Mẹ&Con – Bước vào tuần thứ 23 trong số 40 tuần thai kỳ, mẹ hãy dần hoàn thiện việc bàn giao việc làm trước khi nghỉ thai sản. Song song với đó, tìm hiểu kỹ hơn về những quyền lợi của mình trong khi nghỉ thai sản…

Tuần 23 của thai kỳ

Ngày thai thứ 155 – 161 (ngày 169 – 175 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Bước sang tuần thứ 23 trong 40 tuần thai kỳ, tử cung của mẹ cách trên rốn khoảng 3,8 cm. Lúc này, mẹ cũng tăng khoảng từ 5,5 kg đến 6,8 kg.

Tử cung đang nằm trực tiếp trên đầu bàng quang, thế nên đôi lúc khiến quần lót của mẹ bị dính một chút chất lỏng mặc dù không hề đi tiểu. Đây có thể là nước tiểu, nhưng cũng có thể là nước ối.

Thật khó để phân biệt chất lỏng này là nước tiểu hay nước ối bằng mắt thường. Nếu là nước tiểu, mẹ sẽ ngửi thấy một chút mùi khai đặc trưng. Còn nếu là nước ối sẽ không hề có mùi. Nước ối thường phun ra một cách bất ngờ hoặc chảy liên tục. Nếu là nước ối, mẹ hãy gọi cho bác sĩ và tới bệnh viện để được thăm khám cũng như chuẩn đoán ngay lập tức.

Chuyện gì đang diễn ra với em bé trong bụng?

Bé đang tiếp tục tăng cân, nhưng vài tuần tiếp theo mới thực sự bắt đầu to ra. Lông tơ và những sợi lông mềm bao bọc quanh cơ thể. Tuần thứ 23 trong số 40 tuần thai kỳ, làn da của bé hơi xấu xí vì bị sạm đen. Mẹ có thể nhìn rất rõ điều này khi đi siêu âm.

Kích thước của em bé

Bé dài khoảng 28cm và nặng khoảng 0,5 kg

Nhật Ký Mang Thai: 40 Tuần Thai Kỳ Khỏe Mạnh (Phần 22) 4

Em bé trong bụng mẹ vào tuần thai thứ 23. (Ảnh minh họa)

Những việc mẹ nên làm lúc này

Nếu mẹ đang làm việc cho các công ty, văn phòng, xí nghiệp… tuần thứ 23 trong số 40 tuần thai kỳ là thời điểm thích hợp để hoàn thiện kế hoạch và thủ tục giấy tờ, chuẩn bị cho đợt nghỉ sinh sắp tới. Nhớ bàn bạc với người quản lý và phòng nhân sự về công việc của mẹ, cũng như tìm người bàn giao nhé.

Mẹ cũng cần biết về những quyền lợi của mình trong khi nghỉ thai sản, ví dụ như số ngày nghỉ hoặc số tiền thai sản được hưởng… Chi tiết về chế độ thai sản năm 2018, bấm vào đây.

Nhiều mẹ bầu băn khoăn, không biết khi nào nên nghỉ việc chờ sinh? Một số người sẽ nghỉ việc vào tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 8, trong khi đó nhiều người lại làm việc cho tới tận ngày sinh… Không có câu trả lời chính xác về điều này. Mẹ có thể nghỉ sớm hoặc trễ, tùy theo tình hình sức khỏe của mình.

Bên cạnh đó, có một số điều mà vợ chồng bạn cần ngồi lại bàn bạc và sắp xếp với nhau trong thời gian này, ví dụ như:
• Sau khi sinh con ra, bạn sẽ tiếp tục trở lại làm việc hay nghỉ hẳn ở nhà chăm sóc bé?
• Nếu bạn quay lại làm việc, ai sẽ chăm sóc cho em bé?
• Hết 6 tháng thai sản, bạn muốn cho bé đi nhà trẻ sớm hay thuê vú nuôi?

Lời khuyên giúp việc mang thai tốt hơn

Uống nhiều nước là điều vô cùng quan trọng trong quá trình mang thai. Ngoài nước lọc, mẹ còn có thể uống thêm nước ép trái cây, sinh tố, sữa và và một số loại trà thảo dược (sau khi hỏi ý kiến bác sĩ). Bên cạnh đó, mẹ bầu nên tránh uống trà, cà phê, nước ngọt có gas vì chúng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến bạn mắc tiểu đường thai kỳ…

Dấu hiệu cho thấy mẹ đã uống đủ nước, đó là khi đi tiểu, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc trong suốt. Nếu chưa cung cấp đủ nước cho cơ thể, khi đi tiểu mẹ sẽ thấy nước tiểu của mình có màu vàng đậm. Cố gắng uống đủ nước trong 40 tuần thai kỳ, bởi uống đủ nước có thể giúp bà bầu ngăn chặn rất nhiều bệnh như: Đau đầu, co thắt tử cung, nhiễm trùng đường tiết niệu, sưng phù…

Lời khuyên cho các ông bố

Ở một số công ty có chính sách cho nhân viên nam nghỉ khoảng 3 ngày khi vợ đẻ con. Các ông bố hãy hỏi lại phòng nhân sự về chính sách này. Những giây phút trước và ngay sau khi vợ bạn sinh em bé cùng một vài ngày sau đó, vợ con bạn ắt hẳn sẽ rất cần sự hiện diện của người chồng, người cha – là bạn bên cạnh đấy!

Bài viết liên quan