Mẹ&Con - Người bình thường cao huyết áp đã là chuyện đáng lo. Khi mang thai bị cao huyết áp lại càng là chuyện nguy hiểm. Bầu có nên ăn đậu phộng không? Bầu biết gì về tiền sản giật? “Bầu” tham gia lớp học tiền sản

Cao huyết áp thai kỳ là gì?

Thai phụ bị coi là cao huyết áp khi trị số huyết áp đo được ở mức 140/90mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm thu tăng trên 30mmHg, huyết áp tâm trương tăng trên 15mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai.

Có khoảng 15% phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp thường xuất hiện vào thời gian nửa sau thai kỳ và khỏi hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản. Biến chứng nguy hiểm nhất của tăng huyết áp thai nghén là tiền sản giật và sản giật.

Tiền sản giật thường gặp ở những phụ nữ mang thai con so nhỏ tuổi hoặc con so lớn tuổi, xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện sớm hơn, trong những trường hợp đa thai. Tăng huyết áp cùng với các yếu tố di truyền, dinh dưỡng kém hoặc béo phì, nghiện thuốc lá, bệnh tim mạch, bệnh thận hay bệnh đái tháo đường có thể góp phần trong sự xuất hiện của tiền sản giật.

Tăng huyết áp có thể do nguyên nhân độc lập với tình trạng mang thai hoặc nguyên nhân do thai. Cụ thể, tăng huyết áp có thể có sẵn trước lúc mang thai hoặc có sẵn và nặng thêm khi mang thai. Cũng có trường hợp trước khi mang thai huyết áp hoàn toàn bình thường, nhưng khi mang thai thì huyết áp đột ngột tăng cao trong nửa sau thai kỳ.

Bầu cao huyết áp2

Những người bị cao huyết áp ở lần mang thai đầu, có nguy cơ cao huyết áp ở lần mang thai sau, cũng như có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và dễ đột quỵ sau này.

Mẹ cần biết!

Khi mang thai và rối loạn huyết áp, bạn cần phối hợp cùng bác sĩ theo dõi sát sao suốt thai kỳ. Bởi lẽ, tăng huyết áp có thể dẫn đến tiền sản giật, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ lẫn con. Các thuốc chống tăng huyết áp có khuynh hướng được để dành cho các trường hợp tăng huyết áp nặng và dai dẳng. Một số loại thuốc trị tăng huyết áp bị chống chỉ định trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vì vậy, bạn tuyệt đối phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc. Ngoài ra, việc theo dõi lâu dài nguy cơ tim mạch đóng vai trò quan trọng đối với các phụ nữ có tiền sử rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ.

Sao bỗng dưng… tăng huyết áp?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này. Như:

– Mẹ có bệnh lý từ trước khi mang thai: Những trường hợp mẹ bị cao huyết áp mạn tính trước khi mang thai, mẹ mang một số bệnh lý có khả năng gây tăng huyết áp như bệnh lý thận, nội tiết… cần hết sức cẩn thận, khám sức khỏe tổng quát và nhờ bác sĩ đánh giá việc mang thai có an toàn không. Thực tế, phần lớn những phụ nữ bị tăng huyết áp từ trước khi mang thai vẫn có thể mang thai và sinh nở bình thường nếu họ được kiểm soát huyết áp tốt.

– Tăng huyết áp vô căn: Chiếm 3-5% và có xu hướng ngày càng gia tăng do phụ nữ ngày nay thường sinh con muộn (từ 30-40 tuổi). Nếu những phụ nữ này được kiểm soát huyết áp tốt thì quá trình mang thai vẫn có thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu tăng huyết áp vô căn nặng (huyết áp tâm trương trên 110mmHg) trước tuần thứ 20 của thai kỳ nguy cơ tiền sản giật tăng lên đến 46% và cũng làm tăng nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.

