Sai lầm khi chăm trẻ bị tiêu chảy
Mẹ nên cho bé ăn uống đầy đủ khi bị tiêu chảy. (Ảnh minh họa)
Không cho con ăn uống đầy đủ
Theo các nghiên cứu, khi trẻ bị tiêu chảy cơ thể vẫn có khả năng hấp thu đến 60% các loại thức ăn đưa vào theo đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn mắc sai lầm không cho con ăn uống thêm vì sợ con bị tiêu chảy nặng hơn. Mẹ nên nhớ rằng, khi bị tiêu chảy cơ thể trẻ rơi vào tình trạng mất nước. Nếu không bổ sung kịp thời, tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn, thậm chí là gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh
Nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy là do vi rút nên việc cho trẻ dùng thuốc kháng sinh là không cần thiết. Chẳng những thế, uống thuốc kháng sinh trong lúc trẻ bị tiêu chảy còn khiến trẻ mệt hơn. Tốt nhất là mẹ chỉ nên cho con dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Khi nào cần truyền dịch?
Đối với trường hợp trẻ bị mất nước nặng, bắt buộc phải truyền dịch để bù nước và chất điện giải. Chú ý, việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế, có bác sĩ thăm khám chỉ định và theo dõi để tránh các tai biến có thể gặp trong quá trình truyền dịch.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà
Trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhẹ, mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà. (Ảnh minh họa)
Đối với những trẻ bị tiêu chảy ở mức độ nhẹ, bố mẹ có thể chăm sóc và điều trị cho bé ngay tại nhà.
– Cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống oresol pha theo đúng chỉ định ghi trên sản phẩm. Cho trẻ uống từ từ từng muỗng một, uống tới lúc bé không còn khát.
– Cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú). Đồng thời cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu như cháo thịt nạc, thịt gà nấu cà rốt, khoai tây. Trường hợp trẻ dùng sữa hộp thì mẹ nên pha loãng so với thường ngày.
Cách nhận biết trẻ bị mất nước do tiêu chảy
Mất nước nhẹ
Trẻ khát nước và đòi uống. Với những trẻ còn quá nhỏ, chưa biết nói trẻ chỉ quấy khóc và khi được mẹ cho uống nước thì trẻ mới dừng khóc.
Mất nước vừa
Bên cạnh việc khát nước, trẻ còn có biểu hiện khô mắt, miệng khô. Ngoài ra, mắt của bé có thể trũng lại, khi ngủ mắt nhắm không kín, khi khóc không có nước mắt…
Mất nước nặng
Ngoài các triệu chứng trên, bạn sẽ thấy trẻ có triệu chứng như lừ đừ, ngủ li bì hoặc bị co giật.
Khi trẻ đi tiêu trên 3 lần trong một ngày, ra phân lỏng hoặc toàn nước thì khi đó được xem là trẻ đã bị tiêu chảy.