Mẹ&Con – Khi nghi con trộm đồ của bạn thì cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân chứ không nên quát mắng, đánh đập.

Chào bác sĩ!

Con trai tôi đang học lớp 4. Tôi sợ bé đua đòi, hư hỏng nên “xiết” bé rất chặt, không bao giờ cho con tiền riêng tiêu vặt, bé muốn mua gì đều phải hỏi xin mẹ, nhiều thứ bé xin nhưng tôi thấy không cần thiết cho việc học thì cũng từ chối, không mua.

Thế nhưng, thời gian gần đây, bất ngờ tôi thấy con lén chơi một vài món đồ chơi lạ (không phải tôi mua), đọc những cuốn truyện tranh lạ (bé có hỏi xin, nhưng tôi thấy tốn tiền, không cần thiết nên đã từ chối trước đó). Tôi truy hỏi thì bé lúng túng nói là bạn ở trên trường cho con mượn chơi, mượn đọc. Song, khi tôi truy đến cùng, hỏi bạn nào cho mượn thì bé nói quanh co tên bạn gì đó ở lớp khác (bạn cùng lớp của bé thì hội phụ huynh chúng tôi đều có danh sách điện thoại nhà của các bé, có thể hỏi được).

Tôi để ý đến cả tuần sau, lén lục cặp bé hoặc lục ngăn tủ của bé thì thấy con vẫn giấu những món đồ chơi và truyện tranh đó, đồng thời lại có thêm cả vài món đồ lạ khác như dụng cụ học tập (cũng không phải tôi mua). Tôi truy tiếp, hỏi con mượn bạn sao không trả thì bé lại quanh co bảo bạn cho con luôn hoặc bạn nói bạn đọc truyện đó rồi, không cần nữa. Có lúc bé lại nói là hộp bút chì màu đó hoặc cây bút đó, quyển truyện tranh đó là do con nhặt được ở trong ngăn bàn.

Những món đồ chưa có cái nào đắt tiền. Chúng đều là những thứ đồ cũ, đã dùng rồi (ví dụ đồ chơi là đồ chơi cũ, bút chì màu thì cây dài cây ngắn chứng tỏ đã có người dùng), về giá trị vật chất thì không đáng bao nhiêu. Song, tôi rất e ngại không hiểu nguồn gốc những đồ vật này ở đâu ra. Tôi sợ rằng vì mình “xiết” con, không cho con mua nên con tìm cách lén lấy của bạn bè (vì nếu bé mượn, lẽ ra phải trả chứ sao cứ giữ hoài như thế?). Kính nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi nên làm gì trong trường hợp này? Xin cảm ơn rất nhiều.

Nguyễn Thị Lý (Quận 10)

 Bác sĩ trả lời

Trước hết, bạn cần khéo léo gần gũi, chuyện trò, khơi gợi con nói (cũng có thể tiếp cận thêm với giáo viên chủ nhiệm hoặc bạn thân của bé) để xác minh nguồn gốc của những món đồ bé có được từ đâu. Một số trẻ khi chơi thân với nhau, muốn chia sẻ đồ chơi, vật dụng cho nhau nhưng lại ngại bố mẹ la, không cho phép nên có thể “thông đồng” để tìm cách nói dối là bạn cho con mượn, con nhặt được, v.v. như thế.

Trường hợp “xấu” nhất, giống như bạn e ngại, là bé đã ăn cắp các đồ vật này của bạn, thì việc uốn nắn sẽ khó khăn hơn một chút. Song, tôi vẫn cần bạn biết rằng đây là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Có một số nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có hành vi ăn cắp vặt: trẻ thích món đồ của người khác mà mình không có, trẻ đang có nhu cầu dùng nhưng chưa được cha mẹ cho mua, trẻ tò mò muốn lấy đồ vật của người khác nhằm khẳng định với bạn bè là trẻ có nhiều thứ, v.v.. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của hành động này thường là ở vấn đề tâm lý của trẻ.

Thông thường, những trẻ này rất cô đơn. Trẻ ít có bạn, hầu như không thể trò chuyện với bố mẹ, chia sẻ cùng bố mẹ những suy nghĩ, mong muốn của mình. Chính vì vậy, việc cần làm mang tính “cốt lõi” bây giờ không phải là khăng khăng dọa nạt, truy cho tới cùng nguồn gốc những món đồ chơi, truyện tranh ấy. Thay vào đó, bạn nên dành nhiều thời gian cho con hơn, không đánh mắng, gần gũi trò chuyện với con. Hỏi xem con có thiếu những dụng cụ học tập nào không, hỏi con thích món đồ chơi gì. Trong những lần trò chuyện, chị có thể “bâng quơ” nhắc nhở bé về chuyện nếu mình lấy một đồ vật không phải của mình, người mất sẽ buồn như thế nào, và việc đó không tốt ra sao.

Sự gần gũi của cha mẹ sẽ giúp xóa đi dần những cảm giác cô đơn, khiến trẻ thoải mái, tự tin bày tỏ với mẹ những mong muốn của mình hơn. Bằng cách ấy, trẻ sẽ từ bỏ thói quen “xấu” kia mà không hề bị tổn thương hay mặc cảm. Chúc bạn thành công.

Tags:

Bài viết liên quan