Mẹ&Con – Trong số 40 tuần thai kỳ thì ở tuần thai thứ 31, mẹ sẽ bắt đầu tiết ra sữa non có màu vàng nhạt hoặc kem.
Tuần 31 của thai kỳ
Ngày thai thứ 211 – 217 (ngày 225– 231 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)
Cơ thể bạn thay đổi như thế nào?
Bước vào tuần thai thứ 31 trong số 40 tuần thai kỳ, mẹ có nhận thấy một chất lỏng màu vàng nhạt hoặc màu kem, bắt đầu rỉ ra từ ngực mình không? Chất lỏng này được gọi là sữa non. Sữa non là giai đoạn đầu của sữa mẹ, xuất hiện khi mang thai và kéo dài khoảng vài ngày sau khi sinh em bé. Nó đặc hơn so với sữa mẹ sau này.
Không phải tất cả các thai phụ đều rỉ sữa non ở giai đoạn này, nhưng dù có hay không thì điều này cũng được coi là bình thường. Sữa non chỉ rỉ ra vào một số thời điểm nhất định trong ngày. Mẹ có thể mua miếng lót thấm sữa, đặt trong áo ngực để thấm lượng sữa non rỉ ra.
Ở tuần thứ 31 trong số 40 tuần thai kỳ, nhiều mẹ bầu bắt đầu phải chống chọi với những cơn gò Braxton Hicks (cơn co thắt tử cung mà co bóp liên tục, được đặt tên theo tên của bác sĩ John Braxton Hicks – người đầu tiên mô tả chúng vào năm 1872).
Các cơn gò Braxton Hicks có thể xuất hiện sớm nhất vào ba tháng giữa của thai kỳ nhưng thông thường, chúng thường xuất hiện phổ biến nhất trong ba tháng cuối hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm tuần thứ 31 trong số 40 tuần thai kỳ thì đây chỉ là cơn gò sinh lý, và không phải mẹ bầu nào cũng trải nghiệm chúng.
Các cơ của tử cung thắt chặt trong khoảng từ 30 – 60 giây hoặc kéo dài 2 phút. Braxton Hicks ở thời điểm này được ví như những “cơn gò thắt thực hành” bởi trong quá trình sinh con, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với các cơn gò chuyển dạ tương tự nếu không muốn nói là đau đớn hơn.
Chuyện gì đang diễn ra với em bé trong bụng?
Bé đang tiếp tục phát triển lớp mỡ dưới da, điều này chuẩn bị cho sự chào đời của mình sắp diễn ra. Trong vài tuần tới, em bé sẽ tăng cân rất nhanh chóng. Hãy nhớ rằng, kích thước trung bình của trẻ sơ sinh là khoảng 3,4kg và dài khoảng từ 48 – 53cm.
Kích thước của em bé
Ở tuần thai thứ 31 trong số 40 tuần thai kỳ, bé vẫn đang tiếp tục phát triển. Bé đã dài hơn 40cm và nặng trong khoảng 1,6 – 1,8kg.
Em bé trong bụng mẹ vào tuần thai thứ 31. (Ảnh minh họa)
Những việc mẹ nên làm lúc này
Mẹ đã quyết định sẽ cho trẻ bú mẹ hay bú bình chưa? Trong trường hợp mẹ không đủ sữa cung cấp cho trẻ, hoặc mắc các loại bệnh không thể cho con bú thì sao? Mỗi kiểu bú đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Hãy nghiên cứu cả 2 cách, và bạn sẽ đưa ra được quyết định tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ lẫn con.
Lời khuyên giúp việc mang thai tốt hơn
Phần lớn phụ nữ mang thai thường hay mắc bệnh trĩ, nhất là ở tuần thứ 31 trong số 40 tuần thai kỳ.
Bệnh trĩ có liên quan mật thiết đến táo bón. Táo bón kết hợp với áp lực tăng lên trực tràng và đáy chậu là lý do chính, khiến mẹ bầu bị bệnh trĩ. Thường xuyên đứng lâu và tuổi tác cao cũng có thể là yếu tố gây bệnh, nhưng ít hơn.Thông thường, bệnh trĩ sẽ được cải thiện ngay sau khi sinh.
Mẹ hãy áp dụng một số phương pháp điều trị dưới đây để giúp giảm bệnh trĩ thai kỳ, nếu chúng gây nhiều khó chịu cho mẹ trong tuần này:
- Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Nước giúp phân mềm, làm mẹ dễ đi cầu.
- Đặt baking soda (còn gọi là thuốc muối, ướt hoặc khô – có thể hỏi mua tại các nhà thuốc) trong vùng bị đau để giảm ngứa.
- Ngâm mông với một thau nước ấm pha muối loãng, trong khoảng 15 phút mỗi ngày.
- Sử dụng dung dịch cây phỉ (bán tại các hiệu thuốc) hay nước chanh để giảm sưng hoặc chảy máu.
- Sử dụng thuốc mỡ làm bằng rễ cây comfrey (một loại rễ cây dược thảo có công dụng làm giảm đau, sưng, bầm ở các bắp thịt, làm lành vết thương và làm mềm da, có chứa allantoin) thoa lên vùng bị tổn thương.
- Không rặn khi đi vệ sinh. Nếu không đi được, nên đứng dậy và ra khỏi nhà vệ sinh.
- Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống. Chất xơ có tác dụng làm mềm phân, kích thích nhu động ruột giúp việc đi vệ sinh nhẹ nhàng hơn.
- Cuối cùng, luôn luôn ghi nhớ cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là tránh không để bị táo bón và luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ, trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào điều trị bệnh..
Lời khuyên cho các ông bố
Việc sắp có thêm một thành viên mới trong gia đình có thể gây ra lo lắng cho cả hai vợ chồng bạn. Ngoài việc chuẩn bị kiến thức, tài chính cho việc sinh và nuôi con, ở tuần thai thứ 31 trong số 40 tuần thai kỳ hai bạn còn nên nghĩ tới việc tham gia một lớp học hướng dẫn hô hấp nhân tạo và cấp cứu trẻ sơ sinh.
Bạn có thể tìm hiểu thông tin về các lớp học này qua internet hoặc đơn giản hơn là liên hệ trực tiếp với các bác sĩ và hỏi thăm.