Bé nhà tôi 11 tháng tuổi, chưa tiêm vắc-xin phòng sởi. Hiện tại cháu có dấu hiệu bị sốt, phát ban và có một em họ đang điều trị sởi ở bệnh viện. Tôi rất sợ cháu bị lây. Nếu nghi ngờ trẻ bị sởi, tôi nên làm gì cho cháu?
Lê Thị Bích Tuyền
(Quận 5)
Ban sởi thường xuất hiện theo trình tự như sau: Sau một thời gian sốt từ 2-4 ngày, ban mọc ra đầu tiên ở vùng sau tai, sau đó lan lên cổ, mặt, xuống ngực, bụng, lưng và tứ chi. Ban sởi lặn theo trình tự xuất hiện và thường để lại những vết thâm trên da gọi là “vết hằn da hổ”.
Khi trẻ có sốt và phát ban nghi ngờ bệnh sởi nên đưa trẻ đến khám bệnh tại cơ sở y tế nhà nước vì nếu đúng là bệnh sởi thì bác sĩ sẽ kê đơn và cấp phát Vitamine A viên nang liều cao. Đây là loại thuốc mà các nhà thuốc tư nhân không được bán.
Bạn sẽ cho con dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C. Trong khi chờ tác dụng hạ sốt của thuốc, nên lau mát trẻ bằng nước ấm. Không cần kiêng nước như nhiều mẹ vẫn làm. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng dễ tiêu, giàu dinh dưỡng. Đồng thời, nên cách lý trẻ bệnh với các trẻ khác ít nhất 4 ngày từ khi mắc bệnh.
Bệnh sởi không biến chứng không cần phải nhập viện vì có thể gây lây nhiễm chéo cho trẻ khác hoặc bị lây bệnh khác từ các bệnh nhân. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, nên theo dõi nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau thì đưa đến cơ sở y tế khám ngay, đặc biệt là ở giai đoạn ban sởi đã lặn: Li bì, co giật, sốt cao khó hạ, mệt hơn, thở bất thường, tiêu chảy.
Trường hợp trẻ bệnh sởi có biến chứng, đặc biệt là viêm phổi phải được điều trị tại bệnh viện có phương tiện hỗ trợ hô hấp như hệ thống thở áp lực dương liên tục qua mũi hoặc máy thở.
Cần cẩn thận chăm sóc trẻ tốt, vì virus sởi tấn công vào hệ thống miễn dịch làm suy giảm sức đề kháng của trẻ. Trong thời gian mắc bệnh sởi, trẻ dễ bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác, đặc biệt là các vi khuẩn từ đường hô hấp gây viêm phổi hoặc từ đường tiêu hóa gây tiêu chảy, tiêu đàm máu.