– Tăng huyết áp thai nghén: Là trường hợp tăng huyết áp xảy ra vào nửa sau của thai kỳ ở các phụ nữ có số đo huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường. Tăng huyết áp thai nghén chiếm 6-7% và khỏi hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản. Nguy cơ tiền sản giật là 15-26%. Nếu tăng huyết áp xuất hiện vào tuần thứ 36 của thai kỳ thì nguy cơ chỉ còn 10%.

Bầu cao huyết áp1

 Những nguy cơ bạn phải đối mặt

Cao huyết áp trong thời kỳ mang thai dẫn tới nhiều nguy cơ khác nhau, gồm:

– Giảm lưu lượng máu đến nhau thai: Điều này làm giảm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai, có thể làm bé chậm tăng trưởng và nhẹ cân khi chào đời.

– Nhau bong non: Nhau thai sớm tách khỏi tử cung. Nhau bong non có thể làm bé ngạt thở do thiếu oxy và gây chảy máu cho mẹ.

– Sinh non.

– Tăng nguy cơ bệnh tim mạch cho mẹ về sau: Những người mẹ bị tiền sản giật (với dấu hiệu huyết áp cao và protein trong nước tiểu sau tuần 20) có thể tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch sau sinh, dù huyết áp trở lại bình thường.

Tiền sản giật thường xảy ra từ tuần thứ 20 của thời kỳ thai nghén và gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Trước đây, người ta chẩn đoán tiền sản giật dựa vào chứng: tăng huyết áp, phù và protein niệu nhưng quan niệm hiện đại thì cho rằng, chỉ cần có tăng huyết áp thai nghén kèm protein niệu nhiều là đủ để chẩn đoán tiền sản giật.

Nguy cơ của thai nhi là chậm phát triển trong buồng tử cung và bị đẻ non. Đặc biệt nghiêm trọng là để lại hậu quả lâu dài trên hệ tim mạch. Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu, có nguy cơ tăng huyết áp ở lần mang thai sau. Họ còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và đột quỵ cao sau này.

Bầu cao huyết áp

Điều trị theo hướng nào?

Nếu bạn từng bị cao huyết áp, bạn nên đi khám sức khỏe trước khi có ý định mang thai. Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp và điều trị cho bạn. Nếu bạn đang thừa cân, bác sĩ có thể khuyên bạn giảm cân trước khi muốn thụ thai.

Trong thời gian mang thai, bạn sẽ cần đi khám thai thường xuyên hơn. Trọng lượng và huyết áp của bạn sẽ được kiểm tra ở mỗi lần khám. Bạn cũng có thể cần được làm xét nghiệm máu và nước tiểu thường xuyên.

Một vài “công thức” đơn giản mà bạn nhất định cần nhớ:

– Đi khám thai đủ.

– Dùng thuốc hạ huyết áp theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ.

– Nghỉ ngơi theo khuyến nghị của bác sĩ.

– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế muối và dùng vitamin thai sản.

– Kiểm soát cân nặng. Nên tăng khoảng 11-16kg khi mang thai.

– Tránh rượu, hút thuốc.

Lưu ý thêm rằng, ngoại trừ trường hợp tăng huyết áp nặng và cấp tính, việc điều trị bằng thuốc chống tăng huyết áp trong thai kỳ vẫn còn đang bàn cãi. Trong nhiều trường hợp, huyết áp có thể thay đổi trở về mức bình thường mà không cần dùng thuốc, chỉ cần thai phụ nghỉ ngơi, thay đổi chế độ dinh dưỡng, giảm stress…

Tuy nhiên, trong trường hợp nào thì việc tăng huyết áp thai kỳ cũng cần được theo dõi sát. Mục tiêu của việc theo dõi và điều trị là đưa huyết áp tâm thu giảm còn dưới 140mmHg và huyết áp tâm trương dưới 90mmHg. Ngoài ra, thai phụ cần được theo dõi sát bất cứ dấu hiệu nào của tiền sản giật bao gồm tăng huyết áp nặng thêm và protein niệu mới xuất hiện hay gia tăng.

Tags:

Bài viết liên quan