Tôi 28 tuổi, mang thai lần đầu được 21 tuần. Trong lần khám thai gần đây nhất, bác sĩ thông báo cho tôi biết là tôi bị nhau bám thấp, đề nghị nghỉ ngơi nhiều, nếu có thể thì xin nghỉ làm tạm thời. Tôi có tự tìm hiểu qua một số sách báo được biết tình trạng nhau bám thấp rất nguy hiểm, có thể gây sẩy thai, sinh non nên rất lo. Kính mong bác sĩ cho tôi lời khuyên: Lúc này tôi nên làm gì, bồi bổ, nghỉ ngơi như thế nào? Công việc của tôi khá bận rộn nên hiện tại nếu nghỉ đột ngột cũng là một khó khăn. Xin hỏi bác sĩ việc xin nghỉ sớm để ở nhà nghỉ ngơi hoàn toàn này có thật sự cần thiết không?
Quỳnh An
(Quận Phú Nhuận)
Để có thể hiểu rõ thế nào là nhau bám thấp, bạn hình dung thế này: Bình thường nhau bám ở đáy tử cung, nhưng nhau bám thấp là bánh nhau bám gần lỗ trong cổ tử cung. Khi vào chuyển dạ hoặc có cơn gò tử cung, phần cơ tử cung ở đoạn dưới (gần cổ tử cung) sẽ giãn ra, trong khi đó bánh nhau không giãn đồng bộ, vì thế sẽ có hiện tượng bóc tách bánh nhau ra khỏi niêm mạc tử cung gây chảy máu. Nếu chảy máu nhiều, mẹ sẽ mất máu, nặng nề có thể dẫn đến trụy mạch, choáng và nếu không xử trí kịp thời sẽ bị tử vong. Con có nguy cơ sinh non tháng. Nhau bám thấp thường gây ra huyết âm đạo, màu đỏ tươi, ra từng đợt, ít hoặc nhiều, ngôi thai không thuận (ngôi mông hoặc ngôi ngang).
Hiện tượng nhau bám thấp thường xảy ra do một số nguyên nhân như: Tử cung bị dị dạng, có sẹo mổ, có tiền sử điều hòa kinh nguyệt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không xác định được nguyên nhân. Thậm chí, một số tài liệu, nghiên cứu còn cho rằng sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc vùng đáy tử cung bị giảm sút là nguyên nhân gây ra nhau bám thấp. Tức là theo những nghiên cứu này, có khả năng khi tuần hoàn dinh dưỡng kém, nhau sẽ trải rộng diện tích bám để bù trừ tình trạng thiếu hụt và tràn xuống đoạn dưới tử cung.
Như đã nói, nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng nhau bám thấp vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng là tình trạng ấy gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Việc bác sĩ yêu cầu nghỉ ngơi nhiều vì dễ sẩy thai cũng là một lời khuyên đúng. Vì tỷ lệ sẩy thai với thai phụ bị nhau bám thấp cũng khá cao.
Về câu hỏi của bạn, muốn có một lời khuyên, tôi xin trả lời ngắn gọn thế này: Bạn cần xin nghỉ ở cơ quan để có thể nghỉ ngơi hoàn toàn. Tập trung ăn uống, thư giãn, khám thai thường xuyên theo yêu cầu của bác sĩ. Nếu có tình trạng đau bụng hay ra máu, cần đến ngay bệnh viện phụ sản gần nhất. Trong giai đoạn này, tuyệt đối tránh đi lại, tránh gần gũi vợ chồng.
Nên giữ tinh thần đừng quá lo lắng, vì trong một số trường hợp, khi thai lớn lên, đoạn dưới thành lập, kéo dài phần cơ tử cung ở gần cổ tử cung ra, bánh nhau “di chuyển” lên cao. Có khá nhiều trường hợp chẩn đóan lúc đầu là nhau bám thấp nhưng vào tháng cuối thai kỳ, bánh nhau lại cách xa cổ tử cung và không còn nguy cơ chảy máu nữa.