Mẹ&Con - Mùa xuân Ất Mùi đang đến. Ở thời điểm đón Tết và những ngày đầu tiên của năm, nếu biết vận dụng phong thủy đúng cách, sẽ giúp cho gia đình bạn có một khởi đầu thật tốt đẹp, êm ấm và nhiều may mắn trong năm mới. Dự đoán xu hướng phong thủy năm Ất Mùi 2015 Không nên đặt gì trên bàn thờ ngày Tết? Tết 2015: Loại cây cảnh nào ‘lên ngôi’?

Thuyết Tam tài của Phương Đông chỉ ra rằng, vận mệnh con người bị chi phối bởi 3 yếu tố: Thiên, địa và nhân. Ở thời điểm đón năm mới, mỗi gia đình hoàn toàn có thể vận dụng thuyết này để thay đổi cuộc sống, khiến cho cuộc sống mình tốt đẹp, mỹ mãn hơn trong năm mới.

Dọn nhà, đuổi cũ đón mới

Dọn nhà trước Tết là điều rất đỗi quen thuộc mà gia đình nào cũng làm. Lý do dễ thấy nhất là để có một căn nhà sạch sẽ, tươi tắn mà ăn Tết. Nhưng sâu xa hơn, việc dọn nhà còn mang ý nghĩa xua đuổi những khí tồn đọng, những điều cũ kĩ và không vui trong năm cũ, để hoàn toàn tinh tươm tươi mới đón một năm mới đến.

Nhiều gia đình, khi màu sơn nhà cũ đi thì mua sơn về sơn nhà mới, đó cũng là một cách xua cũ đón mới rất hay. Ngoài ra, để tiễn năm cũ đi, còn nên mua trầm hương, bồ kết về xông nhà, trục hết mọi buồn phiền không may của năm cũ ra khỏi nhà, cho căn nhà thanh sạch.

nhung-loi-khuyen-phong-thuy-cho-nam-moi

Việc dọn nhà phải có đầy đủ các thành viên gia đình chung tay vào

Điều quan trọng nhất của việc dọn dẹp sửa sang nhà đón Tết không phải là dọn những gì, mà là dọn như thế nào. Tốt nhất, việc dọn nhà phải có đầy đủ các thành viên gia đình chung tay vào. Cha mẹ làm việc lớn, các con làm việc nhỏ, cùng góp tay góp sức mà làm, thì khi ấy, năng lượng mới dồi dào, niềm vui đầm ấm sum vầy mới được thắp lên trong ngôi nhà. Đó là yếu tố tâm lý, cũng là yếu tố phong thủy của việc dọn nhà cửa đón năm mới đến.

Bày biện bàn thờ

Truyền thống của người phương Đông nói riêng và người Việt nói chung, ngày Tết, trong nhà phải chưng bày hoa quả bàn thờ, đó là yếu tố “Thiên”, tức gửi ước vọng của mình đến trời đất, đến ông bà tổ tiên. Con chim có tổ, con người có tông, việc dọn dẹp bàn thờ, đánh bóng lư đồng chính là hành động hay để “mời” ông bà về ăn Tết cùng mình. Đây cũng là hành động mà khi làm, cha mẹ cũng đồng thời nhắc nhở con nhớ đến nguồn cội, nhờ ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra con mới có con ngày hôm nay.

Còn về trưng bày hoa quả trên bàn thờ, truyền thống người Việt thường bày mâm ngũ quả. Với người phương Nam, ngũ quả thường giản dị, bao gồm những trái cây mang tính tượng thanh về điều ước may mắn tốt đẹp cho năm mới: Cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài), sung (trái sung)/ Cầu, may (trái mây), vừa, đủ, xài…

Người phương Bắc chuộng những loại quả tượng hình chưng trên bàn thờ ông bà như nải chuối, quả Phật thủ, tượng trưng cho bàn tay nâng đỡ, giúp sức cho một năm tốt đẹp.

Dù là phương Bắc hay phương Nam thì việc dọn dẹp bàn thờ, đánh bóng lư đồng, bày biện hoa quả đều không thể thiếu trong ngày Tết, là gửi những mong muốn tốt đẹp cho trời đất, tưởng nhớ nguồn cội, tổ tiên.

nhung-loi-khuyen-phong-thuy-cho-nam-moi

Đổi mới tâm lý

Đây là yếu tố “Nhân” rất rõ: Đổi mới tự trong bản thân mình để năm mới đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Dù cho cuối năm là lúc tất bật trong công việc, là lúc nhiều gánh lo toan dồn xuống, nhưng mỗi người cha, người mẹ trong gia đình đừng nên để những điều ấy ảnh hưởng đến người nhà của mình. Cũng có thể, năm cũ của bạn là một năm thất bại, nhiều đau khổ, bất trắc. Nhưng hãy nghĩ rằng, với năm mới đến, mọi chuyện cũ sẽ trôi qua, may mắn sẽ đến.

Hãy thử tưởng tượng, gia đình bạn đang cùng trên một chuyến thuyền, và chiếc thuyền đang chạy đến địa điểm năm mới. Tại sao phải cứ ngoái lại nhìn về phía sau? Phía sau tượng trưng cho quá khứ, quá khứ đã qua rồi, đừng bận tâm đến nữa. Cũng đừng lo lắng cho con đường phía trước. Phía trước tượng trưng cho tương lai, mà tương lai thì chưa tới.Điều tốt nhất chúng ta cần làm là trân trọng và tận hưởng những giây phút đẹp đẽ của mùa xuân, bên gia đình thân yêu của mình.

