Mẹ&Con - Một buổi sáng, khi thức dậy vào toilet, bạn tái mặt khi nhìn thấy… những giọt máu đỏ hồng ứa ra. Bạn đang có thai cơ mà! Ra máu thế này là sao? Cấp tốc đi khám thai, bạn càng hoảng hơn khi được bác sĩ cho biết: Bạn bị… nhau tiền đạo! Mang thai là niềm hạnh phúc của mỗi cặp vợ chồng song cũng không ít 'phiền hà' Bệnh Down như một mối đe dọa lơ lửng khi mẹ mang thai đã ngoài 35 tuổi Ăn gì để ngăn ngừa biến chứng tăng huyết áp?

Nhau tiền đạo là gì?

Bạn biết đấy, để nuôi một em bé trong bụng mẹ, thứ quan trọng vào hàng bậc nhất chính là bánh nhau. Nhau là cơ quan trao đổi chất dinh dưỡng giữa mẹ và con, bảo đảm cho sự nuôi dưỡng bào thai, bảo vệ cho thai nhi tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, các độc tố, miễn dịch giữa mẹ và thai nhi, giúp thai có thể ghép vào cơ thể mẹ để phát triển.

Bánh nhau được cấu tạo hoàn chỉnh là một đĩa có bề dày khoảng 2,5-3cm, mỏng dần về phía bìa và có cân nặng khoảng 500-600g. Hệ thống mạch máu của bánh nhau được tập trung thành hai động mạch và một tĩnh mạch rốn nối liền với thai nhi được gọi là dây nhau.

Bình thường thì nhau bám ở đáy tử cung và sau khi sổ thai, tử cung co nhỏ lại làm nhau tróc ra dần dần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý, nhau không nằm ở vị trí bình thường nữa và cũng không tróc một cách tự nhiên, kết quả là sẽ dẫn đến những tai biến có thể dẫn đến tử vong.

Nhau tiền đạo có các dạng: Nhau bám thấp; Nhau bám mép; Nhau tiền đạo bán trung tâm; Nhau tiền đạo trung tâm. Khi đó, một phần hay toàn bộ bánh nhau bám vào ở đoạn eo tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ và là nguyên nhân gây băng huyết nặng sau sinh.

Nhau tiền đạo

Tại sao có hiện tượng nhau tiền đạo? Điều này, đến bây giờ y học vẫn chưa giải thích được chính xác hoàn toàn. Một số lý giải cho rằng khi sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc vùng đáy tử cung bị giảm sút, nhau sẽ trải rộng diện tích bám để bù trừ tình trạng thiếu hụt này, vì vậy bánh nhau tràn xuống đoạn dưới tử cung.

Nhau tiền đạo thường gặp ở những người: Sinh nhiều lần; Nạo thai, sẩy thai nhiều lần; Viêm nhiễm tử cung trước đó; Có nhau tiền đạo lần mang thai trước. Tuy nhiên, ngay cả ở những người mang thai lần đầu vẫn có thể bị nhau tiền đạo.

Bất cứ khi nào chẩn đoán là nhau tiền đạo, bác sĩ cũng lập tức yêu cầu thai phụ phải khám thai định kỳ trung bình 3 tuần/lần. Người mẹ nên chặt chẽ theo đúng các yêu cầu này, hạn chế hoặc bỏ hẳn các công việc nặng, tránh hoàn toàn chuyện gần gũi vợ chồng và thường xuyên giữ liên lạc với một bác sĩ sản khoa giỏi chuyên môn, đã theo dõi tình trạng từ đầu. Bạn cũng cần biết rằng nhau tiền đạo nghĩa là bánh nhau nằm trước đường đi của thai nhi khi sanh ngã âm đạo. Do đó, trong những trường hợp này đa số phải mổ lấy thai.

 

Làm sao để phát hiện sớm nhau tiền đạo?

Cách duy nhất để phát hiện sớm nhau tiền đạo chính là khám thai đúng định kỳ. Nếu khám thai định kỳ thường xuyên, có thể phát hiện sớm nhau tiền đạo từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhờ vào siêu âm. Bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung: ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm. Đặc biệt trong bất kỳ giai đoạn nào trong 9 tháng thai kỳ (nhất là 3 tháng cuối), khi đột ngột bị ra huyết đỏ tươi, dù ít dù nhiều, thai phụ đều cần lập tức báo cho bác sĩ biết và kiểm tra cẩn thận.

Nếu máu ra vào 3 tháng cuối thai kỳ, đông cục lại, không kèm theo đau bụng, thường lặp đi lặp lại theo kiểu lần sau ra nhiều hơn lần trước thì nguy cơ rất cao bạn đã bị nhau tiền đạo. Thai phụ cũng cần biết rằng nếu đi lại nhiều, làm việc nặng, có chuyện “gần gũi” trong giai đoạn này thì càng dễ bị ra huyết hơn.

Nhau tiền đạo

Ảnh hưởng của nhau tiền đạo lên mẹ và thai nhi như thế nào? Với người mẹ, chính việc ra huyết âm đạo sẽ gây thiếu máu. Trong quá trình sinh nở, nếu huyết ra quá nhiều có khi gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Với thai nhi, do mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai.

Gặp trường hợp ra huyết quá nhiều, để cứu người mẹ, các bác sĩ có khi phải quyết định mổ lấy thai sớm, bất kể thai đã đủ tháng hay chưa. Ngoài ra, trường hợp “nhẹ” thì vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường: ngôi mông hay ngôi ngang. Tất cả những điều này đều có nguy cơ cao, nên bắt buộc bác sĩ phải theo dõi rất nghiêm ngặt và chặt chẽ.

Một khi đã được chẩn đoán là nhau tiền đạo, người mẹ gần như phải gắn chặt thông tin với bác sĩ, nhất là trong trường hợp ra huyết âm đạo. Tùy trường hợp nặng nhẹ cũng như sự trưởng thành của thai nhi, sức khỏe của người mẹ mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm.

Bạn nên nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng, nghỉ ngơi thư giãn, hạn chế đi lại, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng, kiêng tuyệt đối gần gũi chồng. Trong trường hợp may mắn không ra huyết âm đạo và thai nhi lớn hơn 37 tuần, thai phụ cần chọn sinh tại bệnh viện lớn có khoa sản. Nên có bác sĩ giỏi chuyên môn, đã theo dõi thai phụ từ đầu cùng tham gia trong quá trình đỡ đẻ. Hầu hết đều sẽ sinh mổ, tuy nhiên, sẽ không phải mổ lấy thai trong trường hợp nhau bám thấp hay bám mép có thể sanh ngã âm đạo được, nếu không kèm một bất thường nào khác.

 

Tags:

Bài viết liên quan