Khi bạn muốn thay đổi mái tóc của mình để tóc chắc khỏe hơn thì ủ tóc là một phương pháp mà bạn có thể lựa chọn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp tóc bị hư hại, khô xơ không như mong muốn do quy trình ủ tóc không được thực hiện đúng cách.
Hãy cùng tìm hiểu những lưu ý quan trọng khi ủ tóc dưới đây để có thể tự tin dưỡng tóc mà không cần lo lắng gì, bạn nhé!
Ủ tóc là gì?
Ủ tóc là phương pháp dùng mặt nạ ủ tóc lên tóc và để mặt nạ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, giúp các dưỡng chất trong mặt nạ ủ tóc thẩm thấu vào sâu bên trong tóc trước khi xả sạch.
Xem thêm: Chăm chỉ dưỡng tóc bằng trứng gà mái tóc dày khỏe không ngờ
Sản phẩm được sử dụng để ủ và dưỡng tóc thường chứa các thành phần như protein, dầu, vitamin và các chất dưỡng ẩm khác, giúp cung cấp dưỡng chất để phục hồi tóc hư tổn, giữ ẩm, làm mềm và làm mượt tóc.
Tác dụng của việc ủ tóc
Chăm chỉ ủ tóc có nhiều tác dụng cho mái tóc của bạn. Bạn sẽ nhận thấy mái tóc của mình được cải thiện đáng kể sau một thời gian ủ dưỡng:
- Cung cấp dưỡng chất: Mặt nạ ủ tóc thường chứa nhiều dưỡng chất giúp nuôi dưỡng tóc từ bên trong, làm tăng độ bóng mượt, giúp tóc khỏe mạnh hơn.
- Hồi phục tóc hư tổn: Nếu tóc của bạn bị hư hại do quá trình uốn, nhuộm, hoặc sử dụng nhiệt quá nhiều, việc ủ tóc có thể giúp tái cấu trúc tóc, làm giảm khả năng gãy rụng và phục hồi độ mềm mại cho mái tóc của bạn.
- Giữ ẩm: Mặt nạ ủ tóc cũng giúp cung cấp độ ẩm cho tóc, giúp ngăn ngừa tình trạng tóc khô xơ và chẻ ngọn.
- Tăng độ bóng mượt và mềm mại: Việc ủ tóc giúp loại bỏ các tạp chất trên bề mặt tóc, làm cho tóc trở nên mềm mại và bóng mượt hơn.
- Điều chỉnh cân bằng pH: Một số loại mặt nạ ủ tóc còn giúp điều chỉnh độ pH của tóc và da đầu, giúp da đầu khỏe mạnh, giảm nguy cơ gàu và tình trạng da đầu khô hoặc dầu quá mức.
- Giảm rụng tóc: Bằng việc cung cấp dưỡng chất cần thiết, ủ tóc cũng giúp giảm tình trạng rụng tóc.
Các công thức làm mặt nạ ủ tóc tự nhiên tại nhà
Có rất nhiều công thức làm mặt nạ ủ tóc khác nhau mà bạn có thể áp dụng. Trong đó, một số công thức nổi bật đã được nhiều người sử dụng và công nhận hiệu quả gồm có:
- Mặt nạ dầu dừa và mật ong: Trộn 2 thìa súp dầu dừa với 1 thìa súp mật ong, sau đó hâm nóng hỗn hợp trong lò vi sóng khoảng 10-20 giây. Ủ lên tóc từ 15-20 phút, sau đó xả sạch. Dầu dừa có khả năng dưỡng ẩm và làm mềm tóc. Mật ong có khả năng giữ ẩm hiệu quả.
- Mặt nạ trứng và dầu ô liu: Đánh bông 1 quả trứng và trộn với 2 thìa súp dầu ô-liu và cho lên tóc. Hỗn hợp này có thể giúp tăng cường độ ẩm và độ bóng của tóc. Đợi khoảng 20 phút thì xả sạch.
- Mặt nạ chuối và dầu jojoba: Chuối chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho tóc. Bạn có thể nghiền nát 1 quả chuối chín, sau đó trộn với 1 thìa súp dầu jojoba và thoa lên tóc. Ủ trong 15-20 phút rồi xả sạch tóc.
