Mẹ và Con - Một đôi mắt tinh anh là món quà quý giá mà ba mẹ dành tặng cho bé yêu. Tuy nhiên, nếu chẳng may đôi mắt ấy không khỏe thì sao? Hãy để Mẹ và Con mách nhỏ ba mẹ cách nhận biết các bệnh về mắt ở trẻ em nhé!

Làm thế nào để nhận biết các bệnh về mắt ở trẻ em để kịp thời điều trị? Đó là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ. Và đây là những lời khuyên từ Tạp chí Mẹ và Con dành cho ba mẹ.

Vì sao trẻ mắc các bệnh về mắt?  

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc các bệnh về mắt như: di truyền, sinh non, mẹ nhiễm khuẩn khi mang thai như vi rút rubella, herpes, cúm, quai bị… và chăm sóc sau sinh không phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải nhận ra những dấu hiệu bất thường của các bệnh về mắt ở trẻ em thật sớm để nhanh chóng chữa trị. Bởi lẽ, thành công của quá trình chữa bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh.

Nhận biết mắt không bình thường?

Hai mắt chuyển động không đồng đều

Thông thường, hai mắt của chúng ta có chuyển động đồng nhất với nhau. Vì thế, nếu một trong hai mắt của trẻ không di chuyển, di chuyển theo hai hướng khác nhau và di chuyển không cùng thời điểm với nhau, một mắt chuyển động nhanh hơn mắt kia, khi thức mắt không chuyển động… đó có thể là dấu hiệu trẻ mắc bệnh về mắt.

Bố mẹ cần theo dõi sát sao và tốt nhất là nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa uy tín để được tư vấn chi tiết.

Không phản ứng với ánh sáng, đồ vật

Nếu bạn nghĩ rằng do trẻ còn ít tuổi, thị lực chưa hoàn thiện nên chưa thể nhìn thấy đồ vật xung quanh thì đó là một sai lầm. Bởi lẽ, dù trong những ngày đầu tiên mới chào đời, tầm nhìn của trẻ khá hạn chế, chỉ vào khoảng 4-5cm, nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Bạn dễ dàng cảm nhận sự thay đổi này khi bé được 12 tuần trở lên. Do đó, nếu vào khoảng 1-2 tháng tuổi mà bé vẫn không có phản ứng với ánh sáng hoặc sự di chuyển của sự vật xung quanh thì đó có thể báo hiệu điều bất thường.

các bệnh về mắt ở trẻ em
Các bệnh về mắt ở trẻ em

Quá nhạy cảm với ánh sáng

Trái ngược trường hợp trên là tình trạng trẻ quá nhạy cảm với ánh sang, biểu hiện dễ thấy nhất của các bệnh về mắt ở trẻ em là trẻ khóc lóc, khó chịu, dụi mắt liên tục, kích thích nhiều ánh sáng nhân tạo và cả tự nhiên. Đây có thể là triệu chứng của một số bệnh về mắt, có thể ảnh hưởng lớn đến thị lực và thậm chí là có thể khiến bé bị mù.

Mắt đỏ, đổ ghèn, chảy nước mắt

Những triệu chứng này là dấu hiệu cho thấy mắt bé bị viêm nhiễm. Đó có thể là nguyên nhân nhiễm trùng hoặc siêu vi do lây lan trong các đợt dịch, hoặc viêm kết mạc dị ứng do thời tiết, viêm tắc lệ đạo hoặc do bé dùng tay dụi mắt gây trầy xước.

Thậm chí, tình trạng chảy nước mắt bất thường cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân trẻ bị tăng nhãn áp. Bạn không nên lơ là, nếu trẻ chảy nước mắt quá thường xuyên.

Xuất hiện màu lạ

Ngoài việc quan sát biểu hiện đã nêu ở trên, bạn cũng nên chú ý đến những thay đổi về màu sắc của mắt trẻ. Nếu thấy lòng đen xuất hiện đốm màu vàng, xám hoặc trắng thì hãy nghĩ ngay đến việc kiểm tra sức khỏe của mắt. Thêm nữa, khi củng mạc (vùng mô xơ dai màu trắng bao quanh tròng đen, chiếm phần lớn nhãn nhãn cầu) chuyển sang màu vàng hoặc xám nhạt, bạn cũng nên đưa trẻ đi khám ngay.

Bên cạnh đó, bạn cần quan sát kỹ đồng tử của bé. Khi thấy đốm trắng xuất hiện ở vùng này, hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra nguy cơ như đục thủy tinh thể và thậm chí là ung thư nguyên bào võng mạc, một trong các bệnh về mắt ở trẻ em rất nguy hiểm.

Mắt sưng phồng

Trong trường hợp bạn thấy mí mắt của trẻ sưng phồng lên và có biểu hiện đau khi di chuyển kèm nhìn kém hơn, hãy nghĩ ngay đến bệnh viêm mô bào vùng hốc mắt.

Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hiếm gặp, nhưng lại có những ảnh hưởng rất lớn đến dây thần kinh thị giác, có thể khiến trẻ bị giảm thị lực vĩnh viễn hoặc bị mù cũng như một số nguy cơ lan tỏa ổ nhiễm trùng đến những cấu trúc nguy hiểm hơn như nội sọ.

Đề phòng các bệnh về mắt ở trẻ em

  • Trước tiên, mẹ cần quan tâm chăm sóc sức khỏe của bé ngay từ trong giai đoạn mang thai, cần có một kế hoạch tiêm ngừa ngay trước khi quyết định có thai. Tốt nhất là giữ gìn sức khỏe thật tốt, ăn uống đủ chất và nhất là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin ngừa bệnh rubella, cúm…
  • Khi trẻ ở giai đoạn sơ sinh, mẹ vệ sinh mắt cho bé thật kỹ bằng gạc vô trùng và nước muối nhỏ mắt (có thể mua dễ dàng tại các nhà thuốc uy tín, không được tự ý pha nước muối nhỏ mắt cho trẻ). Tuyệt đối không tin theo các lời khuyên dân gian nhỏ mắt trẻ bằng sữa hay các dung dịch khác để tránh làm tổn thương mắt còn yếu ớt của trẻ.
  • Cách ly trẻ với những người lạ, người có bệnh về mắt và những người đến từ vùng có dịch.
  • Vệ sinh phòng ốc, dụng cụ, chăn màn… để bụi bẩn và vi khuẩn không có nơi trú ngụ.

các bệnh về mắt ở trẻ có nguy hiểm không

4 bệnh mắt nguy hiểm thường gặp

Bệnh Glaucoma bẩm sinh

Bệnh còn có tên gọi khác là cườm nước và xuất hiện nhiều ở bé trai, có thể gây biến chứng như mờ mắt, mù lòa không thể hồi phục được. 75% số trường hợp bệnh xảy ra ở cả 2 mắt. Dấu hiệu của mắt bị cườm nước bẩm sinh thường xuất hiện sớm sau sinh được biểu hiện qua mắt to bất thường (đặc biệt là tròng đen), không trong suốt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt sống…

Bệnh được điều trị thông qua phẫu thuật và theo dõi thị lực thường xuyên bằng cách đo nhãn áp, soi đáy mắt. Tiên lượng phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phẫu thuật và thời điểm phát hiện.

U nguyên bào võng mạc

Đây là bệnh bẩm sinh có độ ác tính cao, thường xuyên xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi với tỷ lệ dao động từ 1/18.000-1/30.000 và nguy hiểm ở chỗ nhưng không có biểu hiện rõ rệt.

Vì thế, bạn phải hết sức quan tâm những điểm bất thường ở mắt của trẻ. Khi thấy đồng tử trắng, lác mắt nhẹ, … hãy nhanh chóng kiểm tra ở bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn chi tiết.

Đục thủy tinh thể

Số liệu từ các bệnh viện mắt cho thấy khá nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, tùy thuộc quốc gia và các chương trình tiêm chủng, tại Mỹ có tỷ lệ khoảng 1.2 – 6 ca trên mỗi 10.000 trẻ. Nguyên nhân có thể do di truyền, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hoặc phối hợp với bệnh lý toàn thân.

Tuy nhiên, khả năng phát hiện bệnh sớm vẫn rất hạn chế nên để lại nhiều di chứng như thị lực kém, lác mắt về sau ở trẻ. Nếu trẻ bị đục thủy tinh thể, mắt sẽ có ánh đồng tự trắng, khi soi đèn bong đồng tử sẽ có ánh tối. Trẻ cần được khám và tư vấn kỹ lưỡng về việc phẫu thuật cũng như kế hoạch điều trị cụ thể cho các bệnh về mắt ở trẻ em.

Bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP)

Đây là bệnh mắt xuất phát từ sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non, dưới 32 tuần (đặc biệt là dưới 30 tuần) hoặc có cân nặng dưới 1,5kg (đặc biệt dưới 1,25kg). Điểm nguy hiểm của bệnh chính là nguy cơ mù vĩnh viễn ở trẻ. Một nguyên tắc quan trọng, 20% trẻ sinh non sẽ xuất hiện tình trạng lé hoặc bất thường khúc xạ trong khoảng 3 năm đầu.

bệnh nguy hiểm về mắt thường gặp

Do đó, trẻ sinh non dưới 32 tuần hoặc cân nặng dưới 1,5kg phải được theo dõi mắt mỗi 6 tháng (dù có xuất hiện ROP hay không). Ngay khi có bất thường phải báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để được can thiệp kịp thời.

Để phòng và điều trị kịp thời các bệnh về mắt ở trẻ em, các chuyên gia nhãn khoa khuyên bạn nên kiểm tra mắt cho trẻ vào những thời điểm quan trọng như mới sinh, khi trẻ được 6 tháng tuổi, 3-4 tuổi, 5 tuổi và thường xuyên kiểm tra định kỳ hàng năm.

Với những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao như trẻ sinh non, tiền sử gia đình có người bệnh mắt, chậm phát triển, dùng một số loại thuốc đặc trị… thì cần quan tâm nhiều hơn.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.