Mẹ&Con – Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là hội chứng khá phổ biến và ngày càng được chú ý nhiều hơn, bởi nó dẫn đến những vấn đề về hành vi bất thường của trẻ vào ban ngày và lâu dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thế nào là hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ, trong đó trẻ tạm thời ngưng thở trong khi đang ngủ từ 10 giây trở lên và có thể lên đến 400 lần trong một đêm.
Có 3 loại ngưng thở ở trẻ em và cần được phát hiện điều trị kịp thời. Đó là ngưng thở khi ngủ gây ra do bị tắc nghẽn; ngưng thở trung tâm; ngưng thở hỗn hợp. Trong đó, ngưng thở trung tâm là bệnh lý dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh; ngưng thở do tắc nghẽn thường xảy ra ở trẻ trên 1 tuổi.
Nguyên nhân ngưng thở khi ngủ ở trẻ em
Tắc nghẽn đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em. Có hai loại tắc nghẽn: tắc nghẽn hô hấp trên và tắc nghẽn hô hấp dưới.
Trong đó, khi bị tắc nghẽn hô hấp trên trẻ sẽ cảm thấy khó chịu ở mũi, thanh quản, thậm chí có trường hợp phải cấp cứu nếu diễn biến tắc nghẽn nghiêm trọng. Tắc nghẽn hô hấp dưới xuất hiện ở giữa thanh quản và khí quản hẹp của phổi.
Ngoài ra, trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp do rất nhiều nguyên nhân như dị ứng, hít phải khói hoặc dị vật bên ngoài, viêm phế quản, viêm nắp thanh quản, sưng VA, viêm amiđan, nhiễm trùng hoặc chấn thương đường hô hấp, hen suyễn, nhiễm trùng họng…
Đặc biệt, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ bị bại não hoặc hội chứng Down, trẻ béo phì có nguy cơ mắc tình trạng này cao hơn.
Các triệu chứng của bệnh
Khi trẻ bị bệnh, các triệu chứng thường gặp nhất là khò khè, ngáy to, có cơn ngưng thở, bứt rứt, bồn chồn, thức giấc thường xuyên trong giấc ngủ. Một số trẻ có triệu chứng ác mộng hoặc đái dầm. Ban ngày trẻ thường có triệu chứng buồn ngủ, tăng hoạt động quá mức. Trẻ thường hay có bệnh lý đi kèm như béo phì hoặc chậm lớn suy dinh dưỡng.
Ảnh hưởng của của bệnh tới sức khỏe của trẻ
Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng tim mạch và ảnh hưởng đến việc học tập và hành vi của trẻ sau này.
Tình trạng ngưng thở lúc ngủ sẽ gây gián đoạn giấc ngủ, phá vỡ các giai đoạn của giấc ngủ, đồng thời làm thiếu oxy lên não ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ gây hậu quả là rối loạn nhận thức và hành vi của trẻ, hạn chế sự phát triển trí thông minh. Nếu bệnh diễn tiến lâu sẽ gây biến chứng cao huyết áp hoặc rối loạn chuyển hóa do tình trạng thiếu oxy trong máu lâu dài.
Cha mẹ cần làm gì khi nghi ngờ trẻ bị ngưng thở khi ngủ
Nếu nghi ngờ trẻ bị tình trạng ngưng thở khi ngủ, phụ huynh cần đưa con đi khám bác sĩ ngay lập tức. Việc cho trẻ khám càng sớm càng tốt vì sẽ giúp con chữa dứt điểm được bệnh lý này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch, sự phát triển não bộ, rối loạn giấc ngủ, béo phì…
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tập cho trẻ lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao, giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng…