Mẹ&Con – Nguyên nhân sinh non có thể là do bất thường về ối, nhau thai, khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn hoặc một số bệnh lý mà mẹ đang mắc phải…
Sinh non là gì?
Sinh non là việc em bé chào đời từ tuần thứ 22 đến tuần thứ 37 của thai kỳ (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối). Nói cách khác, sinh non có nghĩa là em bé không có đủ thời gian để phát triển bình thường trong bụng mẹ trước khi thích nghi với môi trường bên ngoài, bé sinh sớm hơn dự kiến. Trong khi đó, một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài đến khoảng 40 tuần để đảm bảo sự phát triển lành lặn và khỏe mạnh của em bé.
Dựa vào khoảng thời gian em bé được sinh ra, sinh non được chia làm các dạng sau đây:
- Sinh cực kỳ non: Em bé được sinh ra trước tuần 28 của thai kỳ;
- Sinh rất non: Em bé được sinh ra từ tuần 28 đến tuần 32 của thai kỳ;
- Sinh non vừa: Em bé được sinh ra giữa tuần 32 và 34 của thai kỳ;
- Sinh non trễ: Đây là dạng sinh non phổ biến. Em bé được sinh ra giữa tuần 34 và 36 của thai kỳ.
Các nguyên nhân sinh non
Do thai
Bất thường về ối
Trong suốt thai kỳ, thai nhi nằm gọn trong một “túi dung dịch đầy” trong tử cung mẹ gọi là túi ối. Túi ối hoạt động như một tấm nệm đỡ, bảo vệ bé khỏi mọi va chạm, chấn thương có thể xảy ra. Đồng thời, nước ối còn chứa dưỡng chất, hóc-môn và các kháng thể chống lại bệnh nhiễm trùng cho em bé.
Ối bất thường đồng nghĩa với môi trường sống của thai nhi bị đe dọa, gây ra hiện tượng sinh non. Các vấn đề về ối mẹ có thể gặp trong thai kì có thể là:
Vỡ ối non: Vỡ ối non là hiện tượng màng ối bị rách trước khi chuyển dạ, lúc thai nhi chưa đủ 37 tuần. Hiện tượng này gây ra nhiễm khuẩn trong buồng tử cung, có thể khiến thai nhi tử vong hoặc sinh non.
Biểu hiện của vỡ ối non là âm đạo đột ngột ra nhiều nước loãng, màu trong hoặc lợn cợn đục. Một số mẹ bầu nước ối chỉ ra nhỏ giọt, cũng có mẹ tuôn ào ào.
Nguyên nhân dẫn đến vỡ ối non đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể gây ra vỡ ối non như ngôi thai bất thường, khung chậu hẹp, nhau tiền đạo, cổ tử cung ngắn, hở eo cổ tử cung, có tiền căn vỡ ối non…
Ngoài ra, mẹ hút thai, phá thai nhiều trước thời kỳ mang thai cũng rất dễ gây vỡ ối non. Các yếu tố khác như viêm nhiễm màng ối tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và làm mòn màng ối; mẹ hít phải nhiều khói thuốc lá trong thời gian mang thai; thể trạng suy dinh dưỡng hay ăn uống kém cũng làm tăng nguy cơ vỡ ối non.
Đa ối: Lượng nước ối trung bình trong thai kỳ thường vào khoảng 800 – 1000 ml (1 lít), sau đó bắt đầu chững lại từ tuần thai thứ 33 và giảm dần sau tuần thai 36. Đa ối là tình trạng có quá nhiều nước ối bao quanh em bé trong tử cung. Khi khối lượng chất lỏng trong tử cung quá cao có thể khiến mẹ chướng bụng, gây ra các cơn co thắt sớm. Do đó, em bé có thể sẽ phải sinh non.
Viêm màng ối: Người mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong giai đoạn mang thai sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, từ đó gây viêm màng ối. Nếu không điều trị kịp thời, màng ối sẽ ngày càng mỏng hơn, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Đặc biệt là vỡ ối non dẫn đến sinh non.
Bất thường nhau thai
Nhau thai là cơ quan nối thai nhi với thành tử cung của mẹ qua dây rốn. Chức năng của nhau thai là vận chuyển chất dinh dưỡng, thải chất thải và trao đổi khí cho thai nhi thông qua máu.
Nhau thai gặp bất thường như nhau bám thấp, nhau bong non cũng được cho là nguyên nhân sinh non.
Thai đôi, đa thai
Những bà mẹ mang song hoặc đa thai có tỷ lệ chuyển dạ sớm cao gấp đôi so với những bà mẹ chỉ mang một thai. Trung bình, mẹ đơn thai sẽ có thai kỳ kéo dài trong vòng 280 ngày; song thai khoảng 261,5 ngày; tam thai khoảng 246,5 ngày. Nhìn chung, mẹ càng mang nhiều thai một lúc, tỷ lệ sinh non càng cao.
Song hoặc đa thai gây sinh non có thể là do tử cung căng quá mức, tăng thể tích trong buồng tử cung hoặc do cổ tử cung bị yếu. Ngoài ra, còn có các yếu tố đặc biệt khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng chuyển dạ sinh non như mang song hoặc đa thai khiến nồng độ estrogen, progesterone và steroid tăng cao hơn so với những trường hợp đơn thai.
