Mẹ&Con - Nguy cơ biến chứng mắt chiếm tỷ lệ 75 - 85% trong số các biến chứng do bệnh lý xoang mặt gây nên. Số trẻ em bị viêm mắt là 40%, viêm thị thần kinh sau nhãn cầu là 60%

Theo khảo sát tại một vài bệnh viện Nhi trong thành phố, tỷ lệ viêm xoang cấp ở trẻ em chiếm đến… 6,6%. Điều đó đồng nghĩa cứ 100 bé thì đến gần 7 bé bị viêm xoang. Viêm xoang lại rất dễ gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Thực tế, ngay từ khi trẻ 1-2 tháng tuổi đã có thể bị viêm xoang do nhiễm khuẩn ối, viêm mũi kéo dài… Thế nên bạn đừng nghĩ con mình mới bé tí thì có gì đâu phải lo đến chuyện viêm xoang!

Mẹ biết gì về viêm xoang?

Xoang là khoảng không gian ẩm trong xương mặt xung quanh mũi. Khi xoang nhiễm trùng thì gọi là viêm xoang. Viêm xoang gọi cụ thể là tình trạng viêm niêm mạc các xoang cạnh mũi, được coi như một biến chứng của viêm đường hô hấp trên. Viêm xoang tạm chia thành hai loại: viêm xoang cấp và viêm xoang mãn (căn cứ dựa trên yếu tố thời gian của bệnh). Viêm xoang cấp xảy ra khi có đợt khởi phát cấp tính của tình trạng nhiễm trùng với các triệu chứng kéo dài dưới 3 tuần, dưới 4 đợt trong năm. Trong khi đó, viêm xoang mạn là một tình trạng viêm nhiễm tại xoang kéo dài trên 3 tháng, không đáp ứng với điều trị nội khoa, hoặc tình trạng viêm nhiễm tái phát trên 6 lần trong năm kèm theo có bất thường trên X-quang.

viêm xoang trẻ em

Triệu chứng của viêm xoang

Các triệu chứng của viêm xoang rất dễ nhận ra:

Khi viêm xoang cấp, bé sẽ sốt trên 39 độ C, thở hôi, bé ho nhiều về ban đêm, sổ mũi, mũi có mủ vàng hay xanh, bé nhức đầu, đau vùng mặt, sau ổ mắt, đau răng, đau họng, có thể kèm theo viêm tai giữa cấp.

Ở viêm xoang mạn, triệu chứng của bé có thể là thỉnh thoảng sốt hâm hấp (không cao), bé hay bị đau họng tái phát, nói khan tiếng, hay ho, nghẹt mũi, nước mũi chảy xuống họng, sưng vùng mặt, chảy máu cam, nhức đầu, ù tai, viêm tai giữa… 

viêm xoang ở trẻ em

Ảnh minh họa

Quan niệm sai lầm của về viêm xoang ở trẻ em

Bạn sẽ đặt câu hỏi, con bạn nhỏ xíu thì sao lại viêm xoang được nhỉ? Bạn tưởng viêm xoang là bệnh của người lớn chứ! Thực tế, khí hậu nước ta vốn nóng ẩm, sự ô nhiễm không khí ngoài đường phố hiện nay (nhất là các thành phố lớn như TP.HCM) lại cao đến mức đáng báo động đỏ. Vì vậy, độ tuổi của trẻ bị viêm xoang đang ngày càng… giảm xuống. 

Đáng ngại nhất là nhiều mẹ cứ thấy con sổ mũi kéo dài thì nghĩ đây là bệnh… trẻ nào chẳng gặp, tự ý mua thuốc cảm, sổ mũi cho con uống chứ không khám, điều trị đến nơi đến chốn. Chính vì thế, nhiều trẻ đưa vào bệnh viện thì viêm xoang đã thành nặng, quá trình điều trị tốn công sức rất nhiều. Mẹ cần lưu ý, viêm xoang rất dễ mắc và một khi đã mắc rồi thì dễ gây biến chứng chứ không phải là bệnh có thể “thờ ơ”.

viêm xoang ở trẻ em

Ảnh minh họa

Điều trị thế nào? 

Viêm xoang nếu không được điều trị sớm và điều trị đến nơi đến chốn có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó biến chứng đáng sợ nhất là làm giảm thị lực mắt. Nhiều bé còn đang trong độ tuổi mẫu giáo, nhưng khi được đưa vào bệnh viện, mắt đã sưng tấy, lồi ra. Bác sĩ kiểm tra mới biết là viêm xoang có biến chứng. Một vài trường hợp đáng tiếc, cha mẹ đưa đến khi đã muộn, bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng thị lực của trẻ cũng bị giảm xuống rất nhiều. Bạn cần biết rằng biến chứng mắt do viêm xoang có thể khiến mắt bị phù nề, nhãn cầu bị hạn chế vận động, đồng tử giãn, giảm cảm giác giác mạc, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến mù hai mắt. 

viêm xoang trẻ em

Ảnh minh họa

Về điều trị, bác sĩ sẽ phải dựa trên đánh giá lâm sàng, bệnh sử, phim X-quang, để có hướng phù hợp nhất với bé, đặc biệt trong trường hợp bé còn quá nhỏ. Trong trường hợp viêm xoang mạn, có thể cần làm thêm CT-scan để đánh giá tình trạng các lỗ thông xoang, các bất thường về giải phẫu học vùng mũi xoang để từ đó có những biện pháp điều trị thích hợp.

Đến 80% trường hợp viêm xoang cấp ở trẻ em được điều trị nội khoa là chính. Các phương pháp điều trị nội khoa bao gồm: Cho bé uống kháng sinh, hút mũi, rửa mũi, tránh tình trạng ứ đọng trong mũi để giúp mũi thông thoáng, chống sung huyết mũi, làm lỏng dịch tiết giúp bé dễ chịu hơn, điều trị bệnh nền như dị ứng, suy giảm miễn dịch, trào ngược dạ dày thực quản…

Với viêm xoang mạn (xuất hiện ở trẻ có độ tuổi lớn hơn), có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật hỗ trợ cho điều trị nội khoa như: Nạo VA, chọc rửa xoang, nạo sàng, mở xoang bướm, mở sàng hàm cắt polyp mũi… tùy trường hợp. 

Nguy cơ biến chứng mắt chiếm tỷ lệ 75 – 85% trong số các biến chứng do bệnh lý xoang mặt gây nên. Số trẻ em bị viêm mắt là 40%, viêm thị thần kinh sau nhãn cầu là 60%. Vì vậy, cha mẹ không được phép chủ quan, lơ là khi thấy con bị cảm kéo dài, đau đầu, ngạt mũi, nhất là khi có kèm theo các triệu chứng mắt bị thâm quầng, sưng, nhìn kém…

Tags:

Bài viết liên quan