Mẹ&Con - Những chiếc móng bé xíu, hồng hồng vốn ít được mẹ chú ý. Thế nhưng, thực tế móng tay, móng chân đóng một vai trò quan trọng trong việc phản ánh sức khỏe của bé, “báo hiệu” nhiều bệnh của bé (nếu có) kịp thời, cũng như giúp mẹ giữ gìn sức khỏe tổng quát cho bé đấy! Bí quyết giúp con hết cắn móng tay Nước sơn móng tay và 5 tác dụng bạn không ngờ tới Giúp bé cai tật cắn móng tay

Nhìn móng, biết bé khỏe không!

Thật đấy, bạn đừng tưởng móng tay, móng chân quá nhỏ và chẳng có vai trò quan trọng gì với bé. Cùng với răng và xương, móng là bộ phận rắn chắc nhất trong cơ thể. Nó đóng một vai trò đặc biệt quan trọng: Giúp bảo vệ mạng lưới thần kinh dày đặc ở các đầu chi, làm tăng độ nhạy của xúc giác ở các đầu ngón tay, ngón chân. Ngoài ra, sự thay đổi của móng cũng báo hiệu các vấn đề sức khỏe. Không ít bác sĩ (cả đông y lẫn tây y) đều chú ý đến móng tay, móng chân của bệnh nhân, vì nó có thể phản ánh phần nào sức khỏe, ngay cả khi chưa kịp thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào.

nhan-biet-bao-hieu-benh-kip-thoi-tu-mong-tay-mong-chan-cua-be-day-me

Giúp con bỏ tật cắn móng tay!

Trẻ có thói quen cắn móng tay rất dễ bị nhiễm độc. Bởi lẽ, nhiều hóa chất độc hại có thể tích tụ dưới móng tay của bé trong suốt quá trình sinh hoạt, chơi đùa, tiếp xúc với mọi vật quanh mình. Khi không rửa tay sạch, lại thường xuyên đưa tay lên miệng cắn móng, vô tình bé đã đưa vào cơ thể toàn bộ những chất độc hại này. 

Thế nào là móng tay, móng chân khỏe? Móng khỏe, trong điều kiện bình thường sẽ có màu đỏ hồng, do được mạng lưới các mạch máu bé li ti ở hạ bì nuôi dưỡng. Một điều thú vị ít người biết là trong móng tay, móng chân có 10%… nước! Mỗi tuần lễ, trung bình móng sẽ dài ra khoảng 0,5-1,2 mm. Móng tay mọc nhanh hơn móng chân khoảng 4 lần. Ngộ nghĩnh nữa là thời tiết càng ấm móng tay mọc… càng nhanh. Vì vậy, trong giai đoạn bé nghỉ hè, mẹ cần chú ý nhiều hơn đến việc cắt móng tay, móng chân cho bé, đừng để đến khi móng dài cả khúc rồi mẹ mới bất ngờ: Ơ, sao móng tay của con dài thế này rồi?!!

Ngược lại, khi nào thì gọi là móng tay, móng chân bất thường, có bệnh hoặc phản ánh bệnh? Nổi trội nhất và đáng quan tâm nhất là khi móng tay của bé không hồng mà lại… tím! Mẹ cần chú ý đến dấu hiệu này. Khi thấy móng con ở các ngón đều có màu tím, cần đưa bé đến bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu cho thấy bé bị ứ huyết, thiếu oxy, một dấu hiệu rất dễ gặp phải ở trẻ mắc các bệnh về tim mạch.

Ít nguy hiểm hơn nhưng cũng đáng quan tâm là khi dưới móng tay bé có xuất hiện những đốm trắng nhỏ (một số người còn gọi là “hạt gạo”). Những đốm này xuất hiện ở mật độ nhiều và thường xuyên rất có thể đang phản ánh tình trạng trẻ bị thiếu canxi, cơ thể suy nhược, mỏi mệt, đang bị cúm hoặc bị giun đũa.

nhan-biet-bao-hieu-benh-kip-thoi-tu-mong-tay-mong-chan-cua-be-day-me

Một dạng khác, nếu đầu móng tay bé quắp xuống như diều hâu, mẹ cần để ý đến hệ nội tiết của bé vì có khả năng hệ nội tiết hoạt động không bình thường. Nếu móng tay có hình dạng phần giữa lõm xuống, phần bao ngoài vênh lên nhìn như cái muỗng, cần chú ý đến các bệnh liên quan đến tuyến giáp trạng, bệnh phong thấp. Ngoài ra, móng tay lõm hình muỗng này cũng có thể là dấu hiệu báo động cơ thể thiếu chất sắt nữa đấy.

Ở những trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa hoặc biếng ăn, suy dinh dưỡng, ăn uống thiếu chất, móng tay, móng chân sẽ phát triển chậm. Trên móng có thể hình thành những rãnh ngang. Móng cũng dễ gãy hoặc mềm hơn bình thường. 

