1. Nhiễm giun sán:
Hầu như bất cứ con vật nuôi nào như chó, mèo, chim cảnh, chuột hamster… cũng có trong người một số loài giun sán sống ký sinh. Các loại giun sán này dễ dàng lây nhiễm sang cho bé yêu của bạn trong quá trình bé chơi, cho thú ăn, ôm ấp, nựng nịu, hôn, thậm chí là ngủ cùng với thú nuôi trên giường.
Giun sán từ vật nuôi lây sang người có thể bị chết, nhưng cũng có thể sẽ sinh sôi nảy nở, di chuyển khắp cơ thể gây nên các bệnh nguy hiểm. Trẻ nhiễm giun sán sẽ có thể bị các dấu hiệu mẩn ngứa khắp người, khiến nội tạng bên trong bị ảnh hưởng. Một số trường hợp, trẻ phải điều trị rất lâu dài khi bị giun sán của vật nuôi vào trong người.
>> Bạn nên yêu cầu trẻ:
– Không được ôm ấp, hôn vật nuôi. Không được ăn uống khi có vật nuôi nằm ngay bên cạnh, không ngủ chung với vật nuôi.
– Sau mỗi lần vui đùa, vuốt ve vật nuôi xong phải rửa tay thật sạch rồi mới được cầm nắm thức ăn hay đưa tay lên mũi, miệng.
2. Mắc bệnh dại:
Một con số rất dễ sợ là 15-30% chú cún trông khỏe mạnh là thế nhưng có mang mầm bệnh dại trong người, có nguy cơ biến thành chó dại. Vì vậy, bạn cần thiết phải đưa vật nuôi đến bác sĩ thú y thường xuyên để biết chắc rằng vật nuôi không gây ảnh hưởng cho con mình.
Trong trường hợp trẻ bị vật nuôi cắn, cần lập tức cho trẻ đi chích ngừa. Không nên ỷ y rằng vật nuôi trong nhà chứ không phải là vật lạ ngoài đường, mình biết rõ mấy con vật nuôi đó khỏe mạnh… Chính suy nghĩ chủ quan này đã khiến nhiều đứa trẻ lãnh hậu quả, không cứu chữa kịp nữa khi bệnh phát.
>> Bạn nên yêu cầu trẻ:
– Không chọc phá, đùa nghịch quá mức với vật nuôi, nhất là chó vì trẻ có thể bị tấn công ngược trở lại.
– Trong trường hợp bị vật nuôi cắn, trẻ không được giấu ba mẹ mà phải báo ngay để ba mẹ biết. Hãy nói rõ với con những nguy cơ về sức khỏe có thể đến với trẻ, vì đã có những trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không dám nói, sợ nói ra ba mẹ sẽ không cho nuôi chú chó đó nữa.
3. Các bệnh về đường hô hấp:
Nước miếng, lông, phân… của một số loại vật nuôi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của trẻ. Trẻ dễ mắc các bệnh ho, viêm phổi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, hắt hơi liên tục… sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
Nhiều gia đình cho phép trẻ mang cả chó, mèo vào phòng ngủ. Chó mèo có thể nhảy lên giường, để bám lông vào tóc tai, quần áo, dra giường của trẻ. Tất cả những điều này đều có thể gây nên những chứng bệnh về đường hô hấp.
>> Bạn nên yêu cầu trẻ:
– Có không gian riêng cho vật nuôi. Ví dụ mèo chỉ ở dưới bếp, chó chỉ nuôi ngoài vườn. Trẻ có thể chơi đùa với vật nuôi nhưng chỉ trong một số không gian nhất định. Không được đưa vật nuôi vào phòng ngủ, phòng học.
– Nên vệ sinh cho vật nuôi và chuồng, lồng của vật nuôi sạch sẽ.
– Khi trẻ có dấu hiệu mắc các bệnh về đường hô hấp thường xuyên, phải kết thúc việc nuôi vật nuôi trong nhà để tránh trẻ bị dị ứng, nhiễm bệnh nặng hơn.
4. Bị cắn, cào xước:
Khi cho trẻ nuôi vật nuôi, bạn cần lường trước chuyện trẻ có thể bị cắn, cào xước bất cứ lúc nào. Vết thương trên da có thể chỉ chảy máu chút xíu rồi thôi, song cũng có thể gây nên sự nhiễm trùng, viêm, sưng mủ…
Bạn cần biết rõ những biện pháp sơ cứu khi trẻ bị vật nuôi cào, cắn như thế. Nhớ theo dõi sát sao sức khỏe của con vì một số trẻ sau khi bị vật nuôi cắn, cào có thể bị sốt, viêm nhiễm nặng, ớn lạnh kéo dài…
>> Bạn nên yêu cầu trẻ:
– Chơi đùa nhẹ nhàng với vật nuôi. Không chọc phá, không chơi với vật nuôi trong một số thời điểm đặc biệt như con vật mẹ đang nuôi con, vật nuôi đang ăn, đang ngủ…
– Nếu bị vật nuôi cắn, cào… trẻ cần báo ngay cho ba mẹ biết để xử trí kịp thời, sát trùng vết thương cẩn thận.
Hỏi nhanh bác sĩ: SƠ CỨU KHI BỊ VẬT NUÔI CẮN
Q: Nếu trẻ chơi với vật nuôi và bị cào, cắn gây chảy máu, nên sơ cứu cho trẻ như thể nào?
A: Nếu đó chỉ là một vết thương nhỏ, xước sơ ngoài da không gây chảy máu nhiều, bạn nên cho trẻ rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước. Sau đó, băng lại bằng băng cá nhân hoặc gạc sạch để tránh bị nhiễm khuẩn.
Nếu vết thương sâu, da bị rách và chảy máu, hãy rửa sơ vết thương bằng nước sạch, dùng một miếng vải sạch buột chặt vết thương và nhanh chóng đưa trẻ đến trạm y tế hay bác sĩ gần nhất.
Sau khi trẻ bị vật nuôi cào, cắn, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ các chuyển biến trên vết thương. Nếu có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng, chảy máu ngày càng nhiều phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay.
Điều đó đã xảy ra…
* Bé trai N.T.H (ở Hà Nội) từng bị con chó nhà cắn nát tay trái vào đến tận xương và phải tháo bỏ cánh tay. Nguyên nhân chính là từ sự chủ quan của người lớn khi thả cho con chó béc-giê vốn đầy vẻ “hiền lành” đi lại trong nhà. Chỉ đến khi nghe tiếng khóc thét lên của bé, người lớn lao vào phòng mới chứng kiến được cảnh tượng kinh hoàng đó.
* Cái chết thương tâm của cháu L.V.X (7 tuổi) cũng khiến nhiều người đau lòng. Trong một lần cho chó ăn, cháu X. bị cắn rồi chó giật tung xích chạy mất. Chủ quan, cháu đã giấu không nói với người lớn. Sau đó, cháu lên cơn dại và tử vong!