Mẹ&Con – Nhiễm trùng đường tiểu là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan bài tiết: gan, thận… gây nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản, nhất là ở bé trai, thậm chí gây đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm trùng đường tiểu là bệnh hay gặp ở trẻ em, đứng hàng thứ 3 sau các bệnh nhiễm khuẩn về hô hấptiêu hóa. Đường tiểu (đường tiết niệu) gồm các bộ phận: Hai quả thận, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bình thường, do cấu tại đặc biệt đảm bảo cho nước tiểu vô trùng, vi khuẩn không xâm nhập được, nhưng do một số nguyên nhân nào đó, vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào gây nên tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.

Hơn 80% trường hợp bị nhiễm trùng đường tiểu do vi khuẩn có tên Escherichia coli (E. coli) gây ra. Đây là loại vi khuẩn thường xuất hiện trong đại tràng và di chuyển vào lỗ niệu đạo từ xung quanh hậu môn và cơ quan sinh dục. Ngoài ra còn số một số loại vi khuẩn khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh như Staphylococcus saprophyticus (5-15% trường hợp), Chlamydia trachomatis,Proteus và Mycoplasma hominis.

Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ nguy hiểm ra sao? 6
Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Các dấu hiện nhận biết nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ bị viêm đường tiểu tùy thuộc vào độ tuổi mắc bệnh mà các dấu hiệu có thể được bộc lộ ra bên ngoài khác nhau. Trẻ càng nhỏ tuổi thì dấu hiệu của bệnh càng khó phát hiện vì rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác.

• Với sơ sinh, các triệu chứng rất thầm lặng và không điển hình. Các bé không thể than thở hay nêu lên sự khó chịu liên quan đến đường tiểu và phụ huynh cũng khó theo dõi được việc trẻ đi tiểu lắt nhắt nhiều lần bởi trẻ thường được quấn tã và bình thường thì số lần đi tiểu của trẻ cũng đã rất nhiều. Do vậy, khi phát hiện trẻ sốt mà không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa… thì phải đưa tới bệnh viện vì có khả năng trẻ đã bị bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

• Với các trẻ lớn hơn, triệu chứng của bệnh thể hiện rõ rệt hơn: trẻ than đau khi đi tiểu; trẻ muốn đi tiểu mà không đi được hoặc trẻ thường xuyên tiểu lắt nhắt, tiểu gắt. Kiểm tra nước tiểu của trẻ, phát hiện có màu đục, thậm chí có trẻ tiểu ra máu. Một số trường hợp có thể kèm theo sốt, đau bụng, đau hông lưng, cảm giác mệt mỏi, biếng ăn. Hoặc đái dầm ở một đứa trẻ cũng có thể là một triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu.

Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ nguy hiểm ra sao? 7
Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Vậy điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ như thế nào?

Khi có các dấu hiệu của bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chữa trị. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và lộ trình điều trị phù hợp nhất với mức độ bệnh tình của con bạn.

Tại đây, các bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu của trẻ để xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm xong, con bạn sẽ được bắt đầu điều trị ban đầu bằng kháng sinh. Kháng sinh này có thể được thay đổi sau khi có kết quả cấy nước tiểu (thường có kết quả sau 2 ngày).

Nếu tình trạng nhiễm trùng nhẹ trên bàng quang, việc điều trị có thể được thực hiện tại nhà với các loại thuốc kháng sinh thông qua đường uống.

Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng, bé có thể được cho nhập viện để dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, dùng kháng sinh bằng uống trong 3-7 ngày có thể diệt hoàn toàn vi khuẩn.

Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ nguy hiểm ra sao? 8
Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Những trường hợp sau cần phải nhập viện

• Trẻ bị viêm đường tiểu nhỏ hơn 6 tháng tuổi

• Trẻ sốt cao liên tục không có dấu hiệu cải thiện

• Trẻ có nguy cơ nhiễm trùng thận

• Có nguy cơ hoặc đã bị nhiễm trùng máu

• Trẻ bị mất nước nghiêm trọng

• Trẻ không thể thực hiện uống thuốc thông thường.

Những lưu ý khi điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ tại nhà

• Tuân thủ theo đơn thuốc điều trị của các bác sĩ. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các loại thuốc kháng sinh bên ngoài.

• Theo dõi thường xuyên nhiệt độ cơ thể khi bé bị sốt.

• Theo dõi tần suất đi tiểu thường xuyên của bé.

• Nếu có thể, hãy hỏi bé xem các dấu hiệu đau, buốt khi đi tiểu còn hay không.

• Cho trẻ uống nhiều nước và ăn các loại thức ăn mềm, lỏng như: cháo, súp, nước canh.

Bài viết liên quan