Mẹ&Con - Hè đến rồi. Thật tuyệt biết bao khi có thể nhân cơ hội này dạy cho con một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng: Dạy bé học bơi! Học bơi, bé vừa có thể phát triển chiều cao, rèn luyện thể lực, vừa có khả năng tránh được những tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, bạn cần quan tâm đến khá nhiều vấn đề trước khi cho bé… xuống hồ đấy nhé! Trẻ quá nhỏ học bơi tiềm ẩn nhiều rủi ro Cách phòng tránh các bệnh thường gặp ở hồ bơi Trang bị kiến thức an toàn cho trẻ

TRƯỚC KHI CHO BÉ… XUỐNG HỒ!

Mẹ ghi nhớ…

Không nên ép trẻ học bơi khi chúng cảm thấy không thoải mái, hoảng sợ.

Bạn nên cho con xuống nước cùng với mình ở trong cạn, với áo phao lúc ban đầu. Không nên vội vàng đưa con ra chỗ sâu đến mức bé không chạm chân tới đáy.

Trẻ cần có được những trải nghiệm tích cực, biết thở dưới nước, làm quen với nước trước khi chính thức học bơi.

Trẻ chỉ được cho phép xuống nước khi có sự giám sát của người lớn.

Tuyệt đối không cho phép trẻ tự ý nghịch nước (dù ở những nơi nước cạn) mà không có sự giám sát của người lớn.

Khi cho trẻ học bơi ở hồ và muốn ra sâu, cần có người lớn biết bơi và có khả năng cứu hộ bơi kèm.

Tránh trường hợp cha mẹ chủ quan là mình có thể bơi giỏi (không ước lượng chính xác khả năng của mình) để tự ý đưa con ra ngoài sâu, vì trong trường hợp trẻ gặp tai nạn, cha mẹ không chắc đủ sức cứu khi không biết khả năng cứu hộ.

Chỉ cho trẻ tự bơi ra ngoài sâu (có người giám hộ ở trên bờ) trong điều kiện trẻ có khả năng tự nổi ít nhất 5 phút, bơi được tối thiểu 25m liên tục.

Nhắc trẻ không được phép nhảy cắm đầu ở những nơi không có bảng chỉ dẫn.

Không bơi khi trời đã tối. Không bơi khi trời có sấm chớp, chuyển mưa hoặc đang mưa.

Yêu cầu trẻ luôn nhớ khởi động tối thiểu 10 phút trước khi xuống hồ. Các động tác giúp khớp, cơ mềm dẻo, tránh bị chuột rút. Ngoài ra, trẻ nên tắm tráng qua trước khi xuống nước. Việc làm này giúp cơ thể không bị lạnh đột ngột với môi trường nước.

Không bơi khi mới ăn no.

Không cho trẻ dùng các phao dạng bánh xe tròn bơm hơi. Nếu trẻ chưa bơi giỏi và muốn sử dụng phao thì chỉ cho trẻ mặc áo phao, đeo phao ở tay, chân.

Bạn phải chắc chắn trẻ có khả năng đứng nước cũng như biết cách xử trí tình huống khi bị vọp bẻ (chuột rút). Ví dụ như bình tĩnh làm nổi người, vẫy tay kêu cứu…

Nên cho trẻ học bơi vào khoảng 6-8 giờ sáng vì đây là giai đoạn tốt cho sức khỏe trẻ nhất.

Nhiệt độ nước rất quan trọng đặc biệt đối với trẻ. Trẻ nên học bơi ở nơi có nhiệt độ khoảng 30 đến 37 độ C.

Khi trẻ mắc bệnh ngoài da hay bệnh về đường hô hấp, cần được điều trị hết hẳn rồi mới được cho đi bơi tiếp để đảm bảo vệ sinh cho các trẻ bơi cùng.

Bạn cần chú ý khi thấy con mệt mỏi hoặc có dấu hiệu hơi đuối sức là cần cho trẻ lên ngay. Không nên ráng theo kiểu “bơi hết vòng này nữa…”.

Trường hợp bơi ở sông, suối hoặc biển, cho dù trẻ đã biết bơi và có thể bơi giỏi ở hồ, bạn vẫn phải yêu cầu trẻ mặc áo phao vào để bơi cho an toàn.

Mẹ cần trang bị cho mình các kỹ năng sơ cấp cứu trong trường hợp trẻ bị ngạt nước. Vì không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được nhân viên cứu hộ khi khẩn cấp.

Hỏi nhanh bác sĩ

CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIỮ VỆ SINH CHO BÉ?

H: Tôi định cho con học bơi nhưng lại hơi lo lắng về vấn đề vệ sinh. Cần làm những gì để đảm bảo giữ vệ sinh cho bé khi đi học bơi, thưa bác sĩ?

Đ: Hồ bơi thường có rất nhiều trẻ em (thậm chí cả người lớn) xuống bơi. Vì vậy, nước hồ rất dễ bị ô nhiễm, dẫn đến trẻ dễ mắc phải các bệnh như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai, bệnh đường hô hấp… Để đảm bảo vệ sinh cho bé, bạn cần chọn hồ bơi có nước sạch, thay nước thường xuyên cho trẻ bơi. Tốt nhất, nên chọn hồ dành riêng cho trẻ nhỏ, không nên để trẻ bơi chung hồ với người lớn. Nên có nút tai cho trẻ khi bơi, tránh để trẻ bị sặc nước, uống nước. Sau khi trẻ bơi xong cần tắm lại bằng nước sạch, dùng tăm bông vệ sinh tai, xì mũi sạch sau khi tắm… Với bệnh đau mắt, bạn có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách luôn cho trẻ đeo kính bơi, nhỏ mắt vệ sinh sau khi trẻ bơi xong. 

