Hiểu đúng về cơn ngứa
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngứa trong thai kỳ khác nhau. Ví dụ như tử cung tăng trưởng. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của ngứa trong thai kỳ. Sự tăng trưởng của tử cung để có chỗ cho em bé khiến da bị giãn, khô và trở nên khó chịu, ngứa ngáy. Sự gia tăng hormone estrogen, sẽ mất tự nhiên sau khi sinh. Ngoài ra, bầu còn có thể bị ngứa vì có tiền sử da khô, mắc chứng chàm bội nhiễm hoặc bị dị ứng thức ăn. Cuối cùng, nhóm thai phụ mắc chứng ứ mật trong gan (mật kém lưu thông) cũng có thể bị khô da và ngứa. Chứng bệnh này có thể đi kèm dấu hiệu khác như bạn mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí là vàng da.
Viêm nang lông trong thai kỳ cũng có thể tạo nên cơn ngứa, với dấu hiệu đi kèm là xuất hiện những sẩn mủ ở nang lông, gây ngứa. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây ngứa khi mang thai như bạn bị đổ mồ hôi nhiều; bạn mắc bệnh trĩ, có thể gây ngứa hậu môn; bị rạn da quá mức (thường xuất hiện trong những tháng cuối của thai kỳ), xuất hiện những mảng ngứa ở bụng, ngực, mông, đùi…
Ngứa dễ gặp ở thai phụ, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, ngứa quá mức đến cảm thấy bứt rứt, phải bôi dầu nóng, gãi trầy xước da, chảy máu thì chỉ gặp ở một số ít người. Có trường hợp chỉ ngứa, không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu gì trên da. Có một số trường hơp khác thấy xuất hiện những dấu mẩn đỏ, không đau. Khi trời nóng thì thấy người mẩn đỏ nhiều hơn và ngứa cũng nhiều hơn.
Cần theo dõi kỹ những cơn ngứa, vì có thể nguyên nhân dẫn đến ngứa rất tự nhiên, bình thường, do hormone thay đổi…, song cũng có những nguyên nhân nguy hiểm dẫn đến cảm giác ngứa như thế. Ngoài ra, ngay cả ngứa “bình thường” nhưng nếu kéo dài cũng cần điều trị sớm, vì nó dễ tạo nên cảm giác khó chịu, bứt rứt cho thai phụ, ảnh hưởng đến cả sự phát triển của bé.
Nếu thai phụ bị mẩn ngứa do quá trình trao đổi chất dịch mật bất thường thì phải kịp thời đến bệnh viện điều trị, bởi vì bệnh này sẽ làm cho thai nhi trong tử cung bị ngột ngạt, thai phụ sau khi sinh bị mất máu.
Khi mang thai, cơ thể sẽ có những ảnh hưởng do sự thay đổi của nội tiết tố. Chính vì vậy có thể xuất hiện một số hiện tượng bất thường, ví dụ như tình trạng nổi mề đay, ngứa dữ dội. Tình trạng này chỉ chiếm một số ít thai phụ.
Làm sao… bớt ngứa?
Nếu đã thực hiện hết các xét nghiệm để loại trừ các trường hợp nguy hiểm, thì vấn đề còn lại của thai phụ khá đơn giản: Bạn chỉ cần điều trị cho giảm bớt ngứa, đỡ khó chịu mà thôi. Cần lưu ý, việc điều trị phải có sự kết hợp kê toa của bác sĩ da liễu và bác sĩ sản khoa đang khám. Có thể sẽ được cho dùng một số loại kem hay thuốc mỡ an toàn. Trường hợp các biện pháp này thất bại (vẫn không hết ngứa) sẽ phải dùng thuốc. Thông thường, chứng nổi mề đay thai kỳ này sẽ giảm rõ sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ ngứa đến tận sau khi sinh.
