát triển của thai nhi. Khi cơ thể quen dần, bạn sẽ ăn uống ngon miệng trở lại, giấc ngủ cũng êm hơn. Những buổi khám thai không còn là nỗi ám ảnh vì phải chờ đợi, xếp hàng. Những cơn ốm nghén không còn hành hạ. Và bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc của tam cá nguyệt thứ nhất, ấy là khi cầm trên tay những xét nghiệm cho biết con rất khỏe, ấy là khi được nghe bác sĩ chia sẻ những thông tin về bé yêu của bạn trong những buổi siêu âm…
Thích nghi với bé yêu không khó!
Trong tam cá nguyệt thứ nhất, yếu tố đầu tiên bạn cần thích nghi là sự mệt mỏi. Ngay sau niềm vui nhìn thấy hai vạch chừng 1-2 tuần, cảm giác mệt mỏi đã bắt đầu hiện hữu, ngày một rõ rệt hơn. Đây là hiện tượng bình thường và là sự báo hiệu của cơ thể rằng bạn cần tăng cường nghỉ ngơi, giúp cơ thể đủ sức thích nghi với một mầm sống mới. Bạn có thể thích nghi với trạng thái này bằng cách học vài tư thế thư giãn yoga, ngồi yên tĩnh và hít thở thật chậm, thật sâu. Cố gắng ngủ 8 giờ mỗi đêm và tăng cường thêm giấc ngủ trưa chừng 1 tiếng. Nếu thấy quá mệt, bạn có thể xin nghỉ phép vài ngày để nằm ở nhà, chỉ nghe nhạc êm dịu, ngủ hoặc vận động thật nhẹ nhàng. Bạn cũng nên nằm ngủ nghiêng người về bên trái để làm giảm áp lực đè lên các mạch máu lớn cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho thai nhi.
Mẹ cần nhớ
Việc khám thai trong những tháng đầu thai kỳ đặc biệt quan trọng. Vì vậy, bạn không được phép tự ý thay đổi lịch khám, dời lịch khám, hoãn hoặc đi khám trễ hơn so với yêu cầu của bác sĩ. Hãy biết rằng bé yêu có khỏe mạnh hay không, có chào đời được mẹ tròn con vuông hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự khám thai đều đặn, đúng lịch trong tam cá nguyệt thứ nhất.
Trạng thái khó chịu thường gặp thứ hai là bạn sẽ thấy rất buồn nôn. Triệu chứng này xuất hiện ở hầu hết phụ nữ mang thai và sẽ hết sau tam cá nguyệt thứ nhất. Để khắc phục, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn thay vì chỉ ăn ngày 3 bữa chính như trước kia. Có thể ăn 6 bữa, thậm chí 8 bữa mỗi ngày. Mỗi bữa chỉ nên ăn ít, chọn những thức ăn ít gia vị, ít béo, ưu tiên cho món luộc, hấp hơn là món chiên xào.
Bạn nên tăng cường uống sữa để có đủ lượng canxi cho chính mình và cho bé yêu. Tuy nhiên, nếu ngán sữa hoặc cứ uống sữa vào thì cảm giác buồn nôn lại tăng lên, bạn có thể đổi sang sữa chua, hoặc uống từng chút sữa mỗi lần, nhâm nhi sữa với bánh quy cho đỡ bị mùi sữa làm khó chịu. Lưu ý rằng việc nôn quá nhiều rất nguy hiểm cho mẹ và thai nhi vì sẽ làm cơ thể mất nước. Do đó, nếu đã làm mọi cách mà tình trạng nôn không giảm bớt, bạn cần báo với bác sĩ để có những hướng hỗ trợ tích cực hơn.
Một nỗi khó chịu khác bạn sẽ gặp trong tam cá nguyệt thứ nhất là hiện tượng buồn đi tiểu và số lần vào ra toilet nhiều hơn hẳn trước kia. Nguyên nhân dễ hiểu là do tử cung đang phát triển đè lên bàng quang gây cảm giác kích thích, buồn tiểu liên tục. Hiện tượng này không có gì bất thường. Bạn chỉ cần học cách điều chỉnh: Uống nhiều nước vào ban ngày nhưng giảm bớt lượng nước khi đến tối. Nếu trong phòng ngủ của bạn không có toilet riêng thì có thể để tạm một chiếc bô có nắp đậy để tránh phải thức dậy, đi đi lại lại suốt đêm rất dễ mất giấc ngủ. Trong trường hợp đặc biệt, khi thấy đau rát, ra máu, bạn phải lập tức báo cho bác sĩ để kiểm tra vì thai phụ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu trong tam cá nguyệt thứ nhất.
Thay đổi thai nhi
Cuối tam cá nguyệt thứ nhất, thai nhi có chiều dài khoảng 7,6cm và nặng khoảng 14g. Hai mắt di chuyển lại gần nhau để vào vị trí của chúng và tai cũng ở đúng chỗ. Mặc dù bạn chưa cảm thấy thai nhi cử động nhưng thực chất bé đã biết cử động bên trong khi có người ấn vào bụng mẹ.
Bác sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt
(BV Đại học Y Dược)