Hầu như đứa bé nào ở độ tuổi 3 – 5 tuổi đều trải qua cảm giác khó khăn khi diễn đạt bằng ngôn ngữ hay bộc lộ, biểu lộ cảm xúc, hành vi với người khác. Vì vậy, ở giai đoạn này, cha mẹ cần có sự quan tâm và hỗ trợ con cần thiết để bé đảm bảo cân bằng trong quá trình phát triển.
1. Rối loạn ngôn ngữ
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp để bé trao đổi ý nghĩa, tình cảm của mình với người khác. Vì vậy, việc rèn luyện ngôn ngữ cho trẻ từ 3 – 5 tuổi là điều hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển tâm lí ở trẻ. Quá trình giao tiếp của bé bao gồm: sự biểu đạt ngôn từ (sử dụng từ, đặt các loại câu) và sự tiếp nhận thông tin (hiểu được lời người khác nói và biết cách phản hồi đúng).
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp của trẻ (Ảnh minh họa).
Các vấn đề về rối loạn phát triển ngôn ngữ thường gặp ở trẻ:
Bé ít nói, thụ động hoặc tỏ ra khó khăn khi diễn đạt một vấn đề nào đó. Gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận và phản hồi thông tin, phản ứng chậm chạp, hoặc phản hồi sai đối với thông tin của người khác.
Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ?
Dành nhiều thời gian để trò chuyện, giao tiếp cùng bé. Đồng thời, bạn cần khuyến khích, tạo cơ hội cho bé sử dụng từ ngữ trong giao tiếp hàng ngày.
Thường xuyên cho bé tham gia chơi cùng các bạn khác. Hòa nhập với môi trường xung quanh và đến trường là cách để bé có cơ hội ngăn ngừa các rối loạn về ngôn ngữ.
2. Rối loạn các kỹ năng vận động
Bé ở độ tuổi này thường hiếu động, thích tìm tòi khám phá. Hay thực hiện các hoạt động tay chân liên hồi, nhanh nhẹn và thuần thục.
Các vấn đề về rối loạn phát triển kĩ năng vận động thường gặp ở trẻ:
Bé không mấy hứng thú, thậm chí tỏ ra thờ ơ với các trò vận động, không thể tự đi một mình hay không thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt cơ bản.
Khi trẻ tỏ ra không mấy hứng thú với các trò chơi vận động, có thể trẻ gặp vấn đề về rối loạn kĩ năng vận động (Ảnh minh họa).
Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ?
Dành thời gian chơi cùng và hướng dẫn để bé có thể hình thành và phát triển các kỹ năng vận động một cách tốt nhất. Khuyến khích, cổ vũ và kiên nhẫn với từng việc làm của bé.
3. Rối loạn cảm xúc
Bất chấp tuổi tác, tất cả chúng ta đều cần giải tỏa cảm xúc của mình. Quá trình phát triển cảm xúc của bé luôn song hành cùng quá trình phát triển thể chất. Cảm xúc là phản ứng của bé trước những yêu cầu hoặc mong đợi của cha mẹ. Trẻ nhỏ khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu thể hiện “những cảm xúc tự phát” kể cả những cảm xúc phức tạp như lòng tự hào, bối rối và xấu hổ, vui sướng hay yêu thương, quý mến…
Các vấn đề về rối loạn phát triển cảm xúc thường gặp ở trẻ:
Trẻ bị giới hạn trong cách thức thể hiện cảm xúc, đặc biệt với những cảm xúc phức tạp vì trẻ chưa thể diễn đạt bằng lời. Bé ngại hoặc tỏ ra không quan tâm khi bạn muốn bé chơi cùng các bé khác. Bé ít chia sẻ cảm xúc với cha mẹ. Bé tỏ ra sợ hãi và khóc không ngừng, nếu không thấy sự có mặt của cha mẹ bên cạnh. Bé cũng không chịu trò chuyện hoặc tỏ ra cáu gắt với người nào khác ngoài người thân trong nhà bé.
Khi trẻ có xu hướng bạo lực thì có thể trẻ gặp vấn đề về rối loạn cảm xúc (Ảnh minh họa).
Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ?
Gợi ý và khuyến khích để bé biết cách biểu lộ cảm xúc.
Cần thận trọng, quan sát và theo dõi sát quá trình phát triển và bộc lộ cảm xúc với trẻ để có sự điều chỉnh và can thiệp của chuyện gia khi cần thiết.