Thai nhi dị dạng
Thai nhi dị dạng như thai vô sọ, không có thận, bất thường về nhiễm sắc thể hoặc bất cứ dị tật bẩm sinh nào cũng là một trong những nguyên nhân sinh non.
Do mẹ bầu
Tử cung/cổ tử cung bất thường
Hở eo tử cung:
“Ngôi nhà ấm áp” đầu tiên của bé chính là tử cung, nơi bé lớn lên từng ngày và chờ ngày chào đời để gặp cha gặp mẹ. Tử cung có phần thân nằm hoàn toàn trong ổ bụng, phần cổ nằm phần lớn trong âm đạo. Nơi tiếp giáp giữa phần thân và cổ tử cung được gọi là eo, phía dưới nó là lỗ trong của cổ tử cung. Lỗ này bình thường rất nhỏ, chỉ đủ để máu kinh và dịch trong tử cung thoát ra ngoài.
Khi có thai, phần eo và cổ tử cung sẽ chịu áp lực ngày càng cao do túi ối ngày một lớn tác động vào. Nếu lỗ trong cổ tử cung rộng ra (hở), túi ối sẽ tràn vào lỗ hổng này và dần dần lọt ra ngoài âm đạo. Chỉ sau vài cơn gò mạnh, thai nhi sẽ ra ngoài dễ dàng, do không còn được nâng đỡ. Thai sinh ra do hở eo tử cung thường rất non tháng (4 – 6 tháng) và chết sau sinh.
Cổ tử cung ngắn:
Trong suốt thai kỳ, cổ tử cung khép chặt và được khoá kín bởi nút nhầy, giữ cho buồng tử cung kín và vô trùng. Điều này nhằm đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất của thai nhi trong bụng mẹ, ngăn chặn nhiễm trùng cũng như giảm thiểu nguy cơ sinh non.
Chiều dài cổ tử cung bình thường khi thai nhi chưa đủ 36 tuần tuổi đo được trên siêu âm là 35mm trở lên. Người mẹ có cổ tử cung ngắn hơn con số này thường thường tiềm ẩn nguy cơ sinh non cao hơn.
Tử cung hai sừng:
Tử cung hai sừng hay tử cung hình trái tim, có phần nhô lên giống như sừng, trong lòng tử cung có một vách ngăn. Tử cung hai sừng là một dạng của dị tật bẩm sinh.
Dung tích của dạng tử cung này thường nhỏ, hình dáng bất thường khiến khả năng nuôi thai nhi của tử cung bị giảm hoặc vị trí bám của nhau trong lòng tử cung không thuận lợi. Vì vậy, mẹ dễ bị vỡ ối sớm và sinh non.
Mắc các bệnh lý mạn tính
Mẹ mắc một số bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, bệnh tim, bệnh thận, tiểu đường… cũng sẽ khiến em bé không chịu nằm đủ 9 tháng 10 ngày.
Khoảng cách giữa hai lần mang thai quá ngắn
Nếu mẹ thụ thai trong vòng 6 – 9 tháng sau khi sinh thì rất dễ dẫn đến tình trạng sinh non. Do đó, mẹ cần phải nghỉ ngơi ít nhất 18 tháng trước khi mang thai lần tiếp theo. Điều này không chỉ giúp mẹ phòng ngừa nguy cơ sinh non mà còn tránh cho bé mắc các dị tật bẩm sinh hoặc nhẹ cân.
Chế độ sinh hoạt
Sinh hoạt hàng ngày và làm việc:
Mang thai là quãng thời gian nhạy cảm của mẹ bầu, do sức đề kháng suy yếu, sức khỏe cũng không ổn định nên điều kiện sống tác động rất nhiều đến quá trình phát triển của em bé. Mẹ bầu có một cuộc sống vất vả, làm việc nặng nhọc là nguyên nhân sinh non.
Quan hệ tình dục:
Quan hệ tình dục không là nguyên nhân sinh non. Tuy nhiên, ở những mẹ bầu có yếu tố thuận lợi gây chuyển dạ sinh non như tiền căn đã sinh non, cổ tử cung ngắn, đa thai, đa ối, nhau tiền đạo… thì cần tránh quan hệ tình dục.
Tâm trạng của mẹ bầu
Những mẹ bầu thường xuyên căng thẳng, lo âu, chịu nhiều áp lực công việc, cuộc sống, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hóc-môn tuyến thượng thận tác động vào tử cung và ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây sinh non.
Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu tại Đan Mạch. Các bà bầu thường xuyên căng thẳng trong vòng 6 tháng trước thời gian mang thai thì khả năng sinh non lên đến hơn 50% khi thai nhi chưa đủ 33 tuần tuổi.
Các yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân sinh non ở trên, một số yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non cho mẹ bầu:
- Mang thai quá sớm (trước 17 tuổi) hoặc quá muộn (sau 35 tuổi);
- Di truyền, tiền sử gia đình có người từng sinh non;
- Thai được thụ tinh qua ống nghiệm;
- Đã từng sẩy thai, phá thai hoặc sinh non trước đây;
- Sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại;
- Bị chấn thương trong thời gian mang thai như té ngã, tai nạn giao thông…