Trong những ngày đón Tết, hãy gác gánh nặng và trăn trở qua một bên, cùng xắn tay vào dọn đẹp nhà cửa, cùng con đi mua lọ sơn sơn nhà, cùng chồng cùng vợ trang trí nhà cửa cho có không khí mùa xuân… Làm những điều ấy, tự trong lòng mình sẽ thấy tỏa ra mùa xuân.

Nói lời yêu thương, miệng luôn mỉm cười

Ngày đầu năm mới, tại sao ông bà ta thường kiêng những lời nói tục bậy, lời nói mang tính đe dọa, không may, xui xẻo…? Về cả khía cạnh tâm lý lẫn tâm linh, những kiêng cử này là hoàn toàn chính xác. Năm mới, thì trong cả tâm lý, hành động, lời nói phải hướng đến những gì tốt đẹp, vui vẻ, dễ chịu nhất. Đó chính là cái mà nhà Phật thường hay khuyên: “Nói lời ái ngữ”, những lời đầy thương yêu, chan chứa tình cảm và vui tươi.

Và một điều mà mỗi người phải luôn tâm niệm thực hiện những ngày đầu năm, chính là luôn nở nụ cười. Thật tuyệt biết bao nếu ngay từ đầu năm mới mà nơi nơi đã tràn ngập tiếng cười, vợ cười, chồng cười, con cười, cả nhà mình cùng cười. Chỉ cần bấy nhiêu thôi là đủ hứa hẹn một năm đầm ấm, vui vầy rồi.

Nguyên tắc phong thủy trong chưng cây cảnh Tết

Ngày Tết, nhà ai cũng phải có một vài cây cảnh, hoa để chưng trong nhà. Nói theo tâm lý, thì hoa thơm, cây xanh tươi tốt đem đến cho người ta sự vui mắt, sảng khoái, dễ chịu. Nhất là vào mùa xuân thì hoa cây trái càng bung hết vẻ đẹp rực rỡ của mình. Còn ở khía cạnh phong thủy, mùa xuân thuộc hành mộc, chưng cây cảnh trong nhà là cực kì hợp lý. Vậy nói theo khía cạnh nào thì cũng nên chưng cây, hoa lá trong nhà dịp đầu năm. Điều quan trọng là chưng loại cây gì, bố trí thế nào.

Điều đầu tiên bạn cần lưu ý khi chưng cây, hoa trong nhà dịp Tết, đó là đừng nên chưng cây khô. Thứ nhất, theo truyền thống người Việt, cây khô, thiếu sinh khí là vật không nên để trong nhà, nhất là dịp mùa xuân. Theo phong thủy, cây khô không tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi nảy nở. Ngoài ra, cũng không nên chưng cây xương rồng, vì xương rồng tượng trưng cho sự gai góc, không thuận lợi.

nhung-loi-khuyen-phong-thuy-cho-nam-moi

Tốt nhất là chưng các loại cây tươi tốt, lá xanh mướt, còn hoa thì nên chưng hoa một là rực rỡ, nhiều sắc màu, hai là tỏa hương thơm. Nhiều người vẫn kiêng cây này, hoa nọ, nhưng thực ra chẳng cần kiêng cử quá nhiều, chỉ cần tránh hai loại cây như trên và chọn cây, hoa theo tiêu chí vừa nói đến là được.

Về vị trí chưng cây, hoa trong nhà, thì tốt nhất là chưng trước nhà. Về tâm lý, nó khiến cho cả gia chủ và khách đều được thưởng thức hết vẻ đẹp của cây, hoa ngay khi bước chân vào nhà, tạo ngay cảm giác vui vẻ, tươi mới. Về phong thủy, đó cũng là hướng tốt nhất để chưng hoa, đón may mắn năm mới đến.

Ngoài ra, tùy vào bài trí của ngôi nhà để sắp xếp chỗ đặt hoa hợp lý. Lời khuyên của chuyên gia phong thủy là bạn nên đặt cây ở cung tham lang của ngôi nhà. Còn cách đo cung tham lang thế nào, mời bạn xem phần minh họa ngay trong bài viết. Một số hướng khác cũng nên chọn là hướng Đông và Đông Nam, tính từ tâm nhà.

Nói tóm lại, phong thủy cổ điển không khuyên bạn kiêng cữ, sợ hãi nhiều thứ trong năm mới. Lời khuyên là hãy cùng gia đình mình dọn nhà đón năm mới, cùng sắp xếp bày biện bàn thờ, dạy con cháu hướng đến Tổ tiên ông bà, rồi mỉm cười và nói lời tốt đẹp, thương yêu dành cho nhau… Trong sắp xếp ngôi nhà, ngoài một số điều không nên, còn lại là thuận theo lòng mình, trang trí, trưng bày những gì làm mình thấy vui vẻ, thoải mái nhất.

Chúc bạn một năm mới vui vẻ, tốt đẹp và tràn ngập yêu thương.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hữu Hồng Kỳ

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hữu Hồng Kỳ

Sở hữu bằng Master về Phong thủy tại học viện Mastery Academy Malaysia, chuyên gia phong thủy Nguyễn Hữu Hồng Kỳ là một trong không nhiều những nhà tư vấn phong thủy được đào tạo bài bản của Việt Nam. Hiện chuyên gia Nguyễn Hữu Hồng Kỳ đang giảng dạyvề các triết lý phương đông và bộ môn phong thủy học tại nhiều trung tâm và trường Cao đẳng, Đại học tại TP.HCM.

Tags:

Bài viết liên quan