Mẹ&Con – Thói quen mớm thức ăn cho trẻ tưởng chừng vô hại, nhưng lại là nguyên nhân khiến con mắc ung thư dạ dày. Mẹ đừng xem thường nhé!

Người lớn nhai thức ăn cho đến khi nhuyễn hoàn toàn rồi đút cho bé ăn được gọi là mớm thức ăn cho trẻ. Thói quen này tưởng như chỉ được các ông bà áp dụng, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại ở một số gia đình hiện nay. Và có một thực tế đáng buồn là nếu cho trẻ ăn theo cách này, bạn đã vô tình khiến trẻ mắc các bệnh nguy hiểm, điển hình nhất là nguy cơ ung thư dạ dày.

Bé 10 tuổi bị ung thư dạ dày

mớm thức ăn cho trẻ
                                     Không nên nhai, mớm thức ăn cho trẻ (Ảnh minh họa)

Mới đây, trên các trang mạng xã hội mọi người đang lan truyền nhau thông tin cậu bé 10 tuổi ở Hà Nam (Trung Quốc) được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Khi biết tin, gia đình cậu bé thực sự bị sốc.

Theo giải thích của bác sĩ, nguyên nhân chính khởi phát khối u của cậu bé là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong thời gian dài. “Việc nhai mớm cơm cho trẻ khiến vi khuẩn HP lây truyền từ bố mẹ sang con thông qua đường nước bọt”, bác sĩ điều trị cho cậu bé cho hay.

Sau khi nghe bác sĩ phân tích, mẹ cậu bé mới nhớ lại khi còn nhỏ, vì sợ con bị nghẹn nên bố mẹ thường có thói quen nhai mớm cơm cho con. Khi bước vào tuổi đi học, cậu bé này lại thích ăn đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh hamburger và đặc biệt không ăn rau. Chính vì chế độ ăn không lành mạnh ấy cũng là yếu tố góp phần khiến trẻ mắc ung thư dạ dày.

Mớm cơm cho trẻ, nguy hại khôn lường

cho trẻ ăn
    Đừng nhai mớm thức ăn cho trẻ nếu mẹ không muốn con mắc bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Câu chuyện đau lòng trên thực sự là một lời cảnh báo tới bố mẹ về việc mớm thức ăn cho trẻ.  Bởi lẽ, không chỉ có thể lây truyền cho con các bệnh về đường tiêu hóa mà thói quen này còn có thể khiến bé đối mặt với các căn bệnh nguy hiểm như:

Bệnh viêm gan

Bạn biết không, vi rút viêm gan A có thể lây lan qua đường tiêu hóa. Loại vi rút này chủ yếu tồn tại trong nước bọt, nước tiểu của người mắc bệnh. Chính vì vậy, thói quen nhai mớm cơm cho trẻ sẽ khiến trẻ bị lây bệnh một cách nhanh chóng. Nếu chẳng may bị viêm gan A, trẻ sẽ có một vài biểu hiện như vàng da, vàng mắt, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, nước tiểu sẫm màu…

Bệnh lỵ amip

Đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa do amip lỵ (Entamoeba histolytica) gây ra. Bệnh lây qua đường ăn uống, người mắc bệnh do nhiễm phải nguồn thực phẩm hoặc thông qua tay nhiễm kén amip. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc. Thế nên, khi người bệnh nhai, mớm thức ăn cho trẻ có thể lây bệnh cho trẻ. Triệu chứng của bệnh là sốt hoặc không, đau bụng, phân có nhầy lẫn máu.

Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu

Viêm màng nào do vi khuẩn não mô cầu là bệnh lý nguy hiểm, biểu hiện ở một vài triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn, ban xuất huyết… Theo đó, vi khuẩn não mô cầu thường tồn tại ở vùng mũi và vùng họng. Nếu mớm thức ăn cho trẻ thì người lớn đã vô tình khiến con bị lây bệnh qua đường nước bọt.

Nhiễm vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cấp và mạn tính. Trường hợp để lâu, không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Vi khuẩn này lây qua đường tiêu hóa. Vì vậy, khi để trẻ tiếp xúc trực tiếp bằng miệng với nước bọt của người mang vi khuẩn HP thực sự là điều rất nguy hiểm.

Trên đây, Mẹ&Con đã mách mẹ những nguy cơ tiềm ẩn của việc mớm thức ăn cho trẻ. Bố mẹ nên dừng ngay cách làm này để bảo vệ bé yêu khỏi các bệnh nguy hiểm một cách hiệu quả nhất nhé! 

Bài viết liên quan