Các sẩn mề đay sẽ xuất hiện nhiều ở bụng, sau đó lan ra mông, đùi, chân, tay… Có khi ngứa khắp người. Bệnh thường gặp phải ở người mang thai lần đầu (con so), đến những lần mang thai sau sẽ ít gặp phải hơn. Trường hợp “ngứa tự nhiên” (các xét nghiệm đều tốt nhưng vẫn ngứa) không ảnh hưởng đến thai nhi. Cụ thể, bệnh không liên quan đến tiền sản giật, sản giật, các bệnh rối loạn tự miễn, các bất thường về hormone hay những bất thường khác về thai nhi.
“Ngứa” thế nào thì… nguy hiểm?
Như đã nói ở phần trước, ngứa ở thai phụ có thể bình thường hoặc bất thường. Bình thường nghĩa là chỉ do xáo trộn, thay đổi hormone từ quá trình mang thai, thường sẽ không trầm trọng và cũng không gây nên nguy hiểm nào cho thai phụ và thai nhi.
Ngược lại, cũng có những trường hợp ngứa “bất thường”, tức là ngứa khi có một nguyên nhân bệnh lý. Ví dụ, nếu ngứa do chứng mật tích tụ trong gan thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi, có thể làm cho tỉ lệ thai nhi tử vong tăng cao, đồng thời có thể dẫn đến sinh sớm, thai bị ngạt trong tử cung và mất máu nhiều sau sinh. Bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người mẹ.
Khi ngứa, dù là bình thường hay bất thường, bạn đều nên ăn nhiều rau tươi và trái cây, tăng lượng vitamin, vận động nhẹ nhàng thường xuyên giúp cho máu được lưu thông tốt. Bạn cũng nên từ chối bớt các sloại thức ăn có tính kích thích cay nóng như ớt, tỏi, hẹ; ít gãi vào chỗ ngứa; không được tự ý dùng thuốc để tránh gây dị tật bào thai.
Để ngăn ngừa cũng như đối phó với cơn ngứa, bạn nên thay quần áo nhiều lần hơn trong ngày, có thể thay 3-4 bộ/ngày cũng được. Mỗi lúc thay quần áo, nên tranh thủ tắm rửa sạch, dùng khăn bông lau khô người. Việc xoa phấn rôm để tránh cảm giác ngứa ngáy trên da cũng có thể thực hiện được. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn các loại thuốc thoa, nếu cần. Không nên lạm dụng dầu nóng để tạo cảm giác đỡ ngứa, cũng không nên sử dụng các biện pháp dân gian kiểu như hơ, tắm lá… sẽ dễ gây ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.
Có một sai lầm nhiều người hay mắc phải là khi ngứa hay tắm nước nóng để cảm giác nóng giúp làm “tạm quên” cảm giác ngứa đi. Kỳ thực, tắm nước nóng sẽ càng dễ làm ngứa thêm vì da nhanh khô. Bạn cũng cần chọn sữa tắm dành cho da nhạy cảm, không khiến da bị ngứa và khô. Khi quá ngứa, cố gắng tránh gãi, cào vì càng gãi lớp da chỗ đó càng bị kích thích, gây ngứa ngáy hơn. Thay vì gãi, bạn có thể đập, vỗ nhẹ vào vùng da này, dùng một chiếc túi chườm để chườm vào vùng da bị ngứa. Lưu ý, cần cắt móng tay sạch sẽ, gọn gàng vì nếu cứ cào tay vào vùng da bị ngứa đang tổn thương sẽ có thể gây nhiễm trùng. Nên tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng; tăng cường các loại thức ăn giàu vitamin A và uống nước đều đặn hàng ngày.
Khi nào ngứa mà cần đi khám?
– Thai phụ bị ngứa toàn thân đi kèm dấu hiệu vàng da: có thể bạn đang mắc phải chứng mật kém lưu thông.
– Thai phụ bị phát ban và sốt: có thể mắc chứng thủy đậu, herpes…
– Thai phụ bị ngứa đi kèm với tổn thương ngoài da: có thể mắc chứng chàm, vảy nến…
– Thai phụ bị ngứa kèm theo dấu hiệu nóng rát âm đạo: có thể bị nhiễm nấm âm đạo hoặc mắc phải các chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.