SƠ CỨU TRẺ NGẠT NƯỚC THẾ NÀO?

H: Trong trường hợp trẻ bị ngạt nước, tôi cần làm gì để sơ cứu cho trẻ?

Đ: Khi trẻ bị ngạt nước, đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước. Cho trẻ nằm sấp, dốc cho nước chảy ra khỏi cơ thể và làm thông đường thở. Nếu trẻ đã ngừng thở, điều đầu tiên cần làm là phải hô hấp nhân tạo, thực hiện các thao tác cấp cứu cơ bản ngưng thở, ngưng tim ngay tại hiện trường, hà hơi thổi ngạt một cách kiên trì, sau đó nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất. 

Những điều mẹ phải biết khi tập bơi cho bé 4

MẤY TUỔI BÉ CÓ THỂ HỌC BƠI?

– Nên cho trẻ làm quen với nước và học bơi từ khoảng 4-5 tuổi. Hãy đưa trẻ đến các lớp dạy bơi chuyên nghiệp. Bạn có thể học cùng con để trẻ đỡ sợ nước trong thời gian đầu.

– Nếu trẻ đã được trên 8 tuổi, có thể cho trẻ học các chương trình bơi an toàn, được thiết kế đặc biệt hướng đến mục tiêu dạy cho trẻ các kỹ năng bơi sống sót, kỹ năng cứu đuối/được cứu đuối và kiến thức về an toàn với nước nhằm giúp trẻ tự bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác sau này. Trẻ đã được học qua các chương trình này sẽ có khả năng bơi được tối thiểu 25m và tự nổi trên mặt nước trong vòng 3-5 phút một cách dễ dàng.

TUYỆT ĐỐI… KHÔNG!

– Không nói chuyện với người khác, mải nghe nhạc, đọc sách báo… khi con đang chơi dưới nước (kể cả dù trẻ biết bơi). Cần để mắt liên tục đến trẻ.

– Nếu nhà có hồ bơi trong khuôn viên, hồ bơi bắt buộc phải có hệ thống rào chắn 4 bên, khóa cửa rào để trẻ không tự ý xuống hồ được mà không có sự giám sát, trông chừng của bố mẹ.

– Không cho trẻ sử dụng phao bè, phao bánh xe khi ra khu vực nước sâu vì những phao này rất dễ lật. Khi lật, trẻ không thể tự xoay xở và bám lại vào phao.

– Nếu con chưa biết bơi, chỉ ẵm con xuống nước ở vị trí ngập sâu quá cổ nếu bạn và trẻ đều đã mặc áo phao và bạn tự tin hoàn toàn ở khả năng bơi lội của mình. 

TẬP BƠI NÀO, BÉ YÊU!

Dù bạn đã mua cho bé những bộ đồ bơi xinh xắn, có cả kính bơi để không bị nước vô mắt nữa, nhưng bé vẫn… cương quyết không chịu xuống nước. Bé cảm thấy hoảng sợ. Còn bạn, bạn vẫn muốn con mình phải rành rẽ kỹ năng cực kỳ quan trọng này. Làm sao nhỉ?

Những điều mẹ phải biết khi tập bơi cho bé 5

>> Mẹo cho mẹ!

– Cả nhà bạn nên cùng nhau đi bơi. Khi bé thấy cả bố mẹ, anh chị đều tung tăng thích thú, vui đùa trong nước, cảm giác “sợ nước” sẽ biến mất dần. Bé sẽ thích thú hơn với chuyện làm quen với nước.

– Đừng vội đưa bé ra chỗ sâu. Bạn nên bắt đầu bằng những bậc thang ở chỗ nước cạn nhất trong hồ, nơi chỉ xấp xỉ đầu gối bé. Hãy cùng với bé chơi bóng, chơi đập chân dưới nước, nắm tay bé đi lại trong nước.

– Khi bé đã thật sự không còn thấy nước “đáng sợ”, bạn có thể cho bé ra chỗ sâu hơn, nước ngập tới đùi hoặc bụng bé chẳng hạn. Bạn cho con thử ngồi trong nước, quạt quạt thử tay. Bé sẽ cảm nhận được cảm giác “nổi nổi”.

– Với bé từ 4 tuổi trở lên, bạn mới nên thật sự cho con làm quen với các kỹ năng như thở trong nước, hít hơi trên không và nín thở dưới nước hoặc thở ra nhè nhẹ dưới nước bằng mũi. Trẻ dưới 4 tuổi rất khó khăn làm quen với việc này và bé có nguy cơ bị sặc.

– Khi bé đã bắt đầu thật sự thấy thích thú với nước và có được những kỹ năng cơ bản nhất như thử quẫy tay, đạp chân, biết khi nào nên nín thở, khi nào nên thở… bạn có thể đăng ký cho bé học bơi. Lưu ý là trẻ ở tuổi này chỉ nên học 1 kèm 1 (một thầy một trò) hoặc nếu tham gia lớp thì lớp tối đa là 4 em/1 giáo viên.

– Nên cho bé đi bơi đều đặn (3 lần/tuần), bé sẽ cảm nhận được những tiến bộ của mình và ngày càng dạn dĩ với nước. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, trẻ nhỏ rất hay ganh đua nhau hoặc tỏ vẻ cho bạn thấy là mình giỏi hơn, vượt trội hơn. Điều này có thể dẫn đến những chuyện “liều lĩnh” như ra sâu, thi lặn xem ai lặn lâu hơn, nhảy cắm đầu xuống nước… Cần luôn để mắt đến con, nhắc nhở con các yếu tố an toàn khi bơi lội. 

Tags:

Bài viết liên quan