Mẹ&Con – Nhằm tránh nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào những tháng đầu năm, vắc-xin là giải pháp tối ưu nhất được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, có rất nhiều bố mẹ băn khoăn về việc tiêm ngừa sởi cho con. Họ không biết khi nào cần tiêm và tại sao phải tiêm?

Để giải đáp những thắc mắc này bạn có thể theo dõi những điều căn bản nhất về việc tiêm chủng ngừa sởi sau đây:  

Cập nhật lịch tiêm chủng

Mỗi năm Trung tâm Y tế dự phòng đều cập nhật lịch tiêm chủng cũng như các loại vắc-xin dành cho trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi và các trẻ ở lứa tuổi từ 7-18 tuổi. Bạn có thể tham khảo thông tin mới nhất về các loại vắc-xin tại các Trung tâm Y tế dự phòng ở địa phương và có thể được giải đáp những thắc mắc của mình ở những điểm này.

Không có lý do gì để trì hoãn tiêm phòng sởi

Những điều mẹ nhất thiết phải biết về chủng ngừa sởi cho bé 4Không có lý do gì để trì hoãn tiêm ngừa sởi cho bé

Mũi tiêm phòng bệnh sởi được được đưa vào lịch tiêm chủng mở rộng và được tiêm cho các bé theo lịch tiêm chủng hàng tháng của mỗi địa phương. Mũi đầu tiên được tiêm lúc bé 9 tháng tuổi và mũi 2 tiêm vào lúc bé được 18 tháng tuổi.

Một số phụ huynh trì hoãn mũi tiêm vì nghĩ rằng thuốc sẽ “áp đảo” cơ thể của bé. Tuy nhiên, tiến sĩ Rebecca Madan, một chuyên gia Nhi về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Montefiore ở Bronx (New York) cho biết: “Trì hoãn không phải là cách để làm cho vắc-xin an toàn hơn” mà “trên thực tế, bạn đã kéo dài thêm thời gian khiến con dễ mắc bệnh các bệnh khác hơn”. Như vậy, trì hoàn tiêm vắc-xin vô tình đã khiến bé phải gặp bác sĩ nhiều hơn cũng như chịu thêm những tổn thương do các bệnh khác gây ra.

Tuy vậy, nếu bạn có lỡ quên lịch tiêm phòng của con thì cũng đừng quá lo lắng. Bạn có thể cho bé tiêm bổ sung sau đó theo lịch hẹn của bác sĩ mà không sợ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Các chuyên gia cho rằng, vắc-xin phòng sởi sẽ tăng hiệu quả tùy theo độ tuổi tiêm phòng. Cụ thể, nó sẽ phát huy hiệu quả khoảng 95% nếu bé được 12 tháng và đạt 98% hiệu quả khi trẻ được 15 tháng tuổi.

Mỗi thành viên trong gia đình nên được chủng ngừa

Lịch tiêm chủng không chỉ dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dù nó được khuyến cáo đặc biệt cho các đối tượng này. Nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình chưa được tiêm chủng, đặc biệt là trong trường hợp có kế hoạch du lịch nước ngoài, việc tiêm phòng bệnh sởi cũng rất quan trọng. Tiến sĩ Madan kêu gọi các phụ huynh phải có trách nhiệm về việc tiêm phòng để bảo vệ các cá nhân nằm trong nhóm dễ bị tổn thương như: Những bé không thể nhận được vắc-xin ngay (như sởi), những thành viên trong gia đình mắc các bệnh mãn tính (không thể chích ngừa), ông bà lớn tuổi và phụ nữ mang thai.

Cơ chế bảo vệ của vắc-xin

Một liều vắc-xin sởi giúp cơ thể tăng 95% khả năng chống lại một trong những loại virus có sức lây lan đáng sợ nhất. Nếu không được chủng ngừa, một tiếp xúc nhỏ làm lây bệnh cũng có thể khiến bệnh trở nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng. Có khoảng 1-3 trẻ trong số 1.000 người mắc bệnh sởi sẽ tử vong. Khi nhiễm bệnh, người bệnh sẽ bị sốt và nổi phát ban. Số trẻ tử vong sẽ còn tăng mạnh nếu sởi bùng phát thành dịch. Các biến chứng do sởi sẽ đến rất nhanh, gây ra viêm phổi, sưng não, tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc có thể gây tử vong. Ngoài bệnh sởi, ho gà cũng gây ra những biến chứng nguy hiểm tương tự. Nhưng tất cả có thể phòng tránh chỉ bằng cách tiêm.

Rủi ro gặp phải khi không tiêm ngừa

Tiến sĩ Madan muốn các bậc phụ huynh biết rằng một mũi tiêm phòng có thể giúp trẻ em tránh được các nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với rất nhiều loại vi khuẩn trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, loại vắc-xin được đưa vào lịch tiêm chủng mở rộng đều được nghiên cứu rộng rãi và đã được chứng nhận an toàn trên cơ thể người. Nó sẽ giúp bé tránh được nguy cơ nhiễm phải một trong những căn bệnh nguy hiểm chết người.

Khi ở địa phương bị bùng phát dịch bệnh sởi, bạn nên đến gặp các bác sĩ và nhận những khuyến nghị tốt nhất để phòng tránh. Ngay khi phát hiện ra người nhà có những triệu chứng nghi ngờ của bệnh sởi, hãy lập tức cách ly và đưa họ đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị nhằm tránh bệnh tiếp tục lây lan cho các thành viên khác, đặc biệt là trẻ nhỏ.

 

Tags:

Bài viết liên quan