Móng tay có rãnh theo chiều ngang cho thấy dinh dưỡng thiếu hụt hoặc mắc phải các bệnh như sởi, thần kinh suy nhược. Nếu ngược lại, móng tay nổi gờ theo chiều dọc, cần chú ý đến chuyện bé ngủ có đủ giấc hay không, có thường bị thức đêm không. Những bệnh như viêm da, nấm da cũng có thể khiến móng tay bị tổn thương và có những gờ dọc như thế.

Móng tay thường bị bong ra là dấu hiệu thiếu máu, cường giáp. Móng tay vàng cần chú ý đến bệnh về gan. Đặc biệt, nếu móng tay có xuất hiện những điểm đỏ, chấm đỏ bên dưới một cách thường xuyên, móng tay biến đổi màu rõ rệt, chuyển sang màu nâu hoặc đen là những dấu hiệu tiềm tàng một số bệnh nghiêm trọng. Mẹ cần chú ý cho trẻ khám sức khỏe tổng quát hoặc trao đổi với bác sĩ ngay.

Chăm móng cho con

Thật thích biết bao khi cầm bàn tay bé xíu xinh xinh của con lên, thấy những chiếc móng tay hồng hồng bé bỏng. Lời nhắc nhở đầu tiên với việc chăm sóc móng tay, móng chân cho bé chính là tuyệt đối không để móng tay của bé mọc dài vì chúng sẽ dễ gây ra những tai nạn (sứt, gãy) làm đau bé, dễ bám nhiều bụi bẩn, vi trùng rồi vô tình bé lại cho hết vào miệng khi ngậm tay, cắn móng tay, ăn uống mà quên rửa tay…

Móng tay của bé rất nhỏ và mềm. Vì vậy, mẹ phải hết sức cẩn thận khi cắt chúng. Việc cắt móng tay thật ra có thể thực hiện từ rất sớm, vài tuần sau khi bé chào đời. Để an toàn, bạn nên chọn mua những chiếc kéo có đầu tròn, chuyên dụng, dành riêng cho trẻ em. Không nên dùng kéo lớn hoặc đồ cắt móng tay của người lớn (nhất là các dụng cụ làm móng của mẹ) rất dễ gây tổn thương cho bé.

nhan-biet-bao-hieu-benh-kip-thoi-tu-mong-tay-mong-chan-cua-be-day-me

Nên cắt móng tay cho bé khi nào? Tốt nhất là cắt móng tay cho bé sau khi tắm, vì lúc đó móng sẽ mềm và dễ cắt hơn. Nếu bạn chưa tự tin, sợ bé giãy và bị đau, bạn có thể chọn lúc con ngủ để khéo léo cắt móng tay cho con. Nếu con đủ lớn để ý thức được, hãy chọn lúc bé đang vui vẻ để cắt, vì khi bé đang cáu kỉnh, vùng vằng, những cái giãy dù nhỏ của bé cũng có thể khiến mẹ cắt phạm vào da, làm bé bị đau.

Lưu ý quan trọng, một số mẹ hay sợ việc cắt móng tay cho con, sợ làm con đau nên đã chọn giải pháp… cắn móng tay cho trẻ! Việc này hoàn toàn không nên vì thực tế bạn vừa tập cho con một “thói quen” xấu (bé có thể bắt chước sau này cắn móng tay), vừa có thể truyền những vi khuẩn từ miệng của mình sang tay của bé thông qua những vết đứt nhỏ.

nhan-biet-bao-hieu-benh-kip-thoi-tu-mong-tay-mong-chan-cua-be-day-me

Chọn cho bé dụng cụ cắt móng riêng. Nếu bạn sử dụng bấm móng tay, cần chọn cái có lưỡi cong tương tự theo chiều cong của móng. Nếu dùng kéo để cắt thì nên cắt lần lượt từng nhát, không kéo vòng hết cả móng một lần có thể khiến bé bị thương. Đối với móng chân thì bạn nên cắt theo đường thẳng, không nên cắt sát vào phần mé. Trường hợp bé có móng chân mọc quặp vào bên trong thì mẹ không nên tự mình xử trí mà nên đưa trẻ tới bác sĩ để chăm sóc tránh nhiễm trùng.

Thêm một câu hỏi nữa là bạn nên xử trí thế nào trong trường hợp dù cẩn thận hết sức rồi nhưng vẫn “cắt phạm” vào thịt của bé? Bé đau và khóc, có thể chảy máu nữa! Lúc này, việc bạn cần làm là cố gắng hướng sự chú ý của bé sang chỗ khác, dùng gạc sạch quấn quanh ngón tay của trẻ giữ chặt trong vài phút. Phần chảy máu sẽ ngừng chảy máu sau đó. Nhớ tháo gạc ra, chứ đừng giữ nguyên, vì bé có thể cho cả ngón tay có băng gạc vào miệng đấy. 

Tags:

Bài viết liên quan