- Mặt nạ yogurt và dầu dừa: Trộn 2 thìa súp yogurt tự nhiên không đường với 1 thìa súp dầu dừa. Ủ lên tóc từ 15-20 phút, sau đó xả sạch. Yogurt có chứa lactic acid giúp loại bỏ tế bào chết và dầu dừa giúp dưỡng ẩm cho tóc.
Những lưu ý khi ủ tóc mà bạn cần biết
Phương pháp ủ tóc có thể mang đến hiệu quả cao nếu bạn biết thực hiện đúng cách. Dưới đây sẽ là một số lưu ý khi ủ tóc mà bạn cần nắm:
Chọn sản phẩm phù hợp
Không phải tất cả các loại mặt nạ ủ tóc đều phù hợp với mọi loại tóc. Chọn sai sản phẩm có thể làm cho quá trình dưỡng tóc của bạn “công cốc”.
Do đó, bạn cần xác định xem đặc điểm tóc của mình là loại tóc gì (tóc dầu, tóc khô, tóc hư tổn, tóc nhuộm,…) cũng như tình trạng tóc hiện tại cần được chăm sóc như thế nào (cung cấp ẩm, phục hồi tóc hư tổn, giúp tóc chắc khỏe hơn,…) để có thể chọn được sản phẩm phù hợp nhất.
Thời gian ủ
Có phải ủ tóc càng lâu thì càng tốt? Đây chính là một sai lầm nghiêm trọng mà nhiều người mắc phải khi dưỡng tóc. Thông thường, bạn chỉ nên để mặt nạ ủ tóc từ 15 đến 30 phút. Nếu để quá lâu, tóc có thể bị “bội thực” dưỡng chất, từ đó trở nên yếu và dễ gãy hơn.
Cách thức ủ
Ủ tóc như thế nào là đúng cách? Theo đó, bạn cần lưu ý, khi ủ tóc, hãy tránh thoa mặt nạ trực tiếp lên da đầu. Điều này có thể làm cho da đầu bị bết rít và dẫn đến tình trạng da đầu dầu quá mức.
Xả sạch sau khi ủ
Sau khi ủ, hãy chắc chắn rằng bạn đã xả sạch hết mặt nạ ra khỏi tóc. Bất kỳ dư lượng sản phẩm nào còn lại cũng có thể làm tóc bạn nhiều dầu hơn, mất đi độ bóng mượt và thậm chí còn có thể dẫn đến rụng tóc.
Kkhông dùng quá thường xuyên
Với những công dụng tuyệt vời mà việc ủ dưỡng tóc mang lại, nhiều người đã chọn cách dùng mặt nạ ủ cho tóc mỗi ngày, hay thậm chí là 4-5 lần/tuần. Tuy nhiên, việc nay là hoàn toàn không cần thiết.
Xem thêm: Cách dưỡng tóc sau khi nhuộm giúp tóc bền màu, mềm mượt
Đối với hầu hết các loại tóc, việc ủ tóc 1-2 lần mỗi tuần là đủ. Ủ tóc quá thường xuyên có thể làm cho tóc trở nên yếu và mỏng manh hơn.
Kiểm tra phản ứng của da đầu
Trước khi sử dụng một loại mặt nạ ủ tóc mới, hãy thử nghiệm sản phẩm trên một phần nhỏ da (như sau tai) để đảm bảo rằng bạn không bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong sản phẩm. Việc dị ứng với mặt nạ ủ có thể khiến bạn cảm thấy da đầu ngứa ngáy, nhiều gàu hơn, nổi mụn, rụng tóc,…
Việc ủ tóc chỉ là một phần của quá trình chăm sóc tóc toàn diện. Để có mái tóc khỏe mạnh và đẹp, bạn cũng cần chú trọng đến việc sử dụng sản phẩm gội và xả phù hợp, chế độ ăn uống lành mạnh và việc tránh tác động nhiệt và hóa chất độc hại. Chúc bạn có mái tóc óng mượt, chắc khỏe. Và đừng quên theo dõi Tạp chí Mẹ và Con để đón đọc các thông tin bổ ích